Trái đất đang chưa được chuẩn bị tốt để ứng phó thiên thạch

Cập nhật, 15:53, Thứ Tư, 04/07/2018 (GMT+7)

Các nhà khoa học vũ trụ hàng đầu của châu Âu cảnh báo còn quá nhiều thiên thạch kích thước lớn vẫn đang lọt qua tầm theo dõi và hệ thống cảnh báo của chúng ta hiện nay.

Ảnh minh họa: WESTERN JOURNAL
Ảnh minh họa: WESTERN JOURNAL

Theo báo Daily Mail, Anh, các nhà khoa học vũ trụ tại Cơ quan vũ trụ châu Âu (ESA) cảnh báo thực tế Trái đất đang không được chuẩn bị đầy đủ và hiệu quả để ứng phó với những vụ va chạm chết người từ các thiên thạch "tàng hình" - một cách nói ví von để chỉ những thiên thạch lọt qua được hệ thống theo dõi và cảnh báo sớm của giới chuyên môn.

Các nhà khoa học châu Âu cho biết mặc dù hầu hết các loại thiên thạch cỡ "khủng" có khả năng phá hủy cả hành tinh đều đã được phát hiện sớm, tuy nhiên cho tới nay giới khoa học vẫn chỉ mới phát hiện được 1% trong tổng số khối đá trong vũ trụ có kích thước chiều rộng từ 1 km trở xuống.

Theo tiến sĩ Detlef Koschny, hiện tại các hệ thống cảnh báo thiên thạch trên trái đất chỉ có thể phát hiện và cảnh báo những thiên thạch loại này khi chúng còn cách Trái đất vài giờ nữa - khoảng thời gian khá ít để có thể ứng phó với chúng.

Mặc dù có kích thước được cho là "nhỏ", những khối thiên thạch này vẫn tiềm ẩn sức công phá đủ để phá tan một khu vực có kích thước to bằng nước Đức.

Vì lẽ đó, tiến sĩ Koschny cảnh báo "nhu cầu cấp thiết" cần có thêm các loại kính viễn vọng có khả năng rà quét bầu trời để phát hiện sớm những thiên thạch cỡ nhỏ đang trong hành trình bay có thể va chạm với Trái đất.

Ông Koschny dẫn ra một trường hợp điển hình của nguy cơ này là vụ thiên thạch Chelyabinsk từng khiến hàng ngàn người bị thương khi nổ tung trên bầu trời tại Nga năm 2013 song đã không bị bất cứ hệ thống cảnh báo thiên thạch nào trên Trái đất phát hiện.

Theo TTO