Điều khiển cánh tay bằng suy nghĩ của 2 học sinh lớp 8

Cập nhật, 20:30, Chủ Nhật, 13/05/2018 (GMT+7)

Cánh tay robot điều khiển bằng suy nghĩ Mind- Arm của 2 em Phan Trường Anh Khôi và Nguyễn Công Huy- Trường THCS Trưng Vương (Hà Nội) được đánh giá là sản phẩm có tính ứng dụng dành cho những người không may bị khuyết cánh tay.

Phan Trường Anh Khôi và Nguyễn Công Huy (Trường THCS Trưng Vương, Hà Nội).
Phan Trường Anh Khôi và Nguyễn Công Huy (Trường THCS Trưng Vương, Hà Nội).

Góp mặt trong buổi họp báo ngày hội STEM 2018, em Phan Trường Anh Khôi và Nguyễn Công Huy đã có màn trình diễn cánh tay robot có thể điều khiển bằng ý nghĩ.

Sáng chế này bắt nguồn từ khao khát làm một cánh tay nhân tạo giúp những người bị khuyết tật vận động có cuộc sống tốt hơn. Anh Khôi chia sẻ: “Bác của em là thương binh bị mất đi cánh tay phải trong chiến dịch Khe Sanh. Việc chỉ còn lại cánh tay trái khiến bác rất khó khăn trong sinh hoạt. Em luôn mong mỏi làm được điều gì đó giúp bác cũng như hỗ trợ những người khuyết tật, cụ thể là những người bị mất cánh tay”.

Hiện tại cánh tay robot do các em thực hiện đã có các động tác đơn giản như nắm, mở theo ý nghĩ, điều khiển việc xoay
cổ tay.

Cánh tay robot điều khiển bằng suy nghĩ của hai cậu bé mới chỉ ở lứa tuổi 13 – 14 khiến nhiều người ngạc nhiên. Mặc dù là một sản phẩm đòi hỏi nhiều chất xám nhưng Anh Khôi cho rằng, “khoa học không phân biệt độ tuổi. Nếu thực sự đam mê thì tuổi tác không phải là vấn đề rào cản”. Và, trong sản phẩm của mình, các em đã biết cách tích hợp công nghệ phân tích tín hiệu điện não Emotiv Insight, công nghệ in 3D- công nghệ của nền công nghiệp 4.0 và các ngôn ngữ lập trình.

Nghiên cứu này cho phép thiết kế, chế tạo và ứng dụng sản phẩm cánh tay giả một cách thông minh với giá thành thấp. Đầu tiên, thiết bị phân tích sóng não Emotiv Insight sẽ thu tín hiệu điện não và gửi các tín hiệu này về máy tính thông qua wifi hoặc bluetooth. Máy tính làm nhiệm vụ chuyển các tín hiệu điện não thành các trạng thái tương ứng với hoạt động của não bộ. Các trạng thái vừa giải mã sẽ được máy tính truyền xuống cho board mạch Arduino. Board mạch Arduino nhận lệnh và điều khiển các động cơ theo kịch bản có sẵn.

Việc điều khiển bằng suy nghĩ có thể thực hiện dưới nhiều kịch bản vận động khác nhau thông qua giải mã ý nghĩ giúp quá trình vận động tự nhiên như người bình thường. Ngoài việc giải mã suy nghĩ để điều khiển cánh tay, Huy và Khôi còn bổ sung thêm phần điều khiển bằng giọng nói nhằm tăng thêm tùy chọn điều khiển cho cánh tay như chế độ cầm nắm, chế độ cầm bút, chế độ sử dụng chuột máy tính… Việc kết hợp này sẽ giúp các hoạt động của tay được ổn định và tự nhiên hơn.

Anh Khôi chia sẻ thêm, trong tương lai, nhóm sẽ tiếp tục phát triển để điều khiển các ngón tay thêm các cử động ở khủy tay và cổ tay linh hoạt hơn nữa, giúp thực hiện được nhiều hành động cùng lúc.

Với khả năng ứng dụng và tính nhân văn cao, chi phí hợp lý giúp hỗ trợ cho người khuyết tật chi hoặc bị bại liệt đã giúp hai em đạt giải nhì trong cuộc thi “Khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học cấp thành phố năm học 2017- 2018” về lĩnh vực robot và máy thông minh; đồng thời được chọn để giới thiệu tại kỳ thi cấp quốc tế tại Mỹ vào giữa tháng 5 tới.

ĐÔNG PHƯƠNG (theo khoahoc.tv/vietnamnet)