Truyện ngắn: Người lao công già

Cập nhật, 15:47, Chủ Nhật, 06/09/2020 (GMT+7)

 

Tranh minh họa: TRẦN THẮNG
Tranh minh họa: TRẦN THẮNG

Ngồi một mình trước cửa sổ của tầng năm bệnh viện, bà Chuyên vẫn chưa khỏi bàng hoàng trước tai nạn vừa xảy ra với mình. Khi hết giờ làm việc, cũng như mọi buổi chiều thường lệ bà vẫn thường chạy xe đạp điện để về nhà.

Bỗng nhiên từ phía sau, một thanh niên điều khiển xe máy với tốc độ rất cao đã hất bà văng vào lề đường. Thế rồi, khi tỉnh dậy bà đã thấy mình nằm trong bệnh viện với chân phải bị nẹp lúc nào bà cũng không biết. Một lát sau, có một người đàn ông chắc cũng hơn sáu mươi tuổi đến hỏi thăm bà:

- Bà khỏe rồi à, bà làm tôi lo quá. Thời buổi bây giờ thanh niên chạy xe ẩu quá bà ạ. Chúng ta không biết như thế nào mà tránh trước được. Thôi xem đó là xui rủi đi, bà cố gắng ăn ít cháo. Tôi mới nấu cho bà này. Bà ăn đi còn nóng.

Bà Chuyên vội búi mái tóc đã lấm tấm bạc của mình rồi nhìn người đàn ông ấy mà lòng nghèn nghẹn. Vì bà mà ông ấy ở vậy không chịu cưới vợ và chăm sóc cho bà đến tận bây giờ. Cầm bát cháo mà bà ứa cả nước mắt:

- Tôi nợ ông nhiều quá ông Minh à.

Ông Minh liền xoa vết thương của bà và nói:

- Trời à, chúng ta đã già, tại sao bà nói với tôi như vậy. Thì tôi và bà tình nghĩa chòm xóm với nhau mấy chục năm rồi còn gì. Không có bà ở nhà, tôi cũng buồn. Bây giờ bà gặp tai nạn không lẽ tôi ở nhà ăn ngủ ngon à. À mà quên, tôi đã gọi điện thoại báo cho con Mai và thằng Đông là bà bị tai nạn. Mà nghĩ cũng lạ, lâu quá rồi mà sao tôi không thấy chúng nó về thăm bà nhỉ?

Ông Minh miệng vừa nói, tay thì gọt trái cây. Khi ngước nhìn lên, nước mắt bà Chuyên đã rớt tự lúc nào. Bà vội lau đi nhưng không khỏi đau đớn và cất giọng yếu ớt:

- Ông gọi cho chúng nó để làm gì. Chắc giờ này chúng nó đang bận công việc rồi ông à. Tôi tự lo cho tôi được. Giờ có ông chăm sóc cho tôi nữa là được rồi.

Khi nghe ông Minh và bà Chuyên nói chuyện, đột nhiên cô nhân viên y tá đang chăm sóc cho bệnh nhân nằm kế giường bên cạnh vang lên tiếng nói giòn rụm:

- Cô khỏe chưa? Hôm qua vết thương của cô ra máu nhiều quá. Cô là người Bắc à?

Bà Chuyên chưa kịp trả lời cô y tá thì ông Minh nhanh miệng đáp như người rành rọt:

- Đúng rồi cháu à, bà ấy người Hà Nội. Bà ấy vào Nam gần ba mươi năm rồi.

Cô y tá cười và đáp tiếp:

- Chú không phải là chồng của cô hen, vậy mà con cứ tưởng… Thôi con chúc cô nhanh chóng phục hồi sức khỏe nghe.

