Truyện ngắn: Bến trong mơ

Cập nhật, 22:53, Chủ Nhật, 22/11/2020 (GMT+7)

HỒNG SƠN
 

Bến trong mơ
Bến trong mơ

Rượu vào lời ra cả buổi trời chớ đâu mới vô cửa sao Tư Thường “bửa” ba ly liền theo luật lệ của dân “ma men” từ trước đến giờ? A! Coi như y thực hiện theo lời đề nghị của thằng Cò, chấp ba một đây mà.

Trời đất! Tư Thường không “tắt đài lên giường làm phò mã” vì ba ly rượu đó chỉ là ba ly nước lạnh nên nhà “ảo thuật” này còn giữ được phong độ chững chạc kể tiếp chuyện tiếu lâm. Đó, uống rượu ăn gì ngon thì có lẽ trong trường hợp này ăn gian là ngon nhất!

- Ê, Cò, tao kể tới đâu rồi mậy?- Tư Thường hỏi giọng ráo hoảnh.

- Tới thầy Năm No đi tụng kinh ở cái đám cầu siêu cho bà già ông Ba Lù. Rồi sao nữa?

Lại vểnh tai há toác mồm, thằng Cò còn phô cả hàm răng ám khói thuốc, có mấy cái răng cửa đong đưa đứng không vững.

Tư Thường ngồi thừ ra làm cho không khí đặc quánh lại, ngột ngạt đến độ sắp nổ tung mới chịu mở “vô lim”:

- Tao với mầy cái chữ cộng lại đựng không đầy lá mít nhưng đỡ hơn thầy Năm No dốt đặc cán mai. Nè, nếu muốn tụng kinh siêu độ cho linh hồn ai thì phải biết họ tên tuổi tác của người ta chớ? Do vậy, Năm No mới hỏi và chủ gia cho biết: cụ bà tên Nguyễn Thị Tròn, hưởng thọ 80 tuổi. “Vì cái chữ không biết ổng” nên ổng rút viết khoanh cái vòng tròn nhỏ trên miếng giấy đỏ làm ký hiệu cho cái tên, còn tuổi thì nhớ và đàn bà lót chữ thị là cái chắc rồi.

Trời ơi trời! Thằng chả hết thời nên bị tổ trác! Miếng giấy đỏ đó đặt trên bàn thờ người khuất bị cứt thằn lằn trên nóc nhà rớt xuống chia đôi cái khoanh tròn, một đầu chồng khít một đầu còn thừa cái chót.

Đến giờ hành lễ, thầy Năm No đắp y vàng quỳ trước bàn thờ, nét mặt ra chiều thành tâm cúng kính, cất giọng sang sảng bổng trầm: “Nguyện cầu cho hương hồn cụ bà Nguyễn Thị…” Ổng ngập ngừng mắt cà trợn cà trợn dòm vào miếng giấy đỏ rồi cầu nguyện tiếp: “… Cụ bà Nguyễn Thị Gáo…” Ba Lù nghe không phải tên của má mình liền khều khều lưng thầy Năm No thầm thì: “Má con tên Tròn chớ không phải Gáo”. Tổ mẹ thằng nào mới tra cái cán vô nè! Thiện nam tín nữ coi đi! Thầy Năm No vừa múa men phân bua vừa sấn sổ định ăn thua đủ với mấy thằng “quên số quân” như mầy.

- Trời trời!- thằng Cò ôm bụng cười nắc nẻ- Tội nghiệp! Thầy Năm No bị sộ một cái quá mạng. Rồi sao nữa?

- Rồi khuya quá mầy về đi, để hồi nữa vợ mầy qua làm giặc! Mầy nổi khùng phong chức cho nó làm mẹ. Chọc ngứa cái miệng tao, tao nói luôn: Làm mẹ cũng phải bởi nó cho mầy…

Nhìn thằng Cò tần ngần ra về bóng nó như lớn dần lên dưới ánh trăng, Tư Thường trầm ngâm thả nỗi buồn trôi theo dòng suy ngẫm: mỗi con thuyền đều có một bến cho mình. Dù bến ấy có sụt lở hay hoang tàn vẫn là nơi con thuyền ấy neo đậu. Còn phần ông, bến bờ cho đời mình neo đậu chỉ còn lại ở trong mơ, bởi chiến tranh đã nhẫn tâm cướp đi mất!

