Bến Tre: Đăng ký quyền sở hữu trí tuệ công trình sáng chế máy điện gió

Cập nhật, 07:21, Thứ Bảy, 25/10/2014 (GMT+7)

Nối tiếp thành công từ máy phát điện gió tự chế bằng 4 cánh quạt phục vụ điện sinh hoạt gia đình, anh Trần Thanh Thành (38 tuổi, ngụ Ấp 3, xã Bình Thới- Bình Đại) tiếp tục nghiên cứu, khắc phục những khuyết điểm từ máy phát điện gió này thành máy phát điện gió hình trái bí với điện năng tăng vượt trội.


Công trình sáng chế máy phát điện gió hình trái bí của anh Trần Thanh Thành.

Với sản phẩm máy phát điện gió này, Trung ương Hội Sở hữu trí tuệ Việt Nam, Tạp chí Sở hữu trí tuệ và sáng tạo trao tặng danh vị, kỷ niệm chương và bằng chứng nhận sản phẩm tin cậy, dịch vụ hoàn hảo và Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam chứng nhận quyền đăng ký sở hữu trí tuệ sản phẩm.

Mặc dù cuộc sống khó khăn, vất vả nhưng với sự sáng tạo, cần mẫn, anh Thành đã tự mày mò sáng chế thành công máy phát điện gió trước sự ngạc nhiên của nhiều người. Ý nghĩ làm khơi dậy sự sáng chế của anh là tình cờ trong một lần chạy xe đạp điện, bình điện hết đột ngột, anh phải đạp để đi tiếp.

Đạp một hồi thì thấy bình điện được sạc và xe cũng chạy thêm được một đoạn mà không cần phải đạp. Năm 2011, sau khi nghe Xã Đoàn thông báo Trung ương Đoàn phát động cuộc thi Sáng tạo trẻ, cùng với những sáng kiến từ lần phát hiện bình sạc trong xe đạp điện, anh quyết định sáng chế máy phát điện bằng sức gió.

Do anh chỉ học hết lớp 9, không được đào tạo nghề nào, những nguyên lý hoạt động của động cơ học, khí động cơ rất lạ lẫm đối với anh. Vì vậy, lúc mới bắt tay vào việc sáng chế máy phát điện gió, anh đã gặp không ít khó khăn.

Nhưng sau nhiều lần thất bại, từ những đống sắt vụn, phế liệu được anh mua với giá thành thấp, sản phẩm máy phát điện bằng sức gió của anh ra đời. Chiếc quạt bốn cánh có đuôi lái, mỗi cánh dài 80cm, bề rộng cánh quạt chừng 30cm.

Bộ cánh quạt này nối với tua pin, bình ắc quy, biến thế đổi điện một chiều thành điện xoay chiều, sau đó nối với bóng đèn điện thắp sáng. Máy phát điện gió tại nhà anh đủ cấp điện cho tất cả bóng đèn thắp sáng trong nhà. Ban ngày còn sử dụng được cho tủ lạnh.

Tổng chi phí đầu tư bao gồm các thiết bị, bình ắc quy khoảng 10 triệu đồng. Công trình sáng chế này đã được Trung ương Đoàn trao giải thưởng Sáng tạo trẻ năm 2011. Năm 2013, Đài Truyền hình Việt Nam (VTV2) trao giải nhất do khán giả xem đài bình chọn.

Sau thời gian sử dụng, anh phát hiện máy có nhiều hạn chế, chủ yếu do cấu hình của máy bằng 4 cánh quạt có đuôi lái khá rườm rà, mất thẩm mỹ, tâm trục ở giữa khó giữ vị trí trọng tâm. Nếu trường hợp gió mạnh thì tâm sẽ lệch về một phía, không ổn định nguồn điện.

Nếu trời không có gió, gió trở chiều thì sẽ làm trễ nhịp quay của cánh quạt, gây mất nguồn điện. Thấy được nhược điểm này, anh tiếp tục cải tiến lại máy phát điện gió của mình. 

Anh Thành nói: “Nhìn mô hình sáng chế cũ, tôi nhận thấy hình dáng 4 cánh quạt có đuôi dài làm cản trở không gian, gây mất thăng bằng nên tôi thay đổi kiểu dáng, kích cỡ máy. Sau nhiều lần “chế đi, chế lại”, sản phẩm máy phát điện gió hình trái bí với 10 cánh quạt cũng hoàn thành”. Mỗi cánh quạt có chiều dài khoảng 30cm xoắn theo hình bầu dục.

Đây là loại máy phát điện nhận gió đa chiều, chỉ cần có làn gió nhẹ cũng đủ làm xoay chuyển mạnh cánh quạt, rất thích hợp ở những vùng, miền ít gió. Trục tâm đứng vững, không lệch về một phía, đảm bảo nguồn điện.

Nguyên lý hoạt động vẫn giữ nguyên nhưng với 10 cánh quạt đa chiều, 1 lần quay cánh quạt sẽ kéo tăng 4 vòng tua pin, nguồn điện phát ra có công suất lớn gấp đôi, gấp ba so với máy phát điện gió hình 4 cánh quạt có đuôi. Mẫu mã của máy phát điện gió hình trái bí lại rất gọn và hợp thẩm mỹ. Chi phí sáng chế không đắt đỏ, chỉ cao hơn máy phát điện gió loại cũ khoảng 5 triệu đồng.

Hiện sản phẩm này là một trong 30 sản phẩm thích ứng với biến đổi khí hậu trong toàn quốc đang được Ngân hàng Thế giới xem xét tài trợ.

ĐÔNG PHƯƠNG (Theo Đồng Khởi Online)