"Phi thuyền không gian" đầu tiên của Việt Nam- đột phá về công nghệ vũ trụ

Cập nhật, 20:41, Chủ Nhật, 21/05/2017 (GMT+7)

“Phi thuyền không gian” đầu tiên do nhóm kỹ sư Việt trẻ, đứng đầu là Phạm Gia Vinh chế tạo vừa được Australia cấp phép thử nghiệm bay có người lái ở nước này.

Phạm Gia Vinh và thiết bị bay có trần bay gần 30km do anh và các cộng sự nghiên cứu chế tạo.
Phạm Gia Vinh và thiết bị bay có trần bay gần 30km do anh và các cộng sự nghiên cứu chế tạo.

Trả lời VTC News, Ths. Phạm Gia Vinh- người đứng đầu nhóm chế tạo- cho biết các cơ quan chức năng của Australia đã cấp phép cho “phi thuyền không gian” của Công ty Đông Giang bay ở tầng bình lưu có người đi kèm. Sự kiện này đánh dấu bước phát triển mới trong việc thử nghiệm các khí cụ bay do Công ty Đông Giang của Phạm Gia Vinh và các kỹ sư người Việt chế tạo.

Việc cấp phép cho các thiết bị bay không người lái thực hiện ở giai đoạn 2 ở một quốc gia phát triển như Australia là việc không hề đơn giản. Ths. Phạm Gia Vinh cho biết, để thiết bị không người lái của anh được bay thử nghiệm ở Australia, đòi hỏi phải đáp ứng được những điều kiện khắt khe nhất theo tiêu chuẩn hàng đầu thế giới.

Trước đó, lúc 4 giờ sáng 16/5/2016, từ thị trấn Alice Spring (Ausralia), “phi thuyền” do nhóm kỹ sư Việt Nam chế tạo đã được phóng vào môi trường cận vũ trụ ở và hoạt động ổn định ở độ cao 25km và được mô phỏng một vệ tinh viễn thông.

Còn ngày 13/5/2015, “phi thuyền” do Phạm Gia Vinh làm kiến trúc sư trưởng chế tạo đã mang thành công chuột vào không gian ở độ cao 29,5km trong cuộc thử nghiệm bay tại TP Hyderabad (Ấn Độ).

Chanel News Asia dẫn lời ông Lim Seng, nhà sáng lập đồng thời là Giám đốc quản lý của tập đoàn InGenius cho biết 3 con chuột vẫn an toàn trở về sau chuyến đi qua cả giới hạn Armstrong (độ cao mà áp suất không khí cực thấp) bằng cách sử dụng kinh khí cầu tầng bình lưu.

Trước đó, ngày 6/4/2015, Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân và các chuyên gia hàng đầu của Việt Nam về khoa học hàng không đã có cuộc gặp gỡ cởi mở với Phạm Gia Vinh và nhóm kỹ sư người Việt chế tạo “phi thuyền không gian”.

Sau khi nghe Phạm Gia Vinh trình bày, Bộ trưởng Nguyễn Quân cho rằng sẽ còn nhiều việc phải làm để đưa sản phẩm này ứng dụng ra thực tế và bộ sẵn sàng hỗ trợ tối đa để phát triển công trình này. Bộ trưởng gợi ý việc có thể đưa thiết bị của Vinh thử nghiệm để nghiên cứu đường đi, cường độ của các cơn bão khi mùa mưa bão ở Việt Nam.

Tháng 8/2015, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã có ý kiến cho phép bay trình diễn khí cụ bay tầng bình lưu của Công ty CP nghiên cứu phát triển Đông Giang Việt Nam do Phạm Gia Vinh điều hành, quản lý. Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Quốc phòng xem xét, cấp phép bay thử nghiệm trình diễn khí cụ bay tầng bình lưu của công ty trên theo quy định hiện hành.

Tuy nhiên, không hiểu vì lý do gì, sau 2 năm, các cơ quan chức năng của Việt Nam vẫn chưa cấp phép cho khí cụ bay tầng bình lưu của Công ty CP nghiên cứu phát triển Đông Giang Việt Nam có dịp thử nghiệm ở Việt Nam trong khi “phi thuyền không gian” này đã được cấp phép và bay thử nghiệm thành công ở nhiều nước trên thế giới khi đáp ứng được những tiêu chuẩn khắt khe nhất.

Những lo ngại về “chảy máu chất xám” này có cơ sở khi nhiều nhà khoa học cho rằng đang gặp khó trên chính đất nước của mình.

Các chuyên gia đầu ngành tại Việt Nam khẳng định, chiếc “phi thuyền” không gian của Phạm Gia Vinh và nhóm kỹ sư hàng không Việt sở hữu những tính năng vượt trội, là cánh cửa mở ra cơ hội to lớn trong nghiên cứu công nghệ vũ trụ.

Với trần bay cao từ 30-50km, thiết bị cho phép thực hiện các thí nghiệm y học, môi trường, nghiên cứu khí quyển cao của Trái đất, gửi dữ liệu, ảnh đa phổ trực tiếp về hiện trường.

Các nhà khoa học có thể tìm hiểu nguồn nước, độ phủ xanh của đất, quan sát được mầm bệnh của cây trồng. Đồng thời, thiết bị này sẽ giúp các nhà khoa học dễ dàng quan sát, nghiên cứu sự hình thành, đường đi của các cơn bão ở độ cao này. Ưu điểm của thiết bị là có thể chuyển dữ liệu về nhanh hơn vệ tinh bằng cách gửi trực tiếp hình ảnh thu thập được về Trái đất.

Trong lĩnh vực an ninh thông tin, khi vệ tinh hỏng có thể sử dụng khí cụ bay như một trạm thu, phát sóng trong thời gian một tuần để phục vụ sửa chữa. Bên cạnh đó, nó có thể được dùng làm các hệ thống radar phục vụ cho quốc phòng và nghiên cứu khoa học.

  • Từ trước đến nay, Việt Nam chưa từng có một khí cụ bay dân sự nào có thể đạt đến trần bay 30km. Chiếc “phi thuyền” của nhóm Phạm Gia Vinh đã vượt xa tầm hoạt động của các máy bay dân dụng, sánh ngang với một số ít quốc gia phát triển sở hữu công nghệ chế tạo khí cụ bay có trần bay trên 30km như Mỹ, Pháp, Nhật, Tây Ban Nha, Ấn Độ…

 

 

ĐÔNG PHƯƠNG (theo VTC News)