Ngày ấy, Tư Thường mới đội cái tuổi chưa thành niên trên đầu đã rong ruổi trên khắp cánh đồng làng cày thuê trục mướn. Nhưng cảnh giật gấu vá vai mang công mắc nợ như là định mệnh cứ bám lấy người nông dân chân lấm tay bùn này. Còn Lan- vợ Tư Thường- là một cô thợ cấy đẹp ngời ngợi ở cái tuổi trăng tròn mười sáu và có giọng hò rất mượt mà. Những đêm trăng bủa vây không gian, lùa vào áo vào tóc người ta một mùi hương dịu dàng thì tiếng hò của chị vang xa, ngọt ngào như hương sữa đòng đòng. Tư Thường bị cuốn hút theo câu hò trong một lần gặp gỡ. Vẫn tưởng khi cưới xong họ sẽ dựng tổ ấm của mình trong vàng ươm mùa gặt. Nào ngờ chiến tranh càng lúc càng khắc nghiệt hơn. Mặt đất vẩn đục và khói bụi mịt mờ khắp chốn. Hai người đành xa nhau, họ xin vào du kích, vì xác định đây là thời cơ ngàn năm có một để đền nợ nước. Riêng chị Lan sau đó được bổ sung vào trạm xá Trung đoàn 3 làm y tá.

Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968 của quân dân miền Nam đã cảnh tỉnh bọn người hiếu chiến. Tổng thống mới Nich-Xơn và phe nhà Trắng ngoan cố đề ra chiến lược mới: “Việt Nam hóa chiến tranh” hòng phản công cấp tốc quyết liệt quy mô lớn bằng chiến tranh hủy diệt, bóp nghẹt, bình định trên địa bàn rộng đã đưa cuộc kháng chiến của ta vào tình thế khó khăn. Không ít người con Vĩnh Xuân anh dũng ngã xuống, để quê hương mình đứng vững làm cơ sở cho phong trào phá kềm về sau. Còn may mắn hơn đồng đội, Tư Thường chỉ bị trọng thương, được đưa đến Trạm xá Trung đoàn 3 chữa trị. Vợ chồng họ lại được gặp nhau. Ôi! Nỗi khắc khoải đợi chờ giờ đã được toại nguyện. Giây phút cuối cùng của sự ly tan đổ nát bỗng bừng lên tòa lâu đài sum vầy hạnh phúc là đây! Nhưng trớ trêu thay, anh vừa tỉnh lại, chị đã chan nước mắt lên ngực anh, cất giọng yếu ớt thều thào chìm sâu trong tiếng thở khó nhọc của anh. Dù những điều chị nói ra trong lúc này các y- bác sĩ ở trạm xá tuyệt đối không cho phép.

- Anh ơi! Mảnh đạn phũ phàng đến tàn nhẫn của kẻ thù buộc anh không còn khả năng có con được nữa. Cái thiên chức làm mẹ của em còn đâu anh hỡi?

Gồng mình lên buộc chặt nỗi đau trong lòng, người thương binh giàu nghị lực, người chiến sĩ du kích cọ xát với chiến trường khốc liệt mỗi bận đối đầu với những cuộc phản kích lở đất long trời của quân thù vẫn lạc quan nói bằng giọng thật khẽ, mỏng như tơ:

- Đừng buồn em ơi! Ngày thống nhất mình sẽ đón các con của những đồng đội bất hạnh về nuôi. Rồi em có cháu đống con đàn tha hồ ẵm bồng, dạy dỗ và đưa rước chúng đến trường!

Nói đến đây anh mệt lả ngất đi.

Bên ngoài tiếng máy bay trinh sát rè rè, tiếng phản lực gầm gào theo sau. Hai thứ tiếng đó trộn lẫn vào nhau, rót vào tai con người một cảm giác khó chịu và căng thẳng vô cùng!

Ngày tháng thử thách nghiêm trọng đối với những người kháng chiến cứ bước nặng nề chầm chậm. Vết thương đã kéo da non, Tư Thường nóng lòng làm thủ tục xuất trạm, vì đồng đội rất cần sự có mặt của anh để vùng lên phá kềm diệt ác.

