Truyện ngắn: Nồi canh rau

Cập nhật, 22:46, Chủ Nhật, 09/08/2020 (GMT+7)

MINH ĐIỀN

Sáng nay, bỗng nhiên gió bấc lại lần lượt kéo về, mang theo cái se lạnh, như báo cho mọi người biết là đất trời phương Nam đã sang hẳn mùa khô. Cơn gió lạnh đã làm ngoại tôi thức giấc.

Bên chái bếp, ngoại vừa ngồi têm miếng trầu, vừa lắng nghe tiếng tàu lá dừa quét xào xạc trên mái hiên nhà, làm ngoại nghĩ ngợi về rất nhiều chuyện. Ngoại lại thì thầm tính chuyện thằng Lê, con của ngoại đi được cũng gần một tháng rồi.

Tranh minh họa: TRẦN THẮNG
Tranh minh họa: TRẦN THẮNG

Độ chừng hai ba ngày nữa nó về thôi, lần này nó về ngoại sẽ nấu cho nó một nồi canh hến với rau cải trời, cho nó ăn đã thèm luôn. Lê là tên của cậu tôi, cũng là đứa con trai thứ hai của ngoại đã hy sinh thời chống Mỹ. Cái chết của cậu tôi đã làm ngoại đau đớn tưởng chừng không vượt qua được.

Má tôi thấy vậy mới rước ngoại về sống chung với gia đình tôi cho tiện bề chăm sóc. Lúc ngoại bước sang tuổi chín mươi vẫn còn khỏe mạnh lắm, đặc biệt là trí nhớ vẫn tốt. Vậy mà, không biết từ lúc nào ngoại coi tôi là Lê. Năm ấy tôi vừa tốt nghiệp ngành sư phạm, phải xa nhà đi công tác.

Nỗi nhớ của ngoại về tôi như chính đứa con của ngoại vậy. Nhất là sang khoảng tháng mười, tháng mười một, rau cải trời mọc sau vườn nhà tôi rất nhiều. Đó cũng là lúc ngoại mong tôi về để nấu nồi canh hến cho tôi ăn.

Nghe má tôi nói, cậu Lê ngày xưa thích ăn canh hến nấu với rau cải trời lắm! Cậu tôi đẹp trai lại thông minh nữa. Thấy cậu thông minh, có người định nhận cậu làm đệ tử rồi truyền cho nghề thợ bạc.

Vậy mà ông tôi lại không cho theo, bởi không thể xa cậu. Để giữ chân cậu, mới mười tám tuổi ngoại đã cưới cho cậu tôi một cô vợ, sắc đẹp có tiếng của vùng. Hai người tuy không được quen biết nhau từ trước, nhưng cũng rất mặn nồng tình ái sau hôn nhân.

Thế nhưng cái mà cậu tôi thích là được tham gia cách mạng, được cầm súng kháng chiến chống quân thù giải phóng cho quê hương. Ngoại có nói thế nào cậu tôi cũng nằng nặc đòi đi. Mợ tôi nghe nói vậy khóc rất nhiều. Những lúc như vậy cậu tôi nói với mợ:

- Anh đi rồi, em ở nhà hủ hỉ với ba má chắc cũng đỡ buồn. Chừng nào đất nước bình yên, anh sẽ trở về. Lúc đó, vợ chồng của chúng ta càng vui hơn. Niềm vui ấy, hòa trong cái vui chung của mọi người thì có gì hạnh phúc hơn nữa.

Mợ tôi lúc đó vẫn còn quá trẻ, không chịu rời xa cậu. Cho nên đêm nào cũng nằm bên cậu tôi khóc rưng rức. Vậy mà cậu tôi vẫn quyết là vẫn sẽ ra đi. Có lần ông tôi thấy cảnh mợ tôi buồn mà cầm lòng chẳng được. Ông tôi bảo với cậu:

- Ba thấy con Bé nó buồn quá mà cầm lòng không được. Hay là con tính lại, theo chú con học nghề thợ bạc, vừa có cái nghề lại vừa có vợ con, cha mẹ bên cạnh, ba thấy cũng tốt đó.