Ngồi tựa mình vào cửa sổ, bà Chuyên có vẻ hơi buồn và nhớ lại chuyện năm xưa khi bà còn ở Hà Nội vào những năm 1980 cuộc sống vô cùng khó khăn. Thời điểm đó, bà học trung cấp chuyên nghiệp cũng đã có tiếng trong làng và biết bao nhiêu chàng trai phải mến mộ và xếp hàng theo đuổi.

Đúng là người ta nói “Hồng nhan bạc phận”. Số bà lênh đênh và lận đận trong tình yêu. Bà quen và kết hôn với một anh nhân viên bất động sản. Cuộc sống của bà và chồng cũng chẳng dư dả gì nhiều khi bà sinh được bé Mai đầu lòng.

Ngoài công việc chính, bà phải làm đủ việc, từ đánh chữ thuê cho đến dạy kèm, tất cả đủ chỉ để đắp đổi qua ngày. Ông Tâm- chồng bà- có cái bệnh sĩ diện, cứ nghĩ mình làm công ty bất động sản thì đi ra phải ăn mặc sao cho phải ông này, ông nọ với người ta. Thời gian cứ thế trôi qua, mãi hai năm sau bà sinh đứa con thứ hai là Đông.

Khi biết tin có mang, bà vui lắm. Thế nhưng ông Tâm chồng bà cứ nằng nặc phải đòi bỏ đi đứa con vừa mới tượng hình với lý do là không có đủ khả năng để nuôi nấng cho đứa kế. Khi bà nghe chồng mình đòi dứt tình bỏ đi giọt máu, bà như người chết lặng và không đồng ý với việc làm mất đạo đức của ông chồng dáng vẻ hào hoa thương vợ, thương con của mình trong mắt nhìn nhận của người khác. Từ hôm đó, ông Tâm thường đi sớm về muộn chẳng lo gì tới mẹ con bà.

Những cuộc nhậu nhẹt li bì, những lần cãi vã nó thường đến với bà vào mỗi buổi tối. Năm đó trời rét kinh khủng, bé Mai con bà vừa tròn năm tuổi, bà thì lại sắp sinh, nhà hết tiền, ấy vậy mà ông ấy dắt một cô gái ăn mặc quần là áo lụa về nhà và quăng cho bà cái đơn ly hôn ngay trước mặt:

- Đơn tôi soạn lâu rồi đấy, cô ký đi cho tôi nhờ. Con thì cô cứ nuôi, tôi cấp dưỡng đầy đủ. Đây, người phụ nữ này mới thật sự là vợ của tôi, tôi sẽ trở thành giám đốc, vì bố cô ấy là chủ tịch của tập đoàn lớn. Cuộc sống của tôi sẽ thay đổi, tôi không muốn tối ngày đầu tắt mặt tối như thế này. Tôi đã chán lắm rồi, cô có hiểu không?

Không ngờ chồng bà lại đối xử với bà như thế. Những u uất trong lòng, những nỗi niềm của bà bấy lâu nay không được ai chia sẻ. Bà nhớ rõ hôm ấy là đêm kinh hoàng đối với bà. Một mình bà chống chọi mọi thứ, khi bà ký đơn ly hôn và chấp nhận cho người đàn ông bội bạc kia đến với người đàn bà bên cạnh.

Bà vì thương con liền vội vàng thu gom đồ đạc của mình và bé Mai để cất bước ra đi khỏi cái tổ ấm mà bà cho là hạnh phúc khi cả một quá trình chung sống. Sở dĩ bà đặt tên Đông, con trai bà là vì trong đêm hôm đó, bà đã sinh ra nó ngay cái đêm rét tháng ba của Hà Nội. Nếu không có mọi người hàng xóm giúp đỡ thì cả ba mẹ con khó có thể vượt qua cơn nguy kịch.

