Lần đầu tiên các nhà khoa học in 3D thành công giác mạc

Cập nhật, 14:46, Thứ Bảy, 02/06/2018 (GMT+7)

Các nhà khoa học lần đầu tiên đã tạo ra giác mạc của con người bằng kỹ thuật in 3D trong phòng thí nghiệm, có thể cứu hàng triệu người khỏi bị mù lòa liên quan đến tổn thương giác mạc.

Giác mạc, màng ở phía trước mắt, rất cần thiết trong việc giúp chúng ta tập trung đúng cách, đồng thời bảo vệ đôi mắt của chúng ta. Nhu cầu về giác mạc đang rất cần, khoảng 10 triệu người trên toàn thế giới đang chờ ghép để khắc phục các vấn đề về thị lực, 5 triệu người khác đã hoàn toàn mù vì sẹo giác mạc.

Nếu chúng ta có thể tạo ra giác mạc có thể sử dụng trong phòng thí nghiệm, thì nhiều người trong số này có thể được giúp, điều mà các nhà nghiên cứu Trường ĐH Newcastle (Anh) giải thích là mục tiêu của nhiều nhà khoa học trong một thời gian dài.

“Nhiều nhóm nghiên cứu trên toàn thế giới đã theo đuổi các loại mực sinh học lý tưởng để làm cho quá trình này khả thi. Hiện chúng tôi đã sẵn sàng sử dụng mực in sinh học chứa các tế bào gốc cho phép người dùng bắt đầu in các mô mà không phải lo lắng về việc phát triển các tế bào một cách riêng biệt”- nhà nghiên cứu Che Connon cho biết.

Mực sinh học đặc biệt trộn lẫn alginate, protein collagen và đã được phát triển để đạt được một bộ tiêu chí rất cụ thể: đủ cứng để giữ hình dạng của nó và đủ mềm để vừa vặn với vòi phun của máy in 3D.

Cấu trúc cũng cần để có thể cho phép sự phát triển của các tế bào hình giác mạc (mô liên kết) của con người, được lấy từ một người hiến tặng. Các nhà khoa học đã có thể in ra giác mạc, như một loạt các vòng tròn đồng tâm, trong vòng chưa đến 10 phút.

Trước đây, nhóm đã sử dụng hydrogel tương tự để giữ cho tế bào gốc sống trong nhiều tuần ở nhiệt độ phòng. Bây giờ họ đã có thể chuyển điều này đến giác mạc để sử dụng, với các tế bào còn lại khả thi ở mức 83% sau
1 tuần.

“Giác mạc in 3D của chúng tôi hiện sẽ phải trải qua thử nghiệm thêm trước khi chúng tôi có thể sử dụng chúng cho việc cấy ghép”- Connon nói.

HẢI HUỲNH (Nguồn: ScienceAlert)