Kiểm soát thời tiết bằng... mưa nhân tạo

Cập nhật, 06:21, Chủ Nhật, 08/10/2017 (GMT+7)

Làm mưa nhân tạo (cloud seeding) là công nghệ thay đổi thời tiết tại các khu vực nhất định, nhằm tăng lượng mưa, giảm thiểu thiệt hại như hạn hán hay mưa đá. Tính đến năm 2015, đã có 52 quốc gia trên thế giới sử dụng công nghệ gây mưa nhân tạo.

Gieo mây là phương pháp tạo ra mưa bằng cách rải vào không khí các chất hóa học làm tăng số lượng hạt nhân ngưng tụ hơi nước.
Gieo mây là phương pháp tạo ra mưa bằng cách rải vào không khí các chất hóa học làm tăng số lượng hạt nhân ngưng tụ hơi nước.

Theo How Stuff Works, hiện có 3 công nghệ làm mưa nhân tạo chính: tĩnh, động và hút ẩm.

Phương pháp tĩnh: phát tán các hóa chất như bạc i-ốt (AgI), Kali i-ốt (KI) hay nước đá khô (tinh thể CO2) lên mây. Các phân tử này sẽ đóng vai trò như một tâm ngưng tụ cho hơi ẩm trong mây, làm quá trình xả nước từ mây hiệu quả hơn.

Phương pháp động: nhằm mục tiêu đẩy các luồng không khí hướng thẳng lên trên, đẩy nhiều hơi nước vào mây hơn để biến thành mưa.

Các tinh thể băng hình thành theo cách này nhiều gấp 100 lần phương pháp tĩnh. Tuy nhiên nó lại phức tạp hơn, yêu cầu 11 giai đoạn riêng biệt phải hoàn thành tốt đồng thời. Chỉ cần một giai đoạn gặp vấn đề, toàn bộ quá trình sẽ bị phá hỏng.

Phương pháp hút ẩm: Dùng pháo sáng hoặc thuốc nổ để phân tán muối vào phần dưới các đám mây ấm.

Các hạt muối ở kích thước 0,5- 10 micromet sẽ đóng vai trò tâm ngưng tụ, hút nước và lớn dần lên. Khi đạt tới kích thước giọt nước sẽ rơi xuống tạo thành mưa. Phương pháp này rất hứa hẹn nhưng cũng đòi hỏi cần nghiên cứu thêm.

Kể từ khi xuất hiện vào năm 1946, công nghệ gây mưa nhân tạo được ứng dụng rộng rãi ở nhiều nước trên thế giới giúp chống hạn hán, giảm ô nhiễm không khí, phục vụ sự kiện quan trọng... Làm mưa nhân tạo ngày càng được nhiều nước ứng dụng.

Mỹ là quốc gia tiên phong về công nghệ tạo mưa nhân tạo trên thế giới vào năm 1946 với trận mưa tuyết ở ngoại ô TP New York.

Các bang khô hạn ở Mỹ- điển hình là California- đã tiến hành gây mưa nhân tạo với iot bạc vào những năm 1960. Khi tình trạng khan hiếm nước ngày càng trầm trọng, các bang khác như Colorado, Georgia, Hawaii... cũng làm theo.

Còn ở Nga, năm 2015, nước này đã chi hơn 6,6 triệu USD đảm bảo tạnh ráo trong dịp lễ kỷ niệm 70 năm kết thúc Thế chiến II.

Trước khi cuộc diễu hành tại Quảng trường Đỏ diễn ra, một phi đội bay của không quân Nga đã xuất kích từ căn cứ phía Bắc Moscow từ 6 giờ sáng để phun hỗn hợp hóa chất vào các đám mây ở độ cao 8.000m, gây mưa trước đó ở các khu vực lân cận, tránh xảy ra mưa ở trung tâm thủ đô của Nga.

Trước đó một năm, chính quyền Moscow đã chi gần 4 triệu USD cho việc “đảm bảo thời tiết tốt” cho thành phố trong những ngày nghỉ lễ của tháng 5.

Còn ở Nhật Bản, vào tháng 8/2013, chính quyền TP Tokyo trên cơ sở thử nghiệm, đã làm mưa nhân tạo để đối phó với mực nước thấp hơn mức trung bình trong hồ chứa của sông Tama làm ảnh hưởng đến đời sống của người dân toàn khu vực Kanto, phía Đông đảo Honshu.

Ở quốc gia đông dân nhất thế giới là Trung Quốc, họ tạo ra 55 tỷ tấn mưa nhân tạo mỗi năm (thống kê năm 2013) và trở thành đất nước chi tiêu nhiều nhất cho công nghệ này. Mục đích tạo mưa nhân tạo ở Trung Quốc là chống hạn hán, hạn chế mưa đá và ô nhiễm không khí.

Công nghệ gây mưa nhân tạo được sử dụng từ năm 1958 và đã trở thành một trong những biện pháp quan trọng trong việc tăng cường giám sát và ứng phó với thiên tai của Trung Quốc.

Đặc biệt, vào dịp Olympic Bắc Kinh 2008, hơn 1.000 tên lửa iot bạc đã được bắn lên vào bầu trời từ 21 địa điểm khác nhau ở thủ đô trong tổng cộng hơn 7 giờ đồng hồ giúp “gột rửa thành phố” và giữ cho Bắc Kinh khô ráo sau đó.

Tháng 9/2015, Malaysia đã pha chế hỗn hợp để phun chất gây mưa nhân tạo nhằm làm giảm tình trạng ô nhiễm không khí do cháy rừng.

Các chuyên viên Malaysia pha hỗn hợp muối, chủ yếu là NaCl, để nạp vào bình phun rồi chuyển lên máy bay của quân đội Malaysia để phun vào các đám mây ở độ cao 1.200- 2.100m tùy khu vực và điều kiện thời tiết.

Việc phun muối vào mây nhằm tăng sự ngưng tụ của các hạt nước, từ đó tăng khả năng tạo mưa. Mỗi chuyến bay làm mưa nhân tạo có thể tốn khoảng 7.500 USD.

Thái Lan cũng đã nhiều lần làm mưa nhân tạo. Nhà vua Thái Lan đã cho điều hành các dự án làm mưa nhân tạo từ cuối những năm 60 của thế kỷ trước.

Họ phun muối bột vào các đám mây. Sau đó, họ trộn và phun hỗn hợp calcium chloride và calcium oxide vào những đám mây đó để làm tăng kích thước. Các chuyên gia cũng phun nước đá bên dưới các đám mây để mưa nhanh hơn.

Là một trong những khu vực khô cằn nhất trên thế giới, từ lâu, các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) đã chú trọng đến các biện pháp làm tăng lượng mưa hàng năm, trong đó có ứng dụng mưa nhân tạo.

Các công nghệ từng được UAE áp dụng để tạo mưa có thể kể đến như: tạo dòng ion, gây giống đám mây, dự án xây dựng núi nhân tạo. Trong đó dự án gây giống đám mây nhận được sự hợp tác của Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA).

Theo Trung tâm Nghiên cứu khí quyển quốc gia của UAE, khoảng 558.000 USD được đầu tư nhằm tạo ra nguồn mưa nhân tạo trên toàn lãnh thổ trong năm ngoái.

ĐÔNG PHƯƠNG (tổng hợp)