Điểm nhấn công nghệ tuần: Thủ tướng sẽ là Chủ tịch Ủy ban quốc gia về Chính phủ điện tử

Cập nhật, 19:59, Chủ Nhật, 22/07/2018 (GMT+7)

Thủ tướng sẽ là Chủ tịch Ủy ban quốc gia về Chính phủ điện tử; Cáp AAG đã hoạt động bình thường trở lại; Google nhận án phạt 5 tỷ USD vì cạnh tranh không lành mạnh... là nội dung chú ý tuần qua.

Thủ tướng sẽ là Chủ tịch Ủy ban quốc gia về Chính phủ điện tử

Sáng 18/7, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự Diễn đàn cấp cao Công nghệ thông tin - truyền thông Việt Nam (Vietnam ICT Summit) 2018 tại Hà Nội.

Phát biểu tại diễn đàn, Thủ tướng cho rằng việc xây dựng Chính phủ điện tử phải gắn liền với vai trò của người đứng đầu, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong cải cách hành chính, bảo đảm thực thi hiệu quả. Do vậy, Việt Nam đang thiết lập Ủy ban quốc gia về Chính phủ điện tử do Thủ tướng là Chủ tịch và trực tiếp chỉ đạo.

Ngoài ra, các thành viên Ủy ban là Phó Thủ tướng, Bộ trưởng các bộ liên quan trực tiếp tới các nhiệm vụ trong xây dựng Chính phủ điện tử, đồng thời có sự tham gia của đại diện cho khu vực tư nhân để phát huy hiệu quả hợp tác công - tư trong triển khai thực hiện nhiệm vụ này.

Trong giai đoạn trước mắt, Thủ tướng nêu ra một số nhiệm vụ trọng tâm cần tập trung thực hiện như: tiếp tục hoàn thiện và nâng cao chất lượng thể chế pháp luật, chính sách nền tảng cho xây dựng Chính phủ điện tử, cụ thể là đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin, kết nối, chia sẻ dữ liệu, bảo vệ thông tin cá nhân, xác thực điện tử cá nhân, tổ chức, hệ thống báo cáo điện tử, văn thư lữu trữ điện tử...

Thủ tướng cho rằng, việc bảo đảm cho thành công là yếu tố con người, chuẩn bị nguồn nhân lực 4.0 là đòi hỏi cấp thiết cả trước mắt và lâu dài. Muốn làm cách mạng thành công trước hết phải xây dựng được lực lượng cách mạng. Nguồn nhân lực thông minh cộng với sự sáng tạo là đầu tàu cho sự phát triển kinh tế trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

“Chúng ta thấy đã xuất hiện những mô hình kinh doanh hoàn toàn khác biệt so với truyền thống như các hãng truyền thông toàn cầu nhưng không sở hữu quyền tác giả của một tin tức nào, hãng taxi toàn cầu nhưng không sở hữu chiếc xe nào, hãng khách sạn toàn cầu nhưng không sở hữu phòng khách sạn nào... đã và đang góp phần định hình nên một thời đại kinh tế mới, thời đại của kinh tế số”, Thủ tướng nói.

Thủ tướng khẳng định, cách mạng công nghiệp 4.0 mở ra thời đại mới trong tiến trình phát triển của nhân loại, đó là thời đại số được dự báo tác động mạnh mẽ lên mọi hoạt động của Chính phủ và toàn xã hội. Đây chính là cơ hội lịch sử song cũng đầy thách thức đối với công cuộc cải cách và phát triển đất nước.

Theo Thủ tướng, để không bỏ lỡ cơ hội này, trước hết, Chính phủ phải tự đổi mới, chuyển đổi để trở thành một Chính phủ của thời đại 4.0, có đủ năng lực quản trị phát triển quốc gia trong thời đại số.

Đồng thời, Thủ tướng yêu cầu các cấp, các ngành và toàn xã hội cần có những thay đổi từ nhận thức đến hành động để phát huy được những thuận lợi do việc ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số mang lại và đáp ứng được những thách thức của thời đại kinh tế số.

