PHÁT TRIỂN CÔNG NGHỆ SINH HỌC

Xu hướng tất yếu trong sản xuất và đời sống

Cập nhật, 05:58, Thứ Ba, 05/12/2017 (GMT+7)

Liên hiệp Hội Khoa học và Kỹ thuật Vĩnh Long vừa tổ chức buổi hội thảo xoay quanh chủ đề “Vai trò trí thức với xu hướng phát triển công nghệ sinh học”. Qua đó, có thể nắm cơ bản về việc ứng dụng công nghệ sinh học thực tế tại một số sở, ngành tỉnh cũng như định hướng phát triển trong tương lai…

Vai trò của công nghệ sinh học

Nghiên cứu, phát triển công nghệ sinh học trên địa bàn tỉnh đã có nhiều kết quả, trong đó có việc nâng cao chất lượng giống, phục vụ cơ cấu lại ngành nông nghiệp.Ảnh minh họa
Nghiên cứu, phát triển công nghệ sinh học trên địa bàn tỉnh đã có nhiều kết quả, trong đó có việc nâng cao chất lượng giống, phục vụ cơ cấu lại ngành nông nghiệp.Ảnh minh họa

Thực tế hiện nay trong nền kinh tế thị trường và sự hội nhập sâu rộng vào kinh tế quốc tế, việc phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học là một vấn đề lớn và rất cần quan tâm.

Qua đó, sẽ càng làm đa dạng hơn chuỗi sản phẩm và tăng giá trị sản phẩm, phù hợp với các điều kiện và tiêu chuẩn quốc tế.

Phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học trong sản xuất thì không thể không kể đến các hoạt động cơ cấu lại ngành nông nghiệp, đang được tỉnh triển khai.

Theo TS. Nguyễn Thị Tuyết Mai- Phó Chủ tịch Hội Giống nông nghiệp, Giám đốc Trung tâm Giống nông nghiệp Vĩnh Long, ứng dụng công nghệ sinh học để phát triển giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản phục vụ cho cơ cấu lại ngành nông nghiệp là hết sức quan trọng.

TS. Nguyễn Thị Tuyết Mai cho biết, giống là một trong những yếu tố quan trọng quyết định hiệu quả sản xuất, có ảnh hướng lớn đến khâu tiêu thụ, đặc biệt là đối với xuất khẩu, nên:

“Thái Lan đã đặt trọng tâm vào phát triển nông nghiệp trên quy mô công nghiệp hiện đại, bằng các phương pháp sinh học tối tân, họ đã sản xuất hàng loạt giống cây trồng mới, được chọn lọc và nhân giống. Từ đó tạo ra những thế hệ cây trồng nhiều ưu điểm…”

Theo bà, hiện Vĩnh Long cũng xem giống là yếu tố đầu vào quan trọng phục vụ cho chương trình cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2016- 2020.

Với sự nỗ lực đầu tư của ngành, nhiều chương trình, dự án đã được triển khai và nhận được sự đồng thuận của người dân, như:

Hình thành mạng lưới sản xuất và cung ứng lúa giống chất lượng cao của tỉnh; Thực hiện chuyển đổi cây ăn quả chất lượng cao; hoàn thành Trại Heo giống tại xã Tân An Luông (Vũng Liêm); xây dựng Trại Giống thủy sản đạt tiêu chuẩn GlobalGAP;…

Trong khi đó, tại Hiệp hội Thủy sản Vĩnh Long, TS. Phạm Thị Thu Hồng cho biết, thực hiện đề án “Phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học trong lĩnh vực thủy sản đến năm 2020” của Thủ tướng Chính phủ, thời gian qua, việc ứng dụng công nghệ sinh học trong phát triển nuôi trồng thủy sản được ngành nông nghiệp- PTNT xác định theo hướng nghiên cứu và ứng dụng, tập trung vào các đối tượng chủ lực.

Theo bà, các hướng nghiên cứu, ứng dụng chính gồm: vấn đề di truyền chọn giống, tăng trưởng nhanh, kháng bệnh, thích ứng biến đổi khí hậu, năng suất và sản lượng cao, an toàn sinh học…

Còn đối với ngành y tế, dược sĩ Mai Thanh Hùng- nguyên Phó Giám đốc Sở Y tế- cho biết, trong những năm qua, ngành đã triển khai có hiệu quả ứng dụng công nghệ sinh học trong công tác xét nghiệm, chẩn đoán, chữa bệnh và phòng bệnh cho nhân dân.

Trong đó, có thể kể đến các kết quả đạt hiệu quả cao như: Ứng dụng công nghệ sinh học trong y học dự phòng, an toàn thực phẩm; phương pháp PCR (xác định type của vi rút sốt xuất huyết Dengue, vi rút HPV);…

Đẩy mạnh phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học

Ứng dụng công nghệ trong chẩn đoán, điều trị bệnh được ngành y tế quan tâm.Ảnh minh họa
Ứng dụng công nghệ trong chẩn đoán, điều trị bệnh được ngành y tế quan tâm.Ảnh minh họa

Việc phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học trong nền kinh tế thị trường hiện nay là hết sức cần thiết, là xu hướng tất yếu để phục vụ cho sản xuất và đời sống của người dân.

Tuy nhiên, để có thể phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học trong thời gian tới cũng rất cần nhiều giải pháp ở mỗi ngành, lĩnh vực…

Theo TS. Nguyễn Thị Tuyết Mai, để phát triển ngành nông nghiệp, phục vụ cơ cấu lại ngành nông nghiệp lâu dài thì phải có đủ nguồn giống và phải là giống đạt chất lượng.

Để làm được điều này, cần phát triển công nghệ sinh học, ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao để tạo giống có năng suất, chất lượng.

Bên cạnh đó, bà cho rằng cần nâng cao vai trò chủ đạo của cơ sở sản xuất và quản lý giống của Nhà nước; tổ chức hệ thống sản xuất giống trong dân; khuyến khích nhiều thành phần tham gia sản xuất giống; tăng cường quản lý chất lượng về giống nông nghiệp; tăng cường hợp tác quốc tế…

Còn theo dược sĩ Mai Thanh Hùng, thời gian tới cần định hướng, tăng cường ứng dụng rộng rãi và có hiệu quả các kỹ thuật về công nghệ sinh học vào thực tiễn ngành y tế.

Theo đó, cần ứng dụng công nghệ sinh học trong việc xác định các vi sinh vật gây bệnh; ứng dụng trong chẩn đoán các đột biến kháng thuốc; sử dụng các sản phẩm ứng dụng công nghệ trong chẩn đoán và điều trị…

Như vậy, ngành y tế cần đầu tư máy móc, trang thiết bị hiện đại và đào tạo, tập huấn, cập nhật kiến thức cho các cán bộ y tế cũng như triển khai các nghiên cứu về công nghệ sinh học trong ngành…

“Thành lập và khuyến khích các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế đầu tư vào các hoạt động chuyển giao, tiếp nhận công nghệ và ứng dụng rộng rãi.

Đồng thời tăng cường hợp tác quốc tế, mở rộng hợp tác đa phương với các nước có nền công nghệ sinh học phát triển nhằm tranh thủ kinh nghiệm, trí lực, tài lực, vật lực, thu hút đầu tư nhằm phát triển công nghệ sinh học bền vững”- TS. Phạm Thị Thu Hồng nói.

Bài, ảnh: KHÁNH DUY- PHƯƠNG THÚY