Truyện ngắn: Chia thịt heo

Cập nhật, 15:06, Chủ Nhật, 28/02/2021 (GMT+7)

 

Tranh minh họa: TRẦN THẮNG
Tranh minh họa: TRẦN THẮNG

 

Lúc tôi đang mơ màng trong giấc ngủ, bỗng nghe văng vẳng tiếng tía gọi:

- Hạnh ơi! Sáng rồi… dậy đi con. Dậy bắc nồi nước lên kẻo không kịp à.

Tôi giật mình thức giấc, lồm cồm ngồi dậy, đi xuống bếp tìm lấy củi, ông táo, xoong,… mang ra phía bên hông nhà. Lúc này, bên ngoài tối đen như mực, tiết trời se se lạnh, sương mù giăng giăng khắp nơi. Nhờ có ánh đèn từ trong nhà dọi ra tôi mới thấy đường nấu nước. Tôi kê ba ông táo cách đều nhau. Đặt củi vào giữa rồi nhúm lửa bắc nồi nước to đùng. Đang chụm lửa, bỗng tôi nghe con Phèn sủa inh ỏi ngoài sân. Nghe loáng thoáng có tiếng của ai đó gọi:

- Chú Hai ơi, chú Hai!...

- Ui. Đợi một chút, tao ra liền.

Tía lật đật đi lấy chìa khóa ra mở cổng. Tới nơi, thấy Ba Hoàng và Tư Thẹo đứng tần ngần trước cổng, tía cười khì bảo:

- Hai đứa tới rồi hen.

- Dạ, con chào chú Hai!

- Vô nhà uống trà bây ơi!

- Dạ!

Hai người cùng theo tía tôi vào. Đi tới hàng ba thấy có sẵn bàn ghế, nên họ ngồi xuống luôn. Tía châm bình trà nóng hổi ra mời khách. Rót cho mỗi người một ly. Tư Thẹo bưng ly trà hớp một hớp, miệng hít hà bảo:

- Tảng sáng trời lạnh mà uống ly trà vô ấm bụng thiệt hen chú Hai.

- Ừa. Coi vậy chớ trời lạnh uống nước nóng vô đỡ lắm nghen!

Thấy nhà tôi từ trước ra sau đều mở đèn sáng giới và có tiếng người nói chuyện um sùm, đoán biết sắp chuẩn bị mần heo nên các chú, các anh ở nhà lân cận cũng sang phụ giúp một tay. Trong thời gian chờ nồi nước sôi, mọi người vừa uống trà vừa bàn tính chuyện mần heo. Sau một lúc trao đổi, Tư Thẹo xung phong chọc huyết, mổ và ra thịt. Còn những người còn lại phụ cạo lông, xách nước… làm những việc lặt vặt khác.

Xong, Tư Thẹo xông xáo vào bếp lấy dao, mác ra mài. Những người khác thì đi tìm sợi dây thừng, ghế đẩu, ấm, thau, tấm bạt… Tất cả đều được chuẩn bị sẵn sàng. Giờ chỉ đợi nồi nước sôi nữa là có thể bắt tay vào việc.

Chờ lâu nóng lòng, Tư Thẹo bước ra bên hông nhà, lấy đèn pin rọi vào nồi nước một hồi rồi căn dặn:

- Nhớ chừng nào nồi nước vừa lên tim là cho hay liền nha, Hạnh.

- Ừa.

Tư Thẹo quay trở vô nhà. Tôi vào bếp lấy thêm củi ra chụm. Bếp lửa cháy sáng rực. Thi thoảng rọi đèn vào nồi xem chừng. Không bao lâu sau, nồi nước bắt đầu có vài bọt li ti từ dưới đáy nồi dâng lên. Vừa thấy, tôi liền đi thông báo. Mọi người mới vào chuồng bắt heo trói lại và đem ra làm thịt.

