Phát triển cảm biến giấy có thể phát hiện nước ô nhiễm

Cập nhật, 09:31, Chủ Nhật, 21/01/2018 (GMT+7)

Các nhà khoa học tại ĐH Bath đã phát triển một cảm biến giấy dựa trên vi sinh vật mà có thể phát hiện các hợp chất độc hại có trong nước.

Công nghệ này lấy cảm hứng từ sự đơn giản của giấy quỳ - thường được sử dụng để đánh giá nhanh tính axit trong nước. Thiết bị được tạo ra rẻ, bền vững và có thể tái chế.

Thiết bị này bao gồm một tế bào nhiên liệu vi sinh vật (MFC) thu được bằng cách in lưới điện cực carbon có khả năng phân hủy sinh học lên trên một
mảnh giấy.

MFC là một thiết bị sử dụng các quá trình sinh học tự nhiên của “vi khuẩn điện”, mà được gắn vào các điện cực cacbon để tạo ra tín hiệu điện. Khi những vi khuẩn này tiếp xúc với nước bị ô nhiễm, sự thay đổi tín hiệu điện xảy ra và cung cấp cảnh báo rằng nước không an toàn để uống.

Các nhà nghiên cứu dự kiến nó sẽ có chi phí không quá £1 (31.000 VNĐ). Thiết bị này thân thiện với môi trường và dễ vận chuyển vì cảm biến giấy được làm từ các thành phần phân hủy sinh học và nặng dưới 1g.

TS. Mirella Di Lorenzo- giảng viên cao cấp tại Khoa Kỹ thuật Hóa học của ĐH Bath- cho biết: Công trình này có thể dẫn đến một cuộc cách mạng trong việc kiểm tra nước tại nơi sử dụng. Nó không chỉ thân thiện môi trường, dễ sử dụng và nhanh chóng mà còn cũng có giá cả phải chăng.

Nghiên cứu này sẽ có tác động tích cực đáng kể, đặc biệt là đem lại lợi ích cho những khu vực mà thậm chí việc tiếp cận các công cụ phân tích cơ bản cũng khó khăn.

Thiết bị này là một bước nhỏ trong việc giúp thế giới nhận ra lời kêu gọi của Liên Hợp Quốc nhằm đảm bảo việc tiếp cận nước uống và vệ sinh an toàn như là một quyền con người. Tiếp cận nước uống an toàn là một trong những mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc.

Các nhà nghiên cứu đang xem xét cách kết nối cảm biến với một thiết bị điện như điện thoại di động, thông qua máy phát không dây. Điều này giúp nó thân thiện với người sử dụng trong việc xác định một nguồn nước có an toàn để sử dụng hay không.

Phát biểu với Independent, TS. Janet Scott- giảng viên thuộc Khoa Hóa học tại ĐH Bath- cho hay: Đây là một ví dụ điển hình về việc khi các nhà khoa học và kỹ sư làm việc chặt chẽ với nhau, họ có thể phát triển các công nghệ hữu ích có tiềm năng tác động tích cực đến cuộc sống của người dân trên toàn cầu- các nhà khoa học có thể thiết kế các vật liệu tạo điều kiện thuận lợi cho việc sản xuất các thiết bị và các đối tác kỹ thuật thiết kế các thiết bị đó.

Dự án được thực hiện bởi các nhà nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu và Cải tiến nước thuộc Trung tâm Công nghệ hóa học bền vững tại ĐH Bath. Nó cũng có sự tham gia của các nhà nghiên cứu thuộc Khoa Cơ khí của ĐH Bath và hợp tác với Phòng thí nghiệm Quốc gia về Công nghệ nano Brazil ở Sao Paulo.

Nghiên cứu này nhận được tài trợ từ Quỹ Nghiên cứu thách thức toàn cầu thông qua Hội đồng Nghiên cứu kỹ thuật và Khoa học vật lý.

ĐÔNG PHƯƠNG

(theo Tạp chí Khoa học và Công nghệ Việt Nam)