Không ngờ cậu tôi trả lời ông tôi một cách dứt khoát:

- Nếu ai cũng vướng bận chuyện của vợ con gia đình như vậy hết, thì lấy người đâu để giải phóng cho đất nước của mình. Là người trai muốn nên sự nghiệp lớn phải xác định cái gì cần nâng lên, cái gì cần bỏ xuống chứ ba.

Dù ông tôi có nói gì cũng không cản được cậu tôi. Hôm ấy trước khi theo các chú vào vùng trong, ngoại nấu nồi canh rau cải trời thật ngon. Cậu tôi ăn một bữa cơm chia tay cùng gia đình.

Thế nhưng lên mâm cơm chỉ có ông tôi và cậu, còn bà ngoại và mợ tôi thì chui vào buồng mỗi người ngồi một góc cứ khóc rưng rức. Ăn xong bữa cơm ấy, cậu tôi bắt đầu ra đi trong sự quyến luyến bịn rịn của những người thân trong gia đình. Cậu tôi ôm lấy ngoại tôi, hôn lên trán ngoại và nói:

- Má phải vui lên chớ, con nay đã trưởng thành rồi mà. Con của má ra đi vì chí lớn, vì dân tộc thì má buồn làm gì.

Dẫu cậu tôi nói vậy, nhưng ngoại tôi vẫn buồn. Xưa nay có cuộc chia tay nào vui bao giờ đâu! Và người buồn nhất vẫn là mợ tôi. Cậu đến bên mợ lấy ngón tay lau hai dòng nước mắt lăn dài trên khóe mắt, rồi hôn lên trán, cậu tôi không quên dặn dò mợ:

- Ở nhà nếu có buồn thì về bên má (mẹ ruột của mợ) chơi cho khuây khỏa. Ráng nén nỗi nhớ chờ anh nhé!

Từ đó về sau, cậu tôi cứ đi biền biệt. Vì là đứa con trai cưng trong gia đình nên ai cũng nhớ đến cậu. Nhất là bà và mợ tôi cứ khóc hoài. Mỗi lần như vậy, ông tôi thường liên hệ ở “trong”, để mợ cùng với bà tôi vào tận trong vùng cách mạng để thăm cậu tôi.

Trên chiếc xuồng nhỏ chất đầy thức ăn mà cậu thích, ngoại tôi cũng không quên mang theo mớ hến và rau cải trời. Đợi lúc chạng vạng tối theo hướng dẫn của những người ấy, ngoại tôi cùng mợ vào thăm cậu giữa trời đêm lạnh lẽo.

Không khí nơi đó rất yên lặng, chỉ nghe tiếng máy dầm khua nước và những tiếng con chim nước gọi bầy mà thôi. Với khung cảnh như thế dễ làm người ta sợ hãi và lo âu. Vậy mà họ vẫn cứ đi giữa không gian rất cô tịch.

Như được hẹn trước, cậu tôi ngồi chờ trên một chòm gáo mọc hoang. Hai người gặp nhau mừng mừng tủi tủi, nước mắt của mợ đã thay lời nói nhớ thương cậu. Còn nỗi nhớ của cậu dành cho mợ là cái ôm thật chặt, cái hôn nồng thắm được đè nén, cất giữ trong những ngày xa cách:

- Em cố gắng chờ anh! Chừng nào đất nước được giải phóng, anh sẽ về bên em. Rồi chúng ta sinh những đứa con thật ngoan ngoãn dễ thương, để chúng ngoáy trầu cho ông bà! Lúc ấy chúng ta tha hồ nựng nịu, yêu thương cưng chiều.

Mợ tôi thổn thức:

- Không được! Em muốn những lời anh nói diễn ra bây giờ. Em không đủ nghị lực để chờ điều đó xảy ra một ngày, một giờ, hay một phút nào nữa!

Cậu tôi nói:

- Nếu hạnh phúc chỉ có mình anh và em được hưởng thì hạnh phúc đâu có trọn vẹn gì, đâu còn ý nghĩa gì.

Mợ tôi cãi lại:

- Em mặc kệ, vì em nhỏ nhoi không cao thượng như người khác. Em chỉ muốn ở bên chồng mình, được che chở và được nghe lời yêu ngọt lịm như đường, như mật thôi!

