Phát hiện thuốc giết muỗi- hy vọng loại bỏ bệnh sốt rét

Cập nhật, 05:43, Thứ Bảy, 07/04/2018 (GMT+7)

Một nghiên cứu cho thấy một loại thuốc “thú vị” có thể làm cho máu người độc hại đối với muỗi và giết chúng.

Các nhà khoa học phát hiện ra những con muỗi mang bệnh đã chết sau khi cho hút máu người với liều lượng cực mạnh của thuốc ivermectin- dùng điều trị ghẻ. Tác dụng diệt muỗi kéo dài đến 1 tháng sau khi bệnh nhân dùng thuốc.

Các nhà nghiên cứu hy vọng thuốc có thể được sử dụng để kiểm soát bệnh sốt rét, và có khả năng là các bệnh truyền nhiễm khác do muỗi gây ra.

Một nhóm các nhà nghiên cứu do Anh đứng đầu đã chia 139 tình nguyện viên từ Kenya- có hơn 6 triệu ca sốt rét mới mỗi năm- thành 3 nhóm.

Bệnh nhân sốt rét được chọn ngẫu nhiên để cho uống 600mcg/kg hoặc 300mg/kg ivermectin trong 3 ngày hoặc được cho dùng giả dược.

Nghiên cứu được xuất bản trên trang The Lancet Infectious Diseases, cho thấy cả 2 liều thuốc này đều độc hại đối với muỗi trong 28 ngày. Nó cũng cho thấy 97% muỗi đã chết sau 2 tuần ăn các mẫu máu của bệnh nhân dùng liều ivermectin cao hơn.

TS. Menno Smit- nhà nghiên cứu Trường Y học Nhiệt đới Liverpool- hoan nghênh phát hiện này. Ông nói: “Kết quả thú vị nhất là ngay cả 1 tháng sau khi các đối tượng uống thuốc ivermectin, máu của họ vẫn giết muỗi”.

Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu tin rằng liều 300mcg/kg mang lại hy vọng tốt nhất do tác dụng phụ của liều cao hơn. Một phân tích cho thấy 11% trong số 45 tình nguyện viên được cho liều 600mcg/kg có phản ứng bất lợi với thuốc. Liều tiêu chuẩn là 150mcg/kg.

Chỉ 4% trong số 48 bệnh nhân nhận được liều nhỏ hơn có những phàn nàn tương tự. Không có phản ứng phụ nào được báo cáo từ giả dược.

Các nhà nghiên cứu đã viết trên tạp chí: “Ivermectin ở cả 2 liều lượng được đánh giá đã dung nạp tốt và giảm khả năng sống sót của muỗi trong ít nhất 28 ngày sau khi điều trị. Ivermectin 300mcg/kg mỗi ngày trong 3 ngày đem lại sự cân bằng giữa hiệu quả và khả năng dung nạp.

Nó hứa hẹn như một công cụ mới để loại bỏ bệnh sốt rét. Nó được dùng cùng với thuốc chống sốt rét dihydroartemisinin-piperaquine”.

HẢI HUỲNH (Nguồn: TechTimes)