Kim cương không có giá trị chữa bệnh

Cập nhật, 06:55, Thứ Năm, 30/08/2012 (GMT+7)

Càng ngày, nhiều sản phẩm sử dụng kim cương nhân tạo được quảng cáo trên thị trường với các tính năng vượt trội. Điều này khiến nhiều người dân nhầm lẫn, kim cương có khả năng vô thường từ tính chất vật lý đến tác động sức khỏe.

Ảnh minh họa


Bạn đọc Nguyễn Xuân Điền (Hà Nội) chia sẻ cùng tòa soạn, ông đã và đang thường xuyên dùng các dụng cụ có gắn bột kim cương tự nhiên và nhân tạo thấy rất tốt. Ví dụ như dụng cụ mài hay giũa các vật liệu thép đã tôi hay hợp kim. Tuy nhiên khi thấy có một hãng quảng cáo sản phẩm bình nước nóng "dõng dạc" cho rằng bình của họ có tráng kim cương nhân tạo.... "Vậy không biết kim cương loại này có tính năng nào tốt cho sức khỏe không hay là người bán hàng "dán" cái mác vật liệu quý đó để lòe người dân?", bạn đọc này chia sẻ.

GS.TSKH Phan Trường Thị, Viện trưởng Viện vàng và đá quý cho hay, kim cương có tính chất vật lý là độ cứng bằng 10, tức cứng hơn kim loại như gang thép... Ngoài ra, kim cương cũng không bị tác động bởi môi trường, nhiệt độ. Dù ở trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt đến đâu như nắng nóng hay lạnh giá kim cương không bị co rút, nở ra như kim loại.

Kim cương cũng không bị tác động của nước. Vì thế, kim cương được sử dụng đặc trưng trong một số vị trí của sản phẩm đòi hỏi phải có tính bền vững, chính xác.

Lấy ví dụ, GS Phan Trường Thị chỉ rõ, chân kính hay còn gọi là trục kim đồng hồ loại xịn thường sử dụng kim cương nhân tạo. Bởi dù bánh xe của vòng quay làm việc liên tục nhưng trục không bị mòn, bền vĩnh cửu. Tương tự, một số thiết bị điện tử có trục xoay cũng sử dụng vật liệu kim cương.

Riêng với các sản phẩm được quảng cáo trên thị trường như bình nước nóng tráng kim cương, vị này cũng nhấn mạnh: Về nguyên lý, kim cương ở đây là kim cương nhân tạo, được làm từ các hạt nhỏ sau đó ép thành tấm.

Tuy nhiên, nếu so sánh chức năng giữ nhiệt thì kim cương nhân tạo không bằng một số vật liệu khác. Điểm mạnh của vật liệu này có thể là khi nước nóng hoặc lạnh, sản phẩm không bị tác động đến thay đổi kết cấu. "Nếu nhấn mạnh tính cách nhiệt thì có nhiều thiết bị cách nhiệt rẻ tiền hơn thay vì dùng kim cương nhân tạo. Hiện nay có nhiều sản phẩm không dùng kim cương vẫn sử dụng tốt và an toàn", GS Phan Trường Thị nhấn mạnh.

Ngoài ra, các chuyên gia cũng khẳng định, kim cương không hề có tác động đến sức khỏe người dùng, đặc biệt là tính chất chữa bệnh mà chỉ có giá trị thẩm mỹ, tâm lý và các tính chất vật lý ứng dụng. Từ trước đến nay cũng chưa có sách vở, tài liệu khoa học nào đề cập kim cương có tính chất tác động đến sức khỏe người dùng.


Theo HNMO