Thế rồi vào một buổi sáng, rèm sương mờ cứ nứt ra trong tầm pháo địch. Từ xa có tiếng gầm gừ hồi lâu, rồi một đám máy bay gào rú khắp gian đồng, cánh quạt quay làm các ngọn cây dọc triền kinh rạp xuống thấp.

- Chết rồi! Trực thăng đổ quân nhảy giò xuống đánh trạm xá. Toàn đơn vị chuyển thương binh xuống hầm bí mật, quyết chiến đấu bảo vệ cho bằng được thương binh!

Đồng chí trạm trưởng phán đoán và đưa ra một mệnh lệnh chắc nịch như cây đóng vào đất ướt!

Khoảng năm phút sau, trên cánh đồng lúa đang trải màu vàng óng ả, bọn lính lóc nhóc xanh dờn đang triển khai đội hình tấn công vào trạm xá. Rồi súng nổ bom dội phủ vây. Mặt đất rung chuyển dữ dội, gió ào ào như bão cuốn và đất đá bay vèo vèo trong không trung. Quân số địch đông cộng thêm hỏa lực “bén”. Đơn vị trạm xá khó có thể trụ vững, tính mạng thương binh như chỉ mành treo chuông. Trước tình hình nguy cấp đó, chị Lan quăng thân ra đồng trống, dùng súng cạc- bin thu hút địch về phía mình, để cái chết pha loãng ra trong những căn hầm thương binh đang trú ẩn. Khi hết đạn, chị Lan bị địch bắt và đánh đập hết sức dã man. Thằng thượng sĩ Đức dứ dứ con dao vào mắt chị.

- Biết khôn thì khai ra hết, bằng không cho tao xin chót gan sau đó tới túi mật. Mà không, kiểu này xưa quá! Mầy còn trẻ đẹp tao chơi trò khác lạ hơn trước khi kéo xác mày về quận!

Ôi! Đôi mắt của chị Lan đen lay láy, đen thẫm như tuyết nhung ngày nào giờ rực cháy lửa hờn căm như muốn thiêu đốt bọn lính rậm rịch bước quanh mình. Thấy chị không hé môi khai báo, tên thượng sĩ già gian ác giận dữ. Mặt đỏ lòm, hai hàm răng cắn chặt nổi bật hai thớ thịt bạnh đến vành tai. Hắn xốc tới cởi áo chị ra. Mắt trâng tráo nhìn bộ ngực đầy đặn rắn chắc như hai quả đào vừa chín tới, rồi đưa mũi dao sắc lẹm đến gần vội cắt lìa hai đầu vú. Máu phụt ra chảy ròng ròng thấm dần vào đất. Chị vật vã đau đớn đến kiệt sức tàn hơi. Đôi mắt đen lay láy, đen thẫm như tuyết nhung từ từ khép lại, vĩnh viễn mang theo hình ảnh của người chồng gối chăn cùng chị chưa đầy một tháng.

Ngày nước nhà độc lập, Tư Thường trở về xây nhà trên mảnh đất của chiến trường xưa để tiện việc chăm sóc phần mộ không hài cốt của vợ mình. Kể từ ấy, Tư Thường thích nghe và hay kể chuyện tiếu lâm, vì đối với ông tiếng cười không chỉ có tác dụng điều chỉnh hành vi xã hội mà còn có lợi cho sức khỏe. Không có cháu con, Tư Thường cần có sức khỏe, để vui vẻ phấn chấn ăn nên làm ra và lo hương khói giỗ quải cho người bạn đời. Và tối nay, khi thằng Cò nghe lời Tư Thường ra về bỏ neo trên bến đợi. Tư Thường cũng lên giường ngon giấc ngủ, chắc trong mơ ông gặp lại bờ bến của mình?

Đêm thở nhẹ trên sóng lúa đang thì ngậm sữa. Một mùi thơm tựa mùi môi mọng đỏ của các cô thôn nữ trong biển lúa bay lên mênh mang. Ôi! Trong không gian thanh sạch của làng quê còn nuôi dai dẳng cả một giấc mơ thủy chung cao đẹp.