Mặt nạ in 3D giúp đẩy lùi chứng ngưng thở khi ngủ

Cập nhật, 10:45, Thứ Bảy, 19/11/2016 (GMT+7)

Những người có tật ngủ ngáy dễ mắc chứng ngừng thở khi ngủ - tình trạng các cơ ở cổ họng chùng xuống làm hẹp đường thở, khiến hơi thở bị gián đoạn nhiều lần trong đêm.

Tin vui là các nhà khoa học thuộc Bệnh viện nhi ở Cincinnati (Mỹ) đang thử nghiệm một loại mặt nạ sản xuất bằng công nghệ in 3D, hứa hẹn hỗ trợ điều trị hiệu quả chứng bệnh này.

Mặt nạ thở mới được chế tạo bằng công nghệ in 3D nên vừa vặn với khuôn mặt của từng bệnh nhân. Ảnh: tctmagazine.com
Mặt nạ thở mới được chế tạo bằng công nghệ in 3D nên vừa vặn với khuôn mặt của từng bệnh nhân. Ảnh: tctmagazine.com

Để điều trị cho người mắc chứng ngừng thở khi ngủ, các bác sĩ hiện cho họ sử dụng máy thở áp lực dương liên tục (CPAP) và phải đeo mặt nạ thở cả đêm.

Loại mặt nạ này thường không vừa với khuôn mặt, đôi lúc gây cảm giác khó chịu và đau đớn cho bệnh nhân.

Hơn nữa, việc mặt nạ không vừa vặn cũng khiến luồng khí bơm từ CPAP rò rỉ ra ngoài từ những khe hở xung quanh khuôn mặt, đồng nghĩa lượng khí đi vào mũi không đủ để khơi thông đường hô hấp, khiến việc điều trị kém hiệu quả.

Để tạo ra sản phẩm mới hiệu quả hơn, nhóm nghiên cứu đã sử dụng các máy ảnh chuyên dụng để chụp nhiều hình ảnh 3 chiều (3D) gương mặt bệnh nhân (chỉ mất 5 phút).

Sau đó, số ảnh này được gửi đến các máy in 3D sử dụng mực silicon để tạo ra một chiếc mặt nạ tương thích hoàn toàn với đường nét trên khuôn mặt của người bệnh.

Về cơ bản, mặt nạ mới được kết nối với CPAP qua một ống dây để thiết bị bơm không khí vào đường thở của người dùng với một áp lực nhẹ, giúp họ duy trì hoạt động hô hấp liên tục trong khi ngủ.

Theo Báo Cần Thơ