Sinh con chưa được bao lâu, bà có ý định thay đổi nơi ở nhưng không biết phải đi đâu. Bấy giờ, bà có vài người bạn khi xưa là thanh niên xung phong ra chiến trường miền Nam để công tác, khi hòa bình lập lại, họ ở trong Nam làm việc. Bà muốn thoát đi cái cuộc sống vốn dĩ không thuộc về mình nữa, vì từ thuở bé bà không hề biết mặt bố mẹ mình là ai. Bà chỉ biết khi lớn lên bà phải sống trong cô nhi viện.

Đến với miền Nam như một định mệnh cho người phụ nữ phải đương đầu với bao khó khăn và thử thách. Do có trình độ về học vấn, bà cũng khá dễ dàng xin vào làm việc ở một trường trung cấp. Thời điểm đó, ông Minh cũng là đồng nghiệp với bà và đem lòng thương bà.

Cũng nhiều lần ông đã ngỏ ý sẽ chăm sóc cho bà đến suốt cuộc đời, nhưng bà Chuyên lại nghĩ rằng, mình không được diễm phúc và không xứng đáng đến với ông vì một lẽ ông Minh là con nhà đàng hoàng và là thanh niên trai tráng. Ông Minh đã nói với bà, suốt đời này ông sẽ không lấy vợ và chỉ thương có mình bà.

Thời gian cứ thế trôi qua đi, Mai cũng có gia đình và có riêng cho mình cái cửa hàng buôn bán gạo. Thằng Đông thì cũng học Đại học Kinh tế và làm vệc cho một công ty địa ốc có tiếng. Thế nhưng bà vẫn sống một mình trong căn nhà nhỏ đơn sơ do chính tay bà mua được. Hàng ngày, bà làm lao công tại một trường đại học tư thục. Tuy đồng lương không là bao, nhưng bà vẫn tự hào, vẫn lạc quan sống trọn vẹn thanh cao.

Khi suy nghĩ hồi lâu, ông Minh đỡ bà Chuyên nằm xuống giường để nghỉ ngơi. Còn ông trở về nhà lo cho mấy con gà, con vịt rồi ông lại trở lên với bà. Bà Chuyên nằm xuống lại nhớ công việc lao công của mình hiện tại. Bà nhớ từng hàng cây ở sân trường, những lúc bà mệt bà thường ngồi tựa mình vào những tán cây um tùm xanh tươi. Bà nhớ cả bà Hồng cùng quét dọn với mình.

Bà cứ suy nghĩ mình bị tai nạn rồi, chắc lâu lắm chân bà mới hồi phục, rồi công việc của bà, bà Hồng sẽ phải gánh vác hết. Bao nhiêu suy nghĩ làm cho bà Chuyên thiếp đi. Bỗng ở ngoài cửa có tiếng nói thì thào như cãi vã đã làm cho bà thức giấc. Bà chưa kịp lên tiếng thì tiếng nói ấy lại mỗi lúc lại to lên:

- Mày là con trai, trách nhiệm mày phải nuôi má. Tao lấy chồng rồi, tao phải lo bên chồng của tao nữa. Tao đưa mày ít tiền, mày lo viện phí cho má dùm tao.

Bà Chuyên vẫn cố gắng nghe tiếng nói ở ngoài và nhận ra giọng của Mai- con gái bà. Bà chợt mừng thầm, thế nhưng chưa kịp mừng rỡ thì Đông lại đáp trả:

- Trời ơi, tôi đàn ông sao có thể chăm sóc má tốt như chị. Vợ chồng tôi chả phải hàng tháng vẫn gửi tiền về cho má đều đều đó sao? Chị cũng thấy đó, công việc của vợ chồng tôi có được ở không đâu. Hay tôi tính như thế này, mình thuê người chăm sóc cho má là tốt nhất. Chúng ta chịu khó bỏ thêm ít tiền mà chị em ta ổn thỏa đôi bên. Chị nghĩ sao?

- Ừ, mày tính vậy cũng được đó. Tao đồng ý.

