Khơi nguồn sáng tạo

Cập nhật, 06:06, Chủ Nhật, 15/01/2017 (GMT+7)

Là hội thi được tổ chức thường niên, hội thi Khoa học, Kỹ thuật cấp tỉnh dành cho học sinh (HS) trung học đã và đang trở thành nơi khơi nguồn sáng tạo, ứng dụng những gì đã học vào thực tế…

Hội thi năm nay thu hút nhiều dự án và học sinh tham gia.
Hội thi năm nay thu hút nhiều dự án và học sinh tham gia.

Là những niềm đam mê

Hội thi năm nay đã thu hút 64 dự án, đề tài, nhiều hơn hội thi năm 2015- 2016 với 20 dự án, và số lượng HS tham gia cũng tăng lên 100 em, từ đó có thể thấy hội thi đang dần thu hút rất nhiều tài năng trẻ, những HS có niềm đam mê nghiên cứu khoa học.

Theo Sở GD- ĐT, hội thi năm nay có tất cả 13 lĩnh vực gồm: Khoa học xã hội hành vi; Hóa sinh, Y sinh, Hóa học, Khoa học trái đất và Môi trường, Năng lượng vật lý, Kỹ thuật cơ khí, Kỹ thuật môi trường, Khoa học vật liệu, Vật lý thiên văn, Khoa học thực vật, Robot và máy thông minh, Phần mềm hệ thống. Hội thi năm nay cũng đánh dấu có nhiều trường tham gia nhất từ trước đến nay với 16 trường THPT và 20 trường THCS.

Theo thầy Nguyễn Hồng Phước- Hiệu trưởng Trường THPT Chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm, hội thi năm nay được đánh giá là có nhiều sự đầu tư, nghiên cứu sâu và có định hướng, đặc biệt là ở lĩnh vực Khoa học xã hội hành vi. Do đó, có thể thấy lĩnh vực nghiên cứu khoa học trong nhà trường từng bước được chú trọng, đi đúng hướng và có sự đầu tư nghiêm túc.

Trong khi đó, thầy Huỳnh Phúc Linh- Trường THPT Chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm, giáo viên hướng dẫn dự án 16 đình làng tiêu biểu ở Vĩnh Long chia sẻ, các em thực hiện đề tài đã có sự tập trung cao, chịu khó tìm hiểu, nghiên cứu, gặp gỡ và quyết tâm cho đề tài.

Sân chơi khoa học, kỹ thuật trong trường học vài năm trở lại đây đã thu hút được sự quan tâm của các em HS, có thể nói, hội thi là nơi để các em thỏa mãn niềm đam mê nghiên cứu của mình…

Em Nguyễn Nhựt Nam- HS Trường THCS Xuân Hiệp cho biết, với đề tài “Xử lý nước rửa đồng bằng bèo tây”, đây là lần đầu em tham gia hội thi với mong muốn giao lưu, học hỏi với các bạn và anh chị lớp trên. “Đây cũng là dịp để em thỏa mãn niềm đam mê nghiên cứu của mình, dù kết quả như thế nào thì cũng vui”.

Với niềm đam mê nghiên cứu, em Nguyễn Hữu Trung- HS Trường THPT Vĩnh Xuân đã tự mày mò, sáng tạo ra sản phẩm “Xe máy tích hợp hai dạng năng lượng sạch”.

Trung cho biết, hội thi là một sân chơi bổ ích để em rèn luyện tư duy và áp dụng những kiến thức đã học để giải quyết những vấn đề trong thực tiễn cuộc sống. Hy vọng rằng hội thi sẽ ngày càng thu hút được nhiều dự án tham gia hơn nữa…

Em Nguyễn Hữu Trung giới thiệu dự án của mình.
Em Nguyễn Hữu Trung giới thiệu dự án của mình.

Bám sát với thực tiễn cuộc sống

Với đề tài “Xử lý nước rửa đồng bằng bèo tây”, Nhựt Nam cho biết, em đã quan sát rất nhiều từ thực tế và đây là kỹ thuật xử lý trong điều kiện tự nhiên, thân thiện với môi trường, hiệu quả cao và chi phí thấp. Bên cạnh đó, bèo tây chưa được tận dụng (mà ở quê thì rất nhiều) nên đề tài sẽ có tính xác thực cao, dễ thực hiện nếu nghiên cứu sâu.

“Theo nghiên cứu của em, dự án sẽ có hiệu quả cao đối với cả cây trồng và môi trường xung quanh và sinh hoạt hàng ngày”- Nam cho biết.

Trong khi đó, dự án “Xe máy tích hợp hai dạng năng lượng sạch” của Trung cũng có những hiệu quả, nhất là góp phần bảo vệ môi trường. “Em hy vọng đề tài sẽ thành công và đi vào cuộc sống, sẽ trở thành sản phẩm hữu ích cho con người và thân thiện với môi trường”.

Hội thi năm nay nổi bật là sự xuất hiện của nhiều đề tài về Khoa học xã hội hành vi, đặc biệt là các đề tài “gai góc”, bám sát thực tế trong điều kiện kinh tế, xã hội hiện nay như: “Lợi ích và tác hại của mạng xã hội Facebook đối với học sinh”; “Một số giải pháp thúc đẩy bình đẳng giới trong xây dựng văn hóa lớp học”; “Mâu thuẫn trong gia đình hai thế hệ và giải pháp”; “Ngôn ngữ giao tiếp qua mạng của giới trẻ”…

Em Huỳnh Quế Phương và Nguyễn Thị Ngọc Phước- HS Trường THCS Hiếu Phụng đã chọn đề tài “Lợi ích và tác hại của mạng xã hội Facebook đối với học sinh” với lý do gắn liền với cuộc sống của HS ngày nay. Các em cho biết, bên cạnh lợi ích, những tác hại của Facebook, Internet là không thể tránh khỏi.

Do đó, đề tài nghiên cứu là làm sao để truyền đạt đến cho các bạn hiểu về cách sử dụng Facebook hiệu quả, phục vụ việc học tập được tốt hơn, đánh giá các tác hại gây ra…

Em Nguyễn Ngọc Hân- HS Trường THPT Vĩnh Xuân là một trong 2 tác giả dự án “Một số giải pháp thúc đẩy bình đẳng giới trong xây dựng văn hóa lớp học” cho biết, với nghiên cứu này, mong rằng sẽ phát huy hơn nữa vai trò của các giới trong xã hội, qua đó sẽ phát huy được nguồn lực của cá nhân từng HS, nhà trường, gia đình và cộng đồng, thúc đẩy phồn vinh của đất nước…

Bài, ảnh: KHÁNH DUY