Truyện ngắn: Tuyên chiến

Cập nhật, 16:08, Chủ Nhật, 29/11/2020 (GMT+7)

NGUYỄN HỒNG TÂM

Nhìn tấm pa nô treo nơi bờ rào Bảo tàng Vĩnh Long; hướng thẳng bến phà về bên kia cù lao, mang chín chữ to: “Bạo lực gia đình là vi phạm pháp luật”, bất chợt lão Tám Minh rộn lên niềm vui khó tả.

 

Tranh minh họa: TRẦN THẮNG
Tranh minh họa: TRẦN THẮNG

... Tám Minh ngoài bảy mươi tuổi, khỏe mạnh. Dân làng gọi ông là “nhà trí thức”. Đúng thôi! Bởi dân chỗ ông hồi tuổi bốn mươi trở lên, khó tìm được người thoát mù chữ. Có khi chỉ được chia vài “chữ” để mua bán chôm chôm, bưởi là cùng.

Song, họ đều tỏ ra thông thái, am hiểu, phán xét vấn đề như “học giả”. Một địa hình rộng, sau 45 năm hòa bình diện mạo thay đổi hơn hẳn ngày xưa. Vậy mà dân thị thành những lần theo bạn về chơi đều ngao ngán thốt lên: “Lạ quá! Như vầy mà người ta ở được?!” Trong bài bút ký: “Đường về Ân Sư Từ” của tác giả Nguyễn Hồng Đức đạt giải văn học nghệ thuật ĐBSCL có đoạn: “...

Ngày xưa sang chợ Vĩnh Long từ lúc bốn giờ sáng đến ba, bốn giờ chiều mới về đến nhà. Trẻ con trông má “đứt con mắt”...”. Đường nước vắng vẻ. Cồn, cây bần mọc thành rừng. Lùm bụi, rắn độc, trộm cướp ẩn náu tạo thành nỗi sợ hãi triền miên. Xuồng bơi chậm chạp; các loài chim ăn đêm như: chim ụt, chim cú, chim heo, chim mèo, chim rù rì... gọi đàn, phát ra những âm thanh: “Bớ chú! Bớ chú! Rượu thịt, rượu thịt” ghê rợn. Chỗ cầu Bà Vú hiện nay là “tử địa”. Có bao người sang đây bỏ mạng...

Xóm Rạch Dứa (ấp Phú Thuận, xã Đồng Phú) gần chỗ Tám Minh, có hai nhà cách nhau một xẻo nước rộng chừng bảy mét. Nhà bên này chết bốn người, nhà bên kia một người cũng bị giết nơi khu đất có địa danh Bà Vú... khi sang chợ Vĩnh Long.

Chưa kể trên đường vượt sang bờ Bắc sông Tiền, có khu miễu Ông, dinh Cậu là vùng cũng “sát thủ” như thế.

Dân làng quen lời lẽ, ngôn từ, tác phong sinh hoạt nơi chôn nhau cắt rún và luôn bài xích tác phong sinh hoạt dân xứ khác. Có lần một phụ nữ hỏi một thiếu nữ quê bờ Bắc sông Tiền về làm dâu xóm mình: “Mày gọi chồng bằng gì?” Nàng dâu mới trả lời: “Dạ... bằng anh!” Người phụ nữ thè lưỡi: “Thấy ghê! Tao gọi bằng ông không... hà!”.

Có chuyện dân làng hay kể là khi vợ chồng trò chuyện hay nói trổng không: “Ai ơi, về ăn cơm”, “Cơm ai nấu?”, “... Nấu chớ ai!” Hòa bình đã bốn mươi lăm năm. Có phong trào “xây dựng nông thôn mới”, ai cũng mừng. Song, ai cũng biết, cũng thấy, những gì thuộc “thâm căn, cố đế” là thói quen tập quán thường xuyên ảnh hưởng đời sống; cả tinh thần, lẫn sinh hoạt hàng ngày nhưng không thể chốc lát bị đẩy lùi. Bạo lực gia đình cũng là hiện tượng… khá tự nhiên.