*

Nhà tôi có nuôi hai con heo thịt đều tới lứa xuất chuồng. Tháng trước có lái tìm đến tận hỏi mua và tía đã bán một con. Còn chừa lại một con để tết mần thịt. Thấy nhà có hai tía con, tết nhứt ăn có bao nhiêu thịt đâu mà phải mần heo. Bất quá ra chợ mua vài ký về ăn cho khỏe. Trong khi đó, chừa nó lại phải cho ăn. Vừa tốn kém chi phí lẫn công sức. Thêm vào đó, tết mần nguyên con heo ăn sao cho hết. Nghĩ vậy, nên tôi khuyên:

- Bán cho lái luôn đi tía ơi!

- Tía đã nói rồi. Chừa lại để tết mần. Heo mình nuôi, mình ăn cho chắc ăn.

- Nhưng, nhà mình chỉ có con với tía hà. Ăn sao hết hả tía?

- Ai nói chỉ có tía con mình. Còn bà con láng giềng nữa chi bây?

- Bộ tía tính mần heo chia thịt hả?

- Ừa.

- Có lời lóm gì đâu mà chia. Bán quách cho khỏe tía ơi!

- Bây cứ nghĩ vậy không hà. Tết nhứt mà con. Mình mần heo trước là có thịt để ăn. Sau đó, chia cho bà con hàng xóm. Thu lại được bi nhiêu thì được. Lỡ có lỗ cũng không sao.

Tôi vốn rất hiểu tánh của tía. Xưa nay, bất cứ chuyện gì tía đã quyết thì như đinh đóng cột. Không ai có thể thay đổi được. Thấy vậy nên tôi không nói gì thêm, đành thuận theo ý của tía.

Chiều hôm kia, cơm nước xong xuôi, tía thả bộ đi lòng vòng trong xóm. Đi đến nhà nào ông cũng lên tiếng mời: “Tết năm nay nhà tui mần heo. Sáng hăm chín tết nhớ tới chia thịt ủng hộ nghen!” Biết tin, nhiều người tỏ ra mừng rỡ và hứa tới ngày hôm đó sẽ đến chia vài ký về ăn tết. Bên cạnh đó, có vài người có hoàn cảnh khó khăn thì họ than ngắn thở dài: “Tết nhứt tới nơi rồi. Vậy mà lúa thì tới qua tết mới cắt, không biết tiền đâu mà xài…”

Cũng là nông dân, cuộc sống cũng từng trải qua khó khăn, nên tía rất thấu hiểu điều này. Đó là những lời chân tình chớ không phải là lời lẽ nói bóng nói gió. Không chút chần chừ, tía liền thông tin:

- Hôm đó cứ đến chia. Muốn chia bi nhiêu thì chia. Chừng nào có tiền thì trả, không sao hết.

Người nông dân quanh năm làm lụng vất vả, suốt ngày bán mặt cho đất, bán lưng cho trời. Nhiều gia đình sống chủ yếu nhờ vào cây lúa. Tiền lo cho con cái đi học. Tiền trang trải cuộc sống hàng ngày. Tiền điện, nước, đám tiệc… Tất cả đều trông chờ vào cây lúa. Thêm vào đó, hơn lúc nào hết, tết là thời điểm có nhiều thứ cần phải chi tiêu. Trong khi đó, hiện tại họ chưa thu hoạch lúa thì lấy đâu ra tiền để xoay xở?

*

Sáng sớm, tía bắc cái bàn ra ngay giữa sân. Heo đã mần xong. Thịt, xương, đầu, giò… tất cả được chuyển ra để trên bàn. Tư Thẹo là người đầu tiên mở hàng chia ba ký ba rọi. Sau đó tới Ba Hoàng, rồi các chú, các anh ở xóm cũng lần lượt mỗi người vài ký. Xong, mọi người xúm lại bắc nồi cháo. Đợi cháo chín ăn và lai rai vài xị đế. Riêng tôi được tía giao cho nhiệm vụ cắt thịt chia cho bà con. Lúc đang cân thịt, tía đến gần căn dặn:

- Con cắt tặng cho mấy chú, mấy anh làm phụ mình mỗi người thêm một ký thịt nữa nghen. Cắt trước đi, nếu không một hồi chia hết thì kỳ lắm! Tội nghiệp người ta giúp mình từ hồi khuya tới giờ.

