Bạn đã nấu cơm đúng cách?

Cập nhật, 15:59, Thứ Tư, 15/02/2017 (GMT+7)

Do sở thích cá nhân, nhiều người thích ăn cơm hơi khô, song một nghiên cứu mới ở Anh cho thấy nấu cơm ít nước có thể nguy hại đến sức khỏe do gạo không đủ nước để khử bỏ hàm lượng thạch tín và các chất độc hại bên trong.

Cơm nấu từ gạo lứt đẩy nhanh tốc độ trao đổi chất tốt hơn cơm từ gạo trắng.
Cơm nấu từ gạo lứt đẩy nhanh tốc độ trao đổi chất tốt hơn cơm từ gạo trắng.

Để kiểm tra mức độ hóa chất của cơm, Giáo sư Andy Meharg – một chuyên gia hàng đầu về gạo nhiễm độc ở Đại học Queen Belfast – đã thử nghiệm nấu cơm theo 3 cách.

Ở cách 1, Giáo sư Meharg nấu cơm với tỷ lệ gồm 2 phần nước /1 phần gạo, để nước bốc hơi trong khi nấu. Ở cách 2, cơm được nấu với tỷ lệ 5 phần nước/1 phần gạo, sau đó chắt bỏ lượng nước dư thừa. Ở cách thứ 3, gạo được ngâm với nước qua đêm trước khi nấu cơm.

Kết quả, nấu cơm nhiều nước giúp loại bỏ gần phân nửa hàm lượng thạch tín – chất độc thường thấm vào gạo do phơi nhiễm chất độc công nghiệp và thuốc trừ sâu, trong khi nấu cơm từ gạo ngâm qua đêm giúp loại bỏ đến 80% nồng nộ chất này.

Theo Cơ quan giám sát an toàn thực phẩm châu Âu (EFSA), gạo là thực phẩm có nguy cơ nhiễm thạch tín cao gấp 10 lần so với các thực phẩm khác.

Trong khi đó, ăn cơm nhiễm thạch tín về lâu dài có thể dẫn đến hàng loạt vấn đề sức khỏe, bao gồm khả năng phát triển ở trẻ em, bệnh tim, tiểu đường, hủy hoại hệ thần kinh và ung thư (đặc biệt là ung thư phổi và ung thư bàng quang).

w Liên quan đến việc chọn gạo, các nhà nghiên cứu ở Đại học Tufts (Mỹ) cho biết dùng cơm từ các loại gạo ít qua xử lý – như gạo lứt – giúp giảm cân nhanh hơn.

Kết luận trên được rút ra sau khi các chuyên gia yêu cầu 2 nhóm tình nguyện viên áp dụng một chế độ ăn uống có cùng hàm lượng dưỡng chất, nhưng chỉ khác loại gạo dùng nấu cơm.

Cụ thể, họ phát hiện so với nhóm dùng gạo đã chà trắng, nhóm ăn gạo còn sót vỏ cám đã cải thiện tốc độ trao đổi chất, đốt cháy nhiều calorie hơn trong khi hệ tiêu hóa hấp thụ lượng calorie ít hơn.

Theo Báo Cần Thơ Online