---

Tấm pa nô “Bạo lực gia đình là vi phạm pháp luật” lẫn vào tâm trí Tám Minh một cảm nhận đan xen: mừng vui, buồn bã. Một miền quê cách trở, từ khi có cư dân chưa một lần “tuyên chiến” với lạc hậu kém cõi này... Bạo lực gia đình qua thế hệ này đến thế hệ khác,... hiển hiện hết sức dửng dưng, dường như thách thức.

Đúng là thách thức! Bởi bạo lực gia đình ẩn náu trong “đạo vợ chồng”. Đã nói là đạo, thì khó động đến. Tế nhị lắm! Lịch sử thời vua Tự Đức, thời “Chí sĩ Ngô Đình Diệm” đã chứng minh điều đó!

Ngày xưa chồng đánh vợ, thường vì quan niệm “dằn mặt” thể hiện mình là đàn ông, nhằm để giữ vợ ở vị trí, vai trò là “vợ”; giữ luật lệ của ông cha: “Phu xướng phụ tùy” (chồng nói vợ nghe). Ngày nay, đánh vợ khá phổ biến và có xu hướng “trẻ hóa”. Xã hội có văn minh, có phát triển nhưng không hiểu sao, yêu nhau nồng thắm, lại đối xử như kẻ thù. Lý do đánh vợ thì nhiều vô kể.

Tám Minh bảo, ở làng ông, người ta đánh vợ từ lúc mới thành hôn đến khi sinh con. Con lớn, cưới vợ, gả chồng... Có người bị chồng đánh nhưng sinh sòn sòn mỗi năm mỗi đứa. Người ta kháu nhau: “Trái khổ qua; bông, đọt non cây sầu đâu; lá cứt quạ, ăn xong, cái vị ngọt “vấn vương” lâu ở cổ. Người sành ăn nghiện”.

Mỗi lần bị chồng đuổi đánh, vợ trốn ra lùm bụi, sang nhà thân quen để lánh nạn. Nhiều nhà không “chứa”, sợ bị vạ lây, khi người chồng đuổi kiếm. Người vợ bỏ trốn về nhà cha mẹ đẻ. Cha mẹ ép con gái trở về nhà chồng. Bởi câu tục ngữ ngàn đời: “Gái lộn chồng...” vô cùng độc ác. Chị em khó lấy vợ, lấy chồng.

“Đắng cay ráng chịu. Ấy là đạo đức”. Có người bảo vệ hạnh phúc con gái bằng cách cho vườn trồng cây đặc sản... nhưng chẳng chút kết quả. Con mình vẫn bị bạo hành; Bạo lực gia đình khu trú khá vững chắc, có vỏ bọc vô hình, hữu hình. Không chỉ thế, có nhiều lý do để người vợ không tự giải thoát, đành chấp nhận đắng cay: “Mình là ván đóng thuyền. Tạo dựng lần khác, khó được như lần đầu.

Ráng chịu đựng, hy vọng chồng đổi tính. Xã hội đâu chỉ mỗi hoàn cảnh của mình!” Con mình rồi sẽ lâm vào cảnh cha ghẻ, mẹ ghẻ... thành quả lao động chia chác chẳng dễ chút nào?”

Bà Tám Minh kể: Từ xa xưa, xã hội đã có biểu hiện “bạo lực gia đình”. Nhiều triết gia thời bấy giờ đặt ra nhiều triết lý tạo nên khuôn khổ ràng buộc người phụ nữ và dẫn đến bạo lực...

Con gái lấy chồng là đã vào đạo: “Đạo vợ chồng”. “Đạo mà! Đạo là đường, là khuôn khổ giáo lý. Kinh kệ truyền nối nhiều thế hệ, ai cũng thuộc: “Phận gái mười hai bến nước, trong nhờ, đục chịu”, “Trọn đạo thờ chồng, thủ tiết nuôi con”, “Đèn nhà ai nấy sáng”, “Trai năm thê bảy thiếp”. Gái chính chuyên một chồng”. “Tam tòng, tứ đức”, “Phu xướng, phụ tùy”.

“Dạy vợ dạy lúc ban sơ mới về” (không nghe nói dạy chồng). Theo đạo là chấp nhận. Chấp nhận muôn điều phi lý, được nhồi nhét qua nhiều đời, nhiều tầng lớp xã hội. Ai không giữ đúng là “đồ vô đạo”, chưa thành người. Sợ lắm!

