NUÔI GÀ THẢ VƯỜN AN TOÀN SINH HỌC

Đầu tư 107 thu 279 trong 3 tháng

Cập nhật, 07:39, Chủ Nhật, 31/08/2014 (GMT+7)

Nhằm khuyến khích nông dân phát triển chăn nuôi theo hướng hàng hóa, ổn định và bền vững, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Tuyên Quang phối hợp với Trạm Khuyến nông huyện Chiêm Hóa thực hiện mô hình nuôi gà thả vườn an toàn sinh học tại hộ gia đình ở xã Kim Bình. Bước đầu mô hình đem lại hiệu quả kinh tế khả quan.


Mô hình nuôi gà thả vườn an toàn sinh học.

Mô hình nuôi gà thả vườn an toàn sinh học được thực hiện từ tháng 5/2014 với 20 hộ tham gia, tổng số 2.000 con gà giống. Các hộ dân được hỗ trợ 100% chi phí con giống, 50% thức ăn chăn nuôi, vắc xin phòng bệnh, thuốc sát trùng chuồng trại. Số vốn đầu tư khoảng 107 triệu đồng.

Trong quá trình thực hiện, các hộ tham gia mô hình phải đáp ứng đủ các tiêu chí như: diện tích chuồng trại đáp ứng yêu cầu về an toàn sinh học, có kinh nghiệm trong chăn nuôi gà, khả năng đối ứng khi tham gia mô hình…

Trung tâm Khuyến nông tỉnh Tuyên Quang phối hợp với các cơ quan chuyên môn thường xuyên tổ chức tập huấn kỹ thuật nuôi gà thả vườn cho các hộ gia đình, nhất là việc đảm bảo an toàn sinh học.

Mô hình sử dụng chế phẩm sinh học làm đệm lót để xử lý phân gà, từ đó hạn chế thấp nhất việc ô nhiễm môi trường, giảm mùi hôi và góp phần hạn chế dịch bệnh cho đàn gà, đặc biệt là bệnh về đường hô hấp. Mặt khác, giúp giảm nhân công lao động, các chi phí do phải dọn phân, thay chất độn lót chuồng.

Sau 3 tháng triển khai mô hình, tỷ lệ nuôi gà sống của các hộ gia đình đạt 95%, trọng lượng trung bình 2kg/con, tổng thu nhập ước đạt 279 triệu đồng.

Anh La Ngọc Hưng ở thôn Pác Chài cho biết: “Gia đình tôi nhận thả nuôi 100 con gà. Tham gia mô hình, tôi được hỗ trợ 100% con giống, 50% thuốc thú y, hóa chất sát trùng, thức ăn tinh, thức ăn hỗn hợp. Đặc biệt, gia đình được cán bộ khuyến nông hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi gà an toàn trên nền đệm lót sinh học, nên hiệu quả mang lại rất khả quan, vừa góp phần bảo vệ môi trường, vừa bảo vệ đàn vật nuôi khỏi dịch bệnh, tỷ lệ gà nuôi sống đạt 98%”.

Chị Hà Thị Nấm ở thôn Khuổi Chán so sánh: “So với nuôi gà theo cách truyền thống thì nuôi gà an toàn sinh học có lợi thế hơn. Gà được thả tự do ngoài vườn, được ăn các loại thức ăn như: cỏ, côn trùng để bổ sung dinh dưỡng, chất lượng thịt gà thơm ngon hơn.

Trong lứa gà vừa qua, trừ chi phí, gia đình còn lời hơn 4 triệu đồng. Thời gian tới tôi sẽ mở rộng quy mô nuôi, cũng như hướng dẫn cho bà con trong thôn làm theo”.

Theo đánh giá của Trung tâm Khuyến nông Tuyên Quang, mô hình nuôi gà thả vườn an toàn sinh học bước đầu đạt được kết quả đáng mừng, từ đó cải thiện thu nhập cho các gia đình trên địa bàn xã Kim Bình, từng bước thay đổi tập quán sản xuất của bà con.

ĐÔNG PHƯƠNG (theo KTNT)