Cậu tôi giải thích thế nào mợ cũng không nín khóc, cho đến khi ở phía đông một vừng sáng bắt đầu hiện lên. Cậu tôi hôn mợ một lần nữa rồi lên chiếc xuồng nhỏ mất hút giữa cánh đồng bông súng mênh mông.

Dù gặp chồng những phút ngắn ngủi, vì bóng tối của màn đêm không còn cho phép hai người gần nhau được lâu hơn nữa, nhưng mợ tôi vẫn cảm thấy rất hạnh phúc. Nhiều khi những phút giây gặp mặt ngắn ngủi đến nỗi mợ cứ ngỡ đó như là vừa trải qua một giấc mơ đẹp.

Rồi về đến nhà lại cứ khóc, cha mẹ ruột của mợ thấy con gái mình đau buồn quá, mới bàn với ông bà ngoại tôi cho họ nhận lại đứa con gái. Ông bà tôi cũng đồng ý với lời yêu cầu bên nhà sui, tưởng là sẽ giúp mợ tôi nguôi ngoai nỗi buồn, rồi an tâm chờ chồng, cùng vui ngày đoàn tựu khi đất nước được giải phóng.

Nào ngờ sau hai năm tính từ ngày cậu tôi ra đi, mợ tôi lại có một đám cưới cùng với người khác. Nhận được tin này, cậu rất buồn, lòng cứ nao nao nhớ về mợ. Đồng đội thấy vậy nói lời an ủi cho cậu tôi đỡ buồn. Thế nhưng cậu tôi cũng cứng rắn lắm:

- Tôi không đem lại hạnh phúc cho cố ấy, thì thôi! Hãy để cho cô ấy có chồng đi. Mong rằng cô ấy hạnh phúc! Tuy bây giờ tôi có buồn, nhưng sẽ qua mau thôi mà.

Nói như vậy chớ ai cũng biết lòng của cậu tôi đau như ai xát muối. Còn gì đau hơn khi người mình yêu về bên người khác chứ! Chính vì vậy mà cái ngày đám cưới của mợ, cậu tôi có bí mật về nhà. Bà tôi, ông tôi lấy lời ngon ngọt khuyên răn:

- Ba thấy con Bé, nó không có lỗi gì đâu! Con đi biền biệt như thế, nó lại còn rất trẻ. Trong trường hợp như thế ai cũng cần đến chỗ dựa tình cảm mà!

Cậu tôi trả lời ông tôi:

- Con cũng biết thế, nên chỉ có biết buồn chứ đâu dám trách gì em ấy đâu ba!

Hôm ấy, bà tôi cũng nấu cho cậu một nồi canh hến. Không biết cậu có cười gượng hay không mà xem chừng bữa cơm gia đình rất vui vẻ. Ăn xong bữa cơm, cậu tôi lại chia tay ông bà tôi và trở lại vùng kháng chiến. Cũng không ngờ đó là nồi canh hến nấu với rau cải trời cuối cùng của cậu. Sau bữa cơm ấy, cậu tôi đã mãi mãi đi xa...

Vì vài ngày sau đó, trong làng quê nhỏ, đơn vị cậu tôi nhận được nhiệm vụ phục kích tàu tuần tra của Mỹ trên con sông quê tôi. Để chuẩn bị cho trận phục kích này, đơn vị của cậu phải chuẩn bị từ lúc đầu hôm.

Lúc nằm bên công sự chờ giặc tới cùng với đồng đội, cậu được lắng nghe tiếng gà gáy sang canh của chính quê mình, được nghe mái dầm khua động trên sông của những chiếc xuồng câu tôm qua lại. Được nghe tiếng trẻ thơ khóc nhè giữa đêm khuya và lời ru ngủ bằng tiếng à ơi nghe ngọt ngào khó tả.

Phía đằng đông, ánh sáng một vùng bắt đầu xuất hiện làm cậu nhớ tới lúc cậu còn nhỏ mỗi lần bà đi chợ cứ khóc rưng rức đòi theo, để nhặt những trái dưa hấu nhỏ xíu mà các bạn thương hồ bỏ trên mui ghe.

