Chip silicon sinh học đầu tiên giúp theo dõi não bộ có thể tự hòa tan

Cập nhật, 06:07, Thứ Bảy, 23/01/2016 (GMT+7)

Các nhà nghiên cứu thuộc Trường ĐH Illinois (Mỹ) vừa phát minh một con chip đặc biệt có thể cấy được lên não và sẽ tự hòa tan bên trong cơ thể.

Nhỏ hơn một hạt gạo, chip rất mỏng và được tạo ra từ tấm silicon phân hủy sinh học. Trong vài tuần sau khi cấy, chip nổi xung quanh bên trong hộp sọ để lấy số đo liên tục về thông tin phẫu thuật như: tình trạng bề mặt não bộ, áp lực nội sọ và nhiệt độ. Trong khi đó, nó từ từ được hòa tan bởi dịch não tủy, cho đến khi tất cả những nguyên tử silicon được cơ thể hấp thụ. Do đó các bác sĩ sẽ không cần phải thực hiện thêm một cuộc phẫu thuật để lấy con chip ra.

Những con chip này được tạo ra với một mục đích từ thiện, giúp các bác sĩ có thể dễ dàng theo dõi tình trạng của bệnh nhân, những người phải trải qua phẫu thuật não hay những tổn thương ở vùng não bộ.

Các nhà khoa học đã thử nghiệm con chip silicon đặc biệt này trên bộ não của loài chuột. Sau đó, họ sẽ so sánh với các công nghệ theo dõi não bộ bằng những cỗ máy cồng kềnh hiện nay.

Với dự án táo bạo này, các nhà khoa học hy vọng sẽ tạo ra một thiết bị nhỏ gọn, tiện lợi để giám sát bộ não mà ít gây tổn hại. Tiến xa hơn, họ cho biết có thể tạo ra những con chip để cấy sâu hơn vào bộ não, theo dõi các sóng điện hoặc có thể sử dụng cho các bộ phận khác trong cơ thể.

HẢI HUỲNH (nguồn: Gizmodo)