CIEM: Cách mạng công nghiệp 4.0 có thể thúc đẩy tăng GDP từ 7 - 16%/năm

Cập nhật, 19:07, Thứ Ba, 27/11/2018 (GMT+7)

Sáng 27/11, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức Diễn đàn “Cách mạng công nghiệp 4.0: kinh nghiệm quốc tế và chính sách của Việt Nam”.

Ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM. Ảnh: TTXVN
Ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM. Ảnh: TTXVN

Mục đích nhằm lấy ý kiến đóng góp cho Dự thảo Chiến lược quốc gia về cách mạng công nghiệp 4.0; cũng như chia sẻ kinh nghiệm trong xây dựng chiến lược cách mạng công nghiệp 4.0. 

Phát biểu tại diễn đàn, ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM cho biết, Việt Nam là một nước thu nhập trung bình thấp, đang nỗ lực thực hiện công nghiệp hóa, chuyển đổi mô hình tăng trưởng. Khoa học công nghệ luôn được coi là yếu tố quan trọng hàng đầu cho tăng trưởng kinh tế. Do đó, cần sớm tiếp cận và có chính sách thúc đẩy Việt Nam tham gia cách mạng công nghiệp 4.0.

Theo báo cáo của CIEM, so với kịch bản chỉ có cải cách kinh tế (không thực hiện cách mạng công nghiệp 4.0) thì cách mạng công nghiệp 4.0 có thể thúc đẩy GDP Việt Nam tăng thêm 28,5 tỷ - 62,1 tỷ USD, tương đương mức tăng GDP từ 7 - 16%/năm đến năm 2030, tùy theo từng kịch bản (cao, trung bình, thấp). GDP bình quân đầu người sẽ tăng thêm 315-640 USD người vào năm 2030 nhờ tăng năng suất và tăng việc làm.

Ông Đặng Quang Vinh, Phó Trưởng ban, Ban Môi trường kinh doanh và Năng lực cạnh tranh, CIEM cho biết, các ngành công nghiệp mới của cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ là động lực tăng trưởng chính của Việt Nam; đồng thời, hỗ trợ các ngành khác nâng cao năng lực cạnh tranh, tăng doanh thu và phát triển các dịch vụ mới. Theo đó, các ngành hưởng lợi nhiều nhất là chế biến, chế tạo, thương mại, bán lẻ, nông nghiệp, tài chính, ngân hàng, bảo hiểm…

Ông Đặng Quang Vinh cho rằng, môi trường kinh doanh Việt Nam có nhiều cải thiện trong những năm gần đây nhờ nỗ lực cải cách của Chính phủ, tuy nhiên thực tế cho thấy môi trường kinh doanh của Việt Nam còn nhiều khó khăn. Thể chế kinh tế thị trường của Việt Nam nhìn chung chưa phù hợp với đổi mới sáng tạo. Pháp luật về kinh doanh chậm thay đổi trước các xu hướng công nghệ và thị trường.

Bên cạnh đó, đại đa số doanh nghiệp có trình độ công nghệ thấp và chưa quan tâm đến ứng dụng công nghệ mới. Vốn đầu tư cho công nghệ có tăng nhưng chưa đáp ứng được nhu cầu; thiếu quy mô và khả năng kết nối cung - cầu; không có công ty lớn nào trên thị trường tạo ra tác động lớn; khối lượng vốn đầu tư mạo hiểm theo quy mô của nền kinh tế ở Việt Nam thấp hơn nhiều so với các nước như Malaysia và Indonesia; đầu tư nhà nước không đáng kể và khó tiếp cận.

Để tận dụng cơ hội từ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, ông Đặng Quang Vinh cho rằng, cần rà soát, sửa đổi thể chế quản lý kinh doanh, đơn giản hóa thủ tục hành chính và điều kiện kinh doanh trên nền tảng số, tạo không gian thể chế cho các thử nghiệm công nghệ; đồng thời, rà soát, sửa đổi, bổ sung thể chế cho các ngành công nghiệp mới xuất hiện; nâng cao chất lượng pháp luật và thi hành phát luật về bảo vệ sở hữu trí tuệ để khuyến khích đổi mới sáng tạo…

Đề xuất chính sách nâng cao năng lực tiếp cận cách mạng công nghiệp 4.0, ông Đinh Quang Trung, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học và công nghệ, Bộ Thông tin và Truyền thông cho rằng, cần nghiên cứu phát triển các sản phẩm trọng điểm về công nghiệp công nghệ thông tin, điện tử - viễn thông có tính chất chiến lược, tạo nền tảng, tác động lan tỏa; đồng thời, giám sát, cảnh bảo và hướng dẫn xử lý mối đe dọa, nguy cơ an toàn thông tin; nghiên cứu đảm bảo an toàn thông tin đối với các lĩnh vực có phát sinh các thách thức mới…

Theo chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh, điều quan trọng nhất là phải cải cách, tạo môi trường thuận lợi hơn cho doanh nghiệp kinh doanh, sáng tạo, giảm chi phí không chính thức, giám sát sự can thiệp hành chính vào hoạt động của doanh nghiệp.

Theo Thúy Hiền (TTXVN)