Người vào đạo (thành vợ, thành chồng) luôn tự hào: “Tôi là người có đạo!” Có đạo đức, có tình yêu. Đỉnh cao tình yêu là vợ. Sao lại xem vợ là “tôi tớ” của mình? Rồi, chấp nhận bạo hành là hiếu thảo. Đúng là nhập nhằng giữa “đạo vợ chồng” và luật pháp. Cái đạo này lẫn vào tiềm thức con người. Nơi bất khả xâm phạm, không hề sợ dư luận và rất liều lĩnh. Buộc con người chấp nhận, dù đớn đau.

---

Ông Tám Minh kể chuyện pháp luật “tuyên chiến” với bạo lực gia đình, làm anh em công nhân xây dựng “tham gia” khá rôm rả.

Thợ Hiền: “Người ta đãi thợ. Nó nhậu với mình. Xong tiệc, nó về kiếm chuyện đánh vợ. Mình can. Nó chửi mình: “Vợ tao, tao dạy. Mày có ý gì mà chen vào? Đèn nhà ai nấy sáng! Lúc nào tao cần tao nhờ!”

Thợ Linh: “Ở làng này, đánh vợ liên tục, đẻ liên tục. Thành chuyện tiếu lâm. Kể rất nhiều cách. Cười lộn ruột!”

Thợ Út: “Người ta nói: Tạo ân tình, tạo chất lãng mạn để vợ chồng không nhàm chán. Dân xứ mình nói ân tình nghe xa xôi quá... Còn lãng mạn, mấy ai biết góc cạnh này!”

Thợ Tấn: “Đánh vợ bốn đời gọi là gien di truyền, tôi không đồng ý. Rõ ràng là ông cha vậy, mình làm theo, tỏ rõ là “tay tổ”. Luật pháp phải được tuyên truyền, giáo dục. Xứ ta mới có pháp luật, người ta chưa quen. Triết lý phương Đông hóa thành cái thành trì bất khả xâm phạm để bạo lực gia đình tồn tại.

Hòa bình rồi, ai cũng mừng vui lo hàn gắn vết thương chiến tranh, ít chú ý “tế bào xã hội” bị đe dọa. Rồi văn hóa, học lực kém, dẫn đến không đủ thông minh để nói lời thích hợp, không đủ khôn ngoan để im lặng. Đó là nguyên nhân của mọi thô lỗ, văn hóa phong kiến tạo “gia trưởng”. Gia trưởng tạo thô lỗ. Thường thái độ gia trưởng lố bịch, tự cao. Tác nhân để bạo lực diễn ra”.

Thợ Độ: “Phải làm sao bây giờ? Kẻ khủng bố là người ta từng yêu ta say đắm, sống không thể thiếu ta!. Ta với họ có sợi dây ràng buộc.

Thợ Tài: “Sự hấp dẫn ban đầu phải được giữ gìn để tồn tại lâu dài. Đây là chất men giữ tình yêu để hạnh phúc. Trách nhiệm... của cả hai- nhất là phía người vợ. Đó là, sức mạnh diệu kỳ... Đó là vũ khí trời cho!”

Bà Tám Minh: “Cháu Tài nói đúng! Vợ có vũ khí trời cho. Song người vợ phải hiểu mình có vũ khí ấy và biết sử dụng phù hợp với người mình yêu. Trách nhiệm của người vợ quan trọng, bao trùm mọi lĩnh vực trong gia đình. Chồng “bị cảm hóa” mà không hề tự ái, có khi không hay biết.

Thật ra, người vợ cũng “tự cảm hóa” mình để hòa nhịp “bản nhạc tình”. Có những va chạm nhỏ bé, “lời qua tiếng lại” thì mẹ chồng lên tiếng: “Sống với nhau lâu rồi; con phải hiểu chồng con!” Người vợ (sòng phẳng) đốp chát: “Mẹ bảo con hiểu chồng con? Vậy chồng con có hiểu con không?” Rõ là nàng dâu “trả treo” với mẹ chồng và hành vi này chẳng đem lại lợi ích gì cho nàng dâu!”