Hay nhớ đến những chuyến vào thăm chồng của mợ, bất chấp nguy hiểm để được gặp chồng trong những phút giây ngắn ngủi, cũng trong ánh sáng vừng đông như thế hai người chia tay trong cái ôm nhau thật chặt, thật ấm áp và cũng rất hạnh phúc...

Đang nghĩ ngợi bỗng nghe âm thanh ghê rợn của những chiếc tàu Mỹ bắt đầu đi tới. Tiếng súng ầm đùng loạn xạ bắn ra từ con tàu về phía hai bờ sông, đã đưa cậu tôi trở về với thực tại. Tiếng o... o... lẫn với tiếng ì đùng nghe ngày càng một gần hơn.

Theo sự điều động của người chỉ huy, tất cả tập trung vào vị trí chiến đấu. Lúc con tàu Mỹ đến gần hơn, một mệnh lệnh như sắt được đưa ra: “Các đồng chí chuẩn bị... Bắn!” Thế là âm thanh tiếng súng bắt đầu nổ. Tiếng của ai đó reo lớn “Trúng rồi”.

Một chiếc tàu Mỹ bốc cháy, một cụm khói đen kịch bốc lên từ trên con sông. Một chiếc nhỏ hơn bỏ chạy. Một hồi sau, những chiếc máy bay bắt đầu xuất hiện quần thảo bên bờ sông. Tiếng bom rơi đạn nổ như xé trời. Giữa lúc đó, đơn vị của cậu tôi được lệnh nhanh chóng rút lui:

- Các đồng chí rút lui theo kế hoạch!

Trên đường rút lui, cậu tôi rất thích thú vì có biết bao nhiêu hình ảnh quen thuộc đã từng gắn bó với tuổi thơ của cậu hiện ra. Trước mặt là con đường với lối mòn vệ cỏ, trải dọc theo lối đi là hàng cau sai trĩu quả. Từng căn nhà nép dưới rặng dừa lão cao vút. Trên thân cây còn trầy xước bởi những vết đạn của quân thù. Xa xa từ hướng lùm cây xanh ngắt đằng kia là ngôi nhà cậu với những người thân yêu.

Từ phía lùm cây ấy, một làn khói mỏng lan rộng trong sương sớm, làm cậu lại nhớ ông bà tôi, nhớ đến bữa cơm gia đình bên tô canh hến nấu với rau cải trời mà ngoại tôi phải dậy từ sớm bên bếp rơm ấm áp để vớt hến. Những cảnh ấy bắt đầu xa dần sau những bước chân hối hả. Đó cũng là lúc, cậu tôi đến vùng an toàn, bỗng nghe tiếng ai đó phát ra từ căn nhà bên ruộng dưa:

- Anh ơi, anh làm rớt cái gì!

Nghe vậy, cậu tôi quay lại nhặt lên, nhưng có tiếng hô thật lớn “Đừng nhặt!” Kèm theo khẩu lệnh đó là tiếng nổ của quả lựu đạn. Không ngờ tiếng nổ đó đã làm cậu tôi bị thương nặng. Nằm trên vòng tay đồng đội, hơi thở của cậu tôi cứ yếu dần.

Vậy mà, cậu còn như cố gượng dậy nghe tiếng khóc của trẻ thơ đâu đó vang lên, có thể do tiếng nổ lớn làm chúng giật mình. Cậu tôi chìm sâu vào giấc ngủ và trút hơi thở cuối cùng. Cái chết của cậu gây nên một nỗi đau đớn tột cùng đối với ông bà tôi khi đó.

Từ đó về sau, hễ đến ngày giỗ cậu, ngoại tôi đều nấu một nồi canh hến. Tuy là món ăn dân dã nhưng mọi người trong gia đình tôi ai cũng rất thích. Hôm nay, cái gió se lạnh lại về nữa rồi, nó như thầm nhắc đến tôi là sắp đến ngày giỗ cậu.

Bà ngoại cũng đang chờ mong lắm. Mỗi lần như thế tôi lại nhớ về ngoại. Một người tảo tần với cuộc sống nhưng cũng nặng tình với con cháu làng quê. Tôi thầm nghĩ không biết còn mấy lần được ăn nồi canh hến với rau cải trời mà ngoại nấu nữa đây!