Cáp AAG đã hoạt động bình thường trở lại

Theo thông báo từ Trung tâm điều hành tuyến cáp quang biển AAG, tuyến cáp quang biển đã hoạt động trở lại sau 1 tháng gặp sự cố. Cụ thể, vào chiều ngày 18/7, sự cố trên nhánh cáp S1H (phân đoạn Vũng Tàu - Brunei) tại vị trí cách trạm cập bờ Vũng Tàu khoảng 64,3km đã được sửa xong.

Trước đó, trong một thông tin tới các nhà cung cấp dịch vụ Internet, đơn vị điều hành AAG cho biết mối hàn đầu tiên sẽ bắt đầu vào 22h ngày 17/7, mối hàn cuối vào 3 giờ ngày 21/7 và hoàn tất chôn cáp vào 5 giờ ngày 22/7.

Như vậy, cáp AAG đã được sửa chữa xong trước khoảng 4 ngày so với dự kiến. Sự cố trên tuyến cáp AAG lần này xảy ra vào sáng 16/6, gây ảnh hưởng chất lượng dịch vụ Internet từ Việt Nam đi quốc tế.

Với sự cố này, năm 2018, AAG đã có ba lần trục trặc. Hai lần trước vào các ngày 6/1 và 22/5/2018.

Kể từ khi hoạt động, AAG nhiều lần gặp trục trặc, gây ảnh hưởng tới chất lượng Internet Việt Nam đi quốc tế. Vài năm trở lại đây, các doanh nghiệp Việt Nam đã đầu tư thêm nhiều tuyến cáp mới, nhằm giảm sự phụ thuộc vào AAG.

Được biết, AAG là hệ thống cáp quang biển có chiều dài 20.191km với tổng chi phí đầu tư khoảng 560 triệu USD, dung lượng thiết kế đạt đến 2 Terabit/giây, kết nối trực tiếp khu vực Đông Nam Á với Mỹ.

Tuyến cáp quang này được đưa vào khai thác từ năm 2009, đi qua Malaysia, Singapore, Thái Lan, Việt Nam (nhánh cáp rẽ vào Việt Nam dài 314km, điểm cập bờ tại Vũng Tàu), Brunei, Hong Kong (Trung Quốc), Philippines và Hoa Kỳ (Guam, Hawaii và California).

Google nhận án phạt 5 tỷ USD vì cạnh tranh không lành mạnh

Liên minh châu Âu đã quyết định mức phạt 4,34 tỷ EUR (tương đương với 5 tỷ USD) đối với công ty con của Alphabet Inc. đồng thời ra lệnh thay đổi mô hình kinh doanh đối với Android - hệ điều hành di động phổ biến nhất thế giới vốn được coi là “cần câu cơm” hữu hiệu nhất của Google.

Khối liên minh cho biết Google đã lạm dụng sự thống trị của hệ điều hành di động Android - vốn chiếm 80% thị phần hệ điều hành di động - để quảng bá và cắm rễ các ứng dụng và dịch vụ di động của riêng mình lên smartphone người tiêu dùng, đặc biệt với hai sản phẩm Google Search và trình duyệt Chrome của hãng.

Thật vậy, điện thoại Android luôn được cài đặt sẵn một lượng lớn các dịch vụ của Google, bao gồm Search và Chrome. Các đối thủ của Người khổng lồ tìm kiếm từ lâu đã khiếu nại rằng thế độc tôn của Android đem lại cho Google một ưu thế bất công bởi Google sẽ thu hút người dùng sử dụng các dịch vụ sẵn có, sau đó dùng lượng dữ liệu khổng lồ thu được để target quảng cáo hiệu quả hơn.

Nói cách khác, nhóm ứng dụng được cài sẵn của Google bóp nghẹt mọi cơ hội chống trả của những ứng dụng và dịch vụ khác cùng chức năng tới từ chính nhà sản xuất thiết bị.

Với án phạt của mình, Ủy ban cho rằng Google đã có hành vi cạnh tranh trái pháp luật khi lợi dụng quyền lực của mình trên thị trường để “khích lệ” các nhà sản xuất điện thoại cài đặt sẵn thiết bị với dịch vụ và ứng dụng của Google, thậm chí Người khổng lồ công nghệ còn trả tiền cho nhiều nhà sản xuất lớn để đạt được mục đích.

