Australia chi 7 tỉ đô mua máy bay Mỹ giám sát Biển Đông

Cập nhật, 09:18, Thứ Tư, 27/06/2018 (GMT+7)

 

Máy bay trinh thám không người lái MQ-4C Triton của Mỹ. Ảnh: Reuters
Máy bay trinh thám không người lái MQ-4C Triton của Mỹ. Ảnh: Reuters

Australia sẽ chi 7 tỉ USD để mua 6 máy bay do thám không người lái, có thể hoạt động trên không trung hơn một ngày, để truy tìm tàu ngầm của kẻ địch và giám sát các chuyến bay, đặc biệt ở Biển Đông.

Hôm 26.6, CNN dẫn lời Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull nói chính phủ của ông đang đầu tư 7 tỉ USD để mua 6 chiếc MQ-4C Triton, loại máy bay điều khiển từ xa của nhà cung cấp thiết bị quốc phòng Mỹ Northrop Grumman, "thông qua một chương trình hợp tác với Hải quân Mỹ".

Theo ABC News, các máy bay công nghệ cao Triton với tầm hoạt động xa và khả năng chống đông đá, có thể bay tới bắc Ấn Độ Dương, thậm chí cả Nam Cực, nơi Australia giám sát quân sự trong khu đặc quyền kinh tế của nước này, để phát hiện các chiến hạm nước ngoài, tàu đánh cá bất hợp pháp hoặc buôn người.

Bộ trưởng Công nghiệp Quốc phòng Christopher Pyne nói với ABC News: "Điều rất quan trọng đối với chúng tôi là phải biết ai đó đang hoạt động trong khu vực của mình và có thể kịp thời phản ứng nếu cần thiết đối với bất kỳ mối đe dọa nào".

Theo Bộ trưởng Công nghiệp Quốc phòng Christopher Pyne, những chiếc Triton hiện đại sẽ giúp Australia tiếp tục giám sát được khu vực Đông Nam Á và Biển Đông - khu vực được xác định là trọng tâm hoạt động của máy bay không người lái Triton.

"Australia nhấn mạnh đến quyền tự do hàng hải và hàng không của mình trên vùng biển quốc tế ở Biển Đông, như Australia vẫn luôn tiến hành" - ông Pyne nói.

Căn cứ của đội máy bay Triton đặt tại Edinburg, Nam Australia, tuy nhiên đến năm 2025 mới chính thức đi vào hoạt động.

Các thông tin thu thập được chia sẻ cho các đồng minh của Australia như Mỹ, Anh, Canada, New Zealand.

Cũng tại Biển Đông, Nhật Bản hôm 25.6 cho biết sẽ viện trợ 2.5 tỉ yen (23 triệu USD) cho Indonesia để phát triển nghề cá tại 6 hòn đảo hẻo lánh.

Ngoại trưởng Nhật Bản Taro Kono và người đồng nhiệm Indonesia Retno Marsudi đã ký kết văn bản liên quan tại Jakarta, nằm trong nỗ lực của Tokyo để xúc tiến chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương tự do và rộng mở.

Khoản viện trợ nói trên sẽ được dùng để xây dựng các cảng và trang thiết bị cho nghề đánh cá từ nay đến tháng Giêng năm 2020 trên 6 đảo nhỏ, trong đó có Natuna vốn thường bị tàu Trung Quốc quấy nhiễu.

Theo KHÁNH MINH (LĐO)