Giữ khuyến mại 50%, thuê bao trả sau sẽ hấp dẫn người dùng?

Cập nhật, 06:01, Thứ Năm, 08/03/2018 (GMT+7)

Với việc hạ mức khuyến mại cho thuê bao trả trước nhưng vẫn duy trì đến 50% cho thuê bao trả sau, liệu người tiêu dùng sẽ chuyển từ trả trước sang hình thức trả sau cho điện thoại di động?

Thuê bao trả sau đang được nhà mạng quan tâm, ưu ái.
Thuê bao trả sau đang được nhà mạng quan tâm, ưu ái.

Vừa qua, Thông tư số 47/2017/TT-BTTTT của Bộ Thông tin- Truyền thông quy định hạn mức khuyến mại đối với dịch vụ thông tin di động mặt đất, từ 1/3/2018 thuê bao trả trước chỉ được khuyến mại thẻ nạp tối đa 20%, giảm mạnh so với mức tối đa 50% được áp dụng trước đó. Thuê bao trả sau vẫn sẽ tiếp tục được hưởng mức khuyến mãi 50% như hiện hành.

Những người dùng thuê bao di động lâu năm cho rằng, đây là một trong những quy định đánh dấu sự thay đổi chính sách cho thị trường viễn thông.

Trong đó, có phần ưu ái hơn cho người dùng thuê bao trả sau. Anh Nguyễn Văn Hòa (xã Phú Quới- Long Hồ) cho rằng, trước đây đối với thuê bao di động trả trước, nhà mạng tung ra nhiều hình thức khuyến mại khi mua sim mới, hoặc liên tục khuyến mại 50% thẻ nạp. Trong khi đó, thuê bao trả sau chỉ hưởng được mức cước phí rẻ hơn chứ ít được khuyến mại.

Theo ông Lê Thế Vinh- Phó Giám đốc Sở Thông tin- Truyền thông, trước đây, khuyến mãi 50% giá trị thẻ nạp thường được các nhà mạng áp dụng cho thuê bao trả trước, nhiều người sử dụng thuê bao trả sau cảm thấy thiệt thòi khi thanh toán cước.

Thông tư 47 của Bộ Thông tin- Truyền thông quy định hạn mức khuyến mại thuê bao trả trước chỉ được tối đa 20% thẻ nạp, thuê bao trả sau vẫn sẽ tiếp tục được hưởng mức khuyến mãi 50% như hiện hành nhằm thúc đẩy phát triển thuê bao trả sau, cắt sim rác, hạn chế tin nhắn rác, bảo đảm tính cạnh tranh lành mạnh cũng như bảo đảm quyền lợi của khách hàng sử dụng dịch vụ...

Ông Lê Thế Vinh giải thích thêm: Trước đây, dù đã “khống chế khuyến mãi” ở mức tối đa 50% giá trị thẻ nạp nhưng vẫn có nhà mạng vi phạm, khuyến mãi 100- 300%.

Thông tư 47 này gia tăng mức xử phạt nhà mạng vi phạm để hạn chế cạnh tranh không lành mạnh. Bên cạnh, so thuê bao trả trước, thuê bao trả sau được cập nhật thông tin cụ thể hơn (có thêm sổ hộ khẩu) nên giúp quản lý chặt chẽ hơn.

Còn việc người tiêu dùng có nên chuyển từ trả trước sang trả sau, sẽ được lợi gì thì ông Thế Vinh cho rằng, trả sau có nhiều cái lợi, như thay vì phải “trả ứng trước cho nhà mạng khi chưa sử dụng” thì người tiêu dùng “sẽ chuyển sang sử dụng trước rồi mới trả phí”.

Trong khi đó, người dùng được chăm sóc chu đáo, trong đó, thanh toán cước cũng dễ dàng như có người đến tận nơi thu tiền hoặc có thể nạp thẻ cào hoàn toàn không tốn phí dịch vụ y như trả trước vậy. Thuê bao trả sau cũng được ưu tiên áp dụng dịch vụ “chuyển mạng không giữ số” trước.

Ông Lê Thế Vinh cho biết thêm, trước đây, việc sở hữu sim quá dễ dàng, khuyến mãi lại “khủng” nên sim rác tràn lan. Có người chỉ sử dụng sim chính để nghe, còn gọi hay nhắn tin, lên mạng… thì sử dụng sim khuyến mãi nên rất khó quản lý.

Nay với Thông tư 47 và nhiều quy định liên quan sẽ giúp quản lý chặt chẽ hơn, bảo đảm cạnh tranh lành mạnh trên thị trường, đồng thời người tiêu dùng cũng được lợi “gián tiếp” từ việc này, như hạn chế bị làm phiền bởi tin nhắn rác, bảo đảm an toàn, an ninh xã hội, bảo đảm quyền lợi của khách hàng sử dụng dịch vụ.

Nhiều người dùng nhận định: Thế mạnh của thuê bao trả trước là đơn giản trong thanh toán cước phí, không cần lo lắng, kiểm soát cước phí có thể phát sinh như thuê bao trả sau.

Do đó, việc cần làm của nhà mạng là quan tâm, chăm sóc nâng cao chất lượng dịch vụ cho thuê bao trả sau mới thu hút được người dùng, chứ không đơn giản chỉ là việc giữ khuyến mại cao hơn.

Bài, ảnh: TẤN ANH- TUYẾT HIỀN