Thợ Tấn: “Bạo lực gia đình có nhiều chỗ “đồn trú” kiên cố, khá độc đáo: “Chồng đang đánh vợ, hàng xóm vào can thì toàn cảnh đổi thay. Vợ chồng vui vẻ tiếp khách. Cảm thấy bị “hớ”, trò chuyện vài lời, vị hàng xóm rút êm. Đúng là khó! Bởi “bạo lực gia đình” được che chắn qua ngàn đời.

Cảm thấy lời mình chưa “ổn”; sau phút ngập ngừng, thợ Tấn tiếp: “Nhiều bà vợ có thói quen, đi đâu cũng tỏ ra “gấp rút”. “... Để tôi về! Trễ nải chồng đánh chết!” mà chẳng chút ngượng miệng!”

Thấy nhiều người chú ý lời nói của mình, thợ Tấn tỏ ra hồ hởi: “Hổng biết nói thiệt hay đùa. Song, đó là nêu bóng để người ta đập, vẽ đường hươu chạy. Hoặc chuyện con gà hay đùa nghịch, ngậm cọng thun để lừa gà bạn. Gà bạn ngỡ con giun lao đến giành... Bất chợt “gà lừa” nuốt thun vào ruột!”... Tiếng cười vang lên giòn giã.

Thợ Tài như phát hiện ra điều gì, tỏ ra nhanh nhẩu: “Tôi thấy con người còn có cảm giác mắc cỡ! Có ai mà không mắc cỡ? Vậy tăng cường yếu tố: “chộ” đi, Đây là quả đấm dư luận, khá lợi hại!”

- “... “Chộ” bằng cách nào?”

- “Ở Pháp, chê bai nhau bằng từ: “Cor...cor...cor...!” (Dân đảo Cor là lạc hậu)”.

“Ở ta, xóm này, nhà kia hay xầm xì, kháo nhau, bàn tán chuyện yếu kém lẫn nhau. Ta nâng “chộ” một cách bài bản, nhẹ nhàng, thường xuyên liên tục... Nông thôn hiện nay cứ sáng sớm là tự nhiên có nhiều bàn trà năm ba người. Trò chuyện việc vườn ruộng sau vài tuần trà, họ về nhà với công việc mỗi ngày. Nếu ta dựa vào “nhóm trà nước” này, gắn nội dung sinh hoạt “bạo lực gia đình” thật khéo léo...Nhóm này được tổ chức phụ nữ lồng vào thì tuyệt vời!”.

Thợ Độ chen vào: “Việc này tôi thấy được đó! Rất hay! Nhưng phải biết “nuôi dưỡng”, nếu không sẽ rã đám!”

Thợ Tài đốp chát: “Nói là nuôi dưỡng... mà nuôi dưỡng bằng cách nào?”

Câu hỏi của Tài làm mắt Độ sáng rực. Độ mỉm cười thốt nhẹ từng lời: “Nuôi dưỡng bằng cách nào? Ai mà chả biết, Hội phụ nữ là nòng cốt”. Rồi Độ nói thêm: “Kẻ gây bạo lực là sinh vật cao cấp, có lúc cũng biết sợ trừng phạt, biết nghe giảng giải, biết hổ thẹn. Vấn đề là ta có lực lượng, biện pháp, kế hoạch khoa học, tác động trực tiếp vào điểm yếu này!? Bởi, dân gian có câu: “Mắc cỡ là thuốc nhà quê. Ai mà không mắc, cỡ nào cũng tiêu”...”

Như để nhấn mạnh, Tài nói thêm: “Phải tăng tính cộng đồng dân cư: “Chộ!”. Đó là quả đấm dư luận... “Đèn nào cao bằng đèn Ông Chánh/ Bánh nào trắng bằng bánh bò bông/ Đạo nào thân bằng đạo vợ chồng/ Nằm đêm nghĩ lại, nước mắt hồng nhỏ tuôn”….” Vợ chồng đầu ấp tay gối, tình cảm mùi mẫn, ngọt lịm như mía lùi”.

Dân gian thừa nhận: “Chén úp trong xống còn khua”. Vậy sao không dùng “lời” khi “khua chén”?