Nhà “sáng chế” máy bay Trần Quốc Hải: Đam mê sáng tạo máy nông nghiệp

Cập nhật, 08:55, Thứ Bảy, 09/03/2013 (GMT+7)

Xuất thân từ người nông dân thích làm cơ khí, ông Trần Quốc Hải (xã Suối Dây, huyện Tân Châu, tỉnh Tây Ninh) nổi tiếng nhờ việc chế tạo máy bay từ hơn 5 năm về trước. Gặp lại ông sau bao thăng trầm cùng chiếc máy bay “made in Vietnam” độc đáo của mình, rồi chu du nhiều nước trên thế giới, ông vẫn bình dị như bao người nông dân khác, vẫn đam mê sáng tạo và làm việc không ngừng...

Là nông dân nên ông thấu hiểu công việc hàng ngày của bà con, nhất là người dân Tây Ninh với loại cây trồng chủ lực là cao su, mì… Từ trăn trở, rồi kiên trì lao động sáng tạo, nhiều chiếc máy phục vụ nhu cầu của nông dân lần lượt xuất xưởng.

Máy trồng khoai mì do ông Hải sáng chế.


Máy bón phân tự động cho cây cao su hoạt động trên đầu một máy kéo gắn với một rơ-moóc chứa phân bón. Thùng chứa phân được chia làm 3 ngăn chứa 3 loại khác nhau. Khi máy vận hành, các loại phân bón sẽ được điều tiết theo tỷ lệ đã định, xuống ống dẫn đưa ra luống cao su. Công suất bón phân của máy khoảng 25 ha/ngày (8 giờ)…

Máy phun thuốc cho cây cao su cũng được ông Hải đưa vào sử dụng, nước phun cao hơn 30m rải đều và không độc hại đến người sử dụng (một người lái máy kéo). Dàn cày bừa cũng được ông cải tiến phù hợp với địa hình, tăng công suất khoảng 30% so với máy cũ.

Quan sát thực tế khi khai thác mủ cao su, lượng mủ rơi xuống đất, dính lẫn tạp chất, đất cát rất nhiều, lượng mủ tạp này giá trị không cao. Để giúp nông dân hạn chế lượng mủ tạp, nâng cao giá trị mủ của nông dân, ông Hải mày mò chế ra một chiếc máy “giặt” mủ cao su.

Nguyên tắc hoạt động của máy gồm một thùng lớn bằng kim loại, giữa có một trục, xung quanh trục gồm nhiều “cánh tay”. Khi cho trục chạy bằng một máy nổ hay một moteur điện, hoặc nối trực tiếp với động cơ máy cày, mủ cao su dính tạp chất trong thùng có chứa nước sẽ bị các “cánh tay” đánh cho tơi ra và mọi tạp chất đều bị tách ra. Năng suất máy có thể “giặt” được 800kg mủ mỗi giờ.

Có lẽ độc đáo nhất là máy trồng và thu hoạch mì được chế tạo hoàn toàn nội địa, phù hợp địa hình, giá thành thấp, hợp với túi tiền nông dân. Giá máy đa năng này rẻ hơn rất nhiều so với máy nhập từ nước ngoài với giá trên 200 triệu đồng nhưng không phù hợp địa hình Việt Nam.

Máy sử dụng đầu kéo 80 mã lực, công suất hoạt động khoảng 10 ha/8 giờ, thay thế được rất nhiều nhân công. Để trồng 1ha khoai mì trong 8 giờ cần khoảng 17 nhân công. Với giá nhân công lao động hiện nay khoảng 200.000 đ/người, chi phí nhân công trồng 10ha mất gần 40 triệu đồng.

Với máy đa năng này, nông dân trồng 10ha mì, chi phí nhân công và tiền xăng dầu chỉ khoảng 2,5 triệu đồng, rẻ hơn trồng thủ công rất nhiều (1ha mì trồng thủ công mất khoảng 20 người trong 1 ngày). Khi thu hoạch, mỗi ngày máy có thể nhổ 7ha, thay thế cho 15 người mới nhổ hết 1 ha/ngày.

Với một dàn cày mà lưỡi cày được bố trí theo một độ nghiêng thích hợp, máy xới lên, tự động vun thành luống dài, luống cách nhau 0,8m. Sau khi cày, máy chọc một lỗ vào luống rồi cắm thẳng hom mì giống xuống thay vì đặt nghiêng như kiểu cũ (hom thẳng sản lượng cao, kích thước củ lớn hơn).

Những chiếc máy trồng và thu hoạch mì của ông Hải chế tạo đã thử nghiệm trên nhiều diện tích tại Tây Ninh, được nhiều người ưa chuộng với tính năng và hiệu quả của nó và đã xuất khẩu sang Campuchia. Ông Hải rất bất ngờ và vui khi sản phẩm của mình được mọi người biết.

Nhiều người thắc mắc: Vào Google được mạng tìm kiếm này xếp vào hàng thông tin thứ nhì sau chiếc máy cùng loại của Brazil. Còn trong nước, ở Hội thi sáng tạo khoa học kỹ thuật tỉnh Tây Ninh, sản phẩm chỉ được xếp hạng ba, còn đem ra Hội thi toàn quốc thì không có giải!?

ĐÔNG PHƯƠNG (Theo KHPT)