Hóa ra, Google đã bao gồm nhiều điều khoản mang tính áp đặt với nhà sản xuất điện thoại và các công ty viễn thông nếu họ muốn sử dụng Android trên thiết bị của mình - dù rằng trên giấy tờ Google cung cấp Android cho nhà sản xuất hoàn toàn miễn phí.

Bà Margrethe Vestager, Ủy viên cấp cao Liên minh châu Âu nói: “Google đã sử dụng Android như một công cụ để đổ bê tông cho thế độc quyền của công cụ Google Search. Hành vi này đã dập tắt mọi cơ hội nghiên cứu và đột phá cũng như cạnh tranh một cách lành mạnh của các đối thủ ”.

Về phần mình, Google cho biết sẽ kháng án. Trong một bài đăng cùng ngày, CEO Sundar Pichai cho biết Android đã giúp thúc đẩy cuộc cạnh tranh lành mạnh giữa các nhà sản xuất smartphone và tạo ra nhiều lựa chọn hơn bao giờ hết cho người tiêu dùng.

Ông còn úp mở rằng quyết định phạt có thể sẽ “làm chao đảo thế cân bằng vốn có của hệ sinh thái Android” vì khi đó Google sẽ buộc phải cấp phép sử dụng mất tiền để Android có thể tới được tay nhà sản xuất thay vì phân phối một cách miễn phí như bây giờ

Số tiền phạt chiếm khoảng 40% lợi nhuận ròng của Google tính đến hết 2017, tức khoảng 12,62 tỷ USD và Google được gia hạn 4 tháng để trả tiền phạt. Cùng với án phạt, công ty con của Alphabet được yêu cầu chấm dứt hành vi đi ngược lại Luật chống độc quyền của mình trong vòng 90 ngày.

Điều này đồng nghĩa với việc Google không được tiếp tục ép buộc nhà sản xuất phải cài đặt trình duyệt Chrome làm trình duyệt mặc định, đặt Google Search làm công cụ tìm kiếm mặc định và chào giá hấp dẫn với những nhà sản xuất sẵn sàng cài sẵn Search vào thiết bị của mình.

Google Maps có thêm chế độ dẫn đường cho xe máy Việt

Phiên bản Google Maps 9.79 dành cho Android 4.4 (KitKat) trở lên sẽ áp dụng tính năng mới dành cho xe máy hai bánh tại Việt Nam từ ngày 18/7. Phiên bản dành cho thiết bị dùng iOS sẽ được cập nhật tiếp sau đó.

Sau khi tính năng dẫn đường cho xe '2 bánh' được Google Maps cập nhật cho Ấn Độ hồi cuối năm 2017, hiện tại người dùng Việt Nam cũng đã có thể sử dụng tính năng này trên bản đồ Google.
Người dùng có thể tiếp cận đường đi cho xe máy bằng cách tìm kiếm điểm đến, sau đó chạm vào biểu tượng xe máy trên phần các tùy chọn phương tiện giao thông.
Để sử dụng chức năng chỉ đường cho người đi xe máy trên Google Maps, bạn kích hoạt ứng dụng, sau đó sử dụng chức chỉ đường như thông thường. Sau khi điền điểm đi và điểm đến, bạn nhấn vào nút “Chỉ đường”, rồi chọn biểu tượng xe máy ở giao diện chỉ đường.
Việt Nam là quốc gia thứ 2 trên thế giới được Google Maps cập nhật tính năng chỉ đường băng xe máy. Trước đó, tính năng này cũng đã được Google trang bị cho người dùng tại Ấn Độ từ tháng 12/2017.
Google cho biết việc tạo ra tuỳ chọn dẫn đường với xe máy sẽ giúp người điều khiển xe 2 bánh tại Việt Nam có thể tránh được các tuyến đường chỉ dành cho ô tô lưu thông và các trạm thu phí cao tốc.
Tại Việt Nam, xe máy là phương tiện di chuyển phổ biến nhất. Số lượng xe máy đăng ký tại Việt Nam lên đến hơn 45 triệu và người lái xe máy có những nhu cầu riêng.
Xe máy có thể lưu thông trên những tuyến đường hẹp hay trong ngõ, những khu vực mà ô tô không thể tiếp cận.

Theo Kinhtedothi