Bà Chuyên nép mình vào góc phòng đã nghe hết cuộc trò chuyện của Mai và Đông. Lúc này, ông Minh cũng vừa bước vào và đã nghe hết mọi chuyện:

- Trời ơi, chú không ngờ hai đứa lại đối xử với mẹ mình như vậy. Chú quá thất vọng về hai đứa.

Vừa dứt lời, Đông vội gạt ngang câu nói của ông Minh:

- Nè chú Minh, tôi nể chú là người lớn, với lại cũng thường xuyên chăm sóc cho má tôi. Chú biết gì mà nói. Chúng tôi có tiền thì thuê người chăm sóc, đó là chuyện bình thường thôi.

Ông Minh vẫn tức lòng bởi câu nói của Đông:

- Chú đồng ý là con có tiền, cái mà mẹ cháu cần ở đây là tình thương của hai đứa con. Bà ấy đã quá khổ rồi, giờ phút này mà hai đứa chưa chịu tỉnh ngộ ra à? Có bao giờ hai đứa tự suy nghĩ sao lâu quá mà hai đứa không về thăm mẹ mình không? Tụi bây đừng suy nghĩ là có gửi ít tiền về là để đền đáp công ơn. Sai rồi hai cháu à. Bà ấy tuổi đã cao, nhưng bà ấy vẫn làm việc. Tiền của thằng Đông gửi về, bả để dành không xài một xu kia kìa.

Ông Minh nói xong liền rón rén bước nhẹ vào phòng vì sợ bà Chuyên thức giấc. Nhưng ông không ngờ bà Chuyên đã nghe hết câu chuyện:

- Má không sao, các con cứ lo công việc của các con đi. Má có chú Minh chăm sóc đủ rồi.

Bà Chuyên như nghẹn lại và quay mặt vào vách tường. Ông Minh vẫn chưa hết cơn tức giận cho câu chuyện vừa xảy ra thì Mai lại cất giọng:

- Đó đó, chú thấy chưa. Mẹ con còn khỏe. Thôi má cầm đỡ ít tiền, mai con vô. Đi từ nãy giờ, con đóng cửa hàng, coi chừng con mất khách như chơi. Thời buổi này, buôn bán ế ẩm quá. Thôi con đi à. Vậy nghe má.

Bà Chuyên chỉ im lặng không nói tiếng nào. Trong khi đó Đông, con trai bà thì tất bật với cái điện thoại:

- Con đã thuê người chăm sóc má rồi đó. Tiền bạc má khỏi lo. Má phải hiểu cho công việc của con. Khổ lắm má à. Thôi con đi đây, có gì con sẽ gọi cho má. Chừng một tiếng nữa, người chăm sóc má sẽ tới.

Chưa kịp chào hỏi ông Minh, Đông mặc áo vest đen đi trong vội vàng như có kẻ sắp đòi nợ. Bà Chuyên nghẹn ngào và nước mắt lại ứ lại. Biết bà Chuyên buồn lắm, ông Minh cũng bước tới nói vài câu an ủi:

- Thôi, bà đừng buồn. Có thể cái thời của tôi và bà đã khác. Thời đại văn minh rồi bà à. Nhưng nghĩ cũng lạ chúng nó lớn lên từ đâu bà nhỉ? Bọn trẻ bây giờ chỉ biết tiền và tiền nên chúng quên mất đi giá trị đạo đức của con người phải đặt ở đâu cho đúng.

Nói xong, ông Minh thở dài, bà Chuyên thì vẫn nhìn qua lam cửa sổ. Bà vô tình nhìn thấy cái tổ chim nó đóng trên ban công. Bất chợt bà thấy những tiếng chim non kêu chít chít rồi chim mẹ cứ liên tục mớm những con sâu cho các con, còn mình thì cứ nhịn đói và dang rộng đôi cánh để che cho các con của mình khỏi bị ướt khi trên mái tôn bị dột bởi những hạt mưa còn đọng lại trong khung cảnh chiều tàn.

LÊ HẬU