Trầm cảm khiến bệnh nhân ung thư đáp ứng kém với hóa trị

Cập nhật, 15:07, Thứ Năm, 22/12/2016 (GMT+7)

Một nghiên cứu mới cho biết, bệnh trầm cảm có thể làm giảm tác dụng của một prôtêin tăng cường não bộ vốn đóng vai trò quan trọng đối với khả năng đáp ứng của bệnh nhân đối với hóa trị liệu.

Theo nghiên cứu trình bày tại hội thảo của Hiệp hội Ung thư học châu Âu (ESMO) khu vực châu Á năm 2016, những bệnh nhân ung thư bị trầm cảm có hàm lượng BDNF (yếu tố cung cấp dinh dưỡng thần kinh xuất phát từ não) trong máu giảm sút, khiến họ đáp ứng kém với thuốc hóa trị và không chịu nổi các tác dụng phụ của thuốc, do đó khó chống chọi với ung thư và làm giảm cơ hội sống sót.

Để đi đến kết luận trên, các chuyên gia đã chọn 186 bệnh nhân mới phát hiện ung thư để tiến hành hóa trị. Những người tham gia được đánh giá trạng thái tinh thần và mức độ trầm cảm trước khi bắt đầu điều trị, cùng nhiều dữ liệu liên quan đến chất lượng cuộc sống của họ.

Kết quả cho thấy, những người có bệnh đã di căn đến các cơ quan khác chính là những người chán nản và phiền muộn nhiều nhất, khiến khả năng đáp ứng của họ đối với phương pháp hóa trị giảm đi đáng kể. Biểu hiện của họ là nôn mửa, lượng bạch cầu giảm và thời gian nằm viện kéo dài.

"Điều quan trọng là bác sĩ cần quan tâm hơn nữa đến tâm trạng và cảm xúc của bệnh nhân. Trầm cảm có thể làm giảm tác dụng của hóa trị và BDNF đóng một vai trò quan trọng trong quá trình này" – tác giả nghiên cứu Yufeng Wu thuộc Đại học Trịnh Châu (Trung Quốc) kết luận.

Theo Cần Thơ Online