- Dạ!

Tôi cắt thêm cho mỗi người một ký thịt và để vào trong túi đựng thịt của từng người y chang như lời tía dặn.

Thịt mang ra để trên bàn chưa được bao lâu thì đã có người đến hỏi mua. Có lẽ, heo nhà tôi mần chia lại với giá nới hơn ở ngoài chợ. Mỗi ký rẻ hơn năm ngàn đồng. Hơn nữa, thịt đỏ tươi, rắn chắc. Đặc biệt, khi đến chia thịt, người nào có tiền thì trả tiền mặt. Ai không có tiền thì thiếu tới mùa thu hoạch lúa bán có tiền rồi trả. Điều này khiến cho nhiều người thích. Người này rủ rê người kia. Không chỉ người trong xóm mà ngay cả người ấp bên cạnh hay tin cũng sang hỏi chia. Đứng quanh bàn thịt. Người chọn ba rọi. Người thích xương. Có người chuộng mỡ… Sau khi lựa xong, người chia hai ba ký, có người năm ký, thậm chí cả chục ký.

Nồi cháo chín họ bày ra nhậu. Dù đang nhậu, nhưng Tư Thẹo vẫn chú ý quan sát những người đến chia thịt. Điểm từ đầu chí cuối, ở xóm Xẻo Lá có khoảng một chục nhà. Hầu như ai cũng đều có mặt. Riêng chỉ có bà Bảy là không thấy đâu, Tư Thẹo liền hỏi:

- Ủa, chú Hai! Chú có cho bà Bảy hay không dị?

- Có chớ mậy. Ở xóm mình, ai tao cũng cho hay hết á.

- Sao không thấy bả cà?

- Chắc bả đi bán rồi.

Lúc này, một người hàng xóm đang đứng đợi cân thịt liền cho hay:

- Hôm nay bà Bảy nghỉ bán ở nhà. Hồi nãy, đi ngang tui có rủ. Nhưng bả nói không có tiền nên thôi.

Bà Bảy sống một mình trong căn nhà nhỏ, không con cháu, không người thân. Hàng ngày, bà đi bán vé số kiếm tiền sống đắp đổi. Có hôm bị bệnh, trong nhà không có tiền. Nhờ có bà con láng giềng quyên góp tiền đưa vào bệnh viện. Thấy bà đã lớn tuổi, lúc bệnh không có người chăm sóc, nên những người ở xóm thay phiên nhau chăm sóc bà.

Đang ngồi nhậu với mọi người, nghe người hàng xóm nói, tía lập tức đến chỗ tôi và tiếp tục dăn dò:

- Nhớ chừa cho bà Bảy một ký thịt nghen con. Tội nghiệp bà sống có một thân một mình hà. Một lát, chia thịt xong, con cầm thịt sang cho bà ăn lấy thảo.

Không bao lâu sau, thịt đã chia hết. Có người ở ấp kế bên sang trễ nên không còn thịt. Người đó đành lặng lẽ ra về trong tiếc nuối. Tôi dọn dẹp đồ đạc rồi mang thịt sang nhà bà Bảy, trao tận tay. Cầm túi thịt mà nước mắt bà lưng tròng. Bà nhìn chằm chằm tôi như thầm cám ơn tía con tôi đã có lòng quan tâm đến những người neo đơn như bà.

Thế là, tết năm nay ở xóm Xẻo Lá của tôi nhà nào cũng có thịt heo ăn tết, dù lúa ngoài đồng chưa thu hoạch. Nhà nhà đầy ắp những tiếng cười nói rôm rả. Một cái tết sum vầy, đầm ấm…

NGUYỄN VĂN DÔ