Rồi trong đầu tôi lại xuất hiện biết bao nhiêu hình ảnh của ngoại. Với bàn tay gầy xương xương thoăn thoắt bên mớ dây mắc từng chiếc võng. Để sáng mai ra cho kịp buổi chợ. Với số tiến ít ỏi có được, ngoại tôi mua mớ cá bống trứng, hay mớ hến nấu với mớ rau vườn. Chỉ có thế thôi, nhưng ngoại đã tạo dựng được một ngọn núi tình thương cao ngất trong lòng con cháu, xóm làng. Đã đến ngày hẹn, tôi lại về.

Nhưng lần này ngoại tôi đã qua tuổi chín mươi ba. Tuổi già sức yếu ngoại vẫn cố gắng nấu một nồi canh rau cải trời thật ngon. Từ sáng ngoại đã lúi húi bên chái bếp. Trong làn khói bếp rơm mờ mờ, mắt ngoại đã yếu hơn. Tôi về từ rất lâu đứng ở góc căn nhà nhìn ngoại để lưu lại cái hình ảnh của ngoại trong tâm trí rồi mới cất tiếng gọi:

- Ngoại ơi, con về rồi!

Nghe tiếng gọi ngoại quay về phía tôi:

- Lê về rồi hả con!

Rồi ngoại cười khà khà, cái cười nghe hiền từ và dễ thương quá, làm tôi không kềm nén được những giọt nước mắt lăn dài trên má. Ngoại ngơi tay, giữa lúc ánh lửa bếp rơm vẫn còn hiện hữu bên nồi canh hến. Cái bếp rơm có hình bóng của ngoại đã làm cho căn nhà tôi trở nên ấm cúng vô cùng. Rồi ngoại lại mắng:

- Tổ cha mày nghe, để ngoại mong đến cháy cả ruột.

Ngoại lại kể về chuyện rau cải trời của vườn nhà mọc rất nhiều và rất tươi tốt. Ngoại mong con gần chết, sợ một ngày nó trổ bông thì có ngon nghiết gì nữa đâu. Nghe kể tôi mới hỏi ngoại:

- Hôm nay, ngoại có nấu canh cho con không?

Ngoại cười khà khà:

- Có chớ sao không? Thôi vào dọn chén đi, cơm canh chín hết rồi nè!

Và đó cũng là nồi canh cải trời cuối cùng ngoại nấu cho tôi. Cho cái thằng Lê trong tiềm thức của ngoại. Cho đứa con yêu mà nó đã vô tình bỏ ngoại đi xa suốt mấy chục năm trời. Cũng chính cái nồi canh dân dã ấy đã nối kết cái tình thương con không bao giờ nguôi trong lòng ngoại.

Để rồi một ngày, trí nhớ ngoại không còn được như xưa nhưng trái tim ngoại vẫn còn giữ được tiềm thức về đứa con yêu, ra đi vì đất nước vì đồng bào từ năm ấy! Cái lầm của ngoại về tôi đã tạo cho ngoại có một niềm hạnh phúc cuối cùng trong cuộc đời.

Sáng nay như thường lệ tôi lên lớp, bên các em thơ hồn nhiên, ký ức về ngoại tạm gác lại trong những giây phút ngắn ngủi. Không ngờ tôi nhận được bức điện “Ngoại đã yếu lắm rồi”. Tôi tức tốc trở về. Bên chái bếp, ánh lửa thôi cháy. Vài gùi rơm cháy dở vẫn còn đặt bên cạnh những chiếc nồi con con.

Cái lạnh lẽo bao trùm cả không gian bếp, rồi len vào mắt tôi, những giọt nước mắt len lén ứa ra nóng hổi trên mi mắt, rồi đè nén vào trái tim nhỏ bé của tôi. Lúc đó, trong ký ức tôi hình bóng ngoại hì hục vớt hến nấu nồi canh rau cải trời vẫn hiện hữu đâu đây. Như thường lệ tôi vẫn gọi:

- Ngoại ơi, con về rồi!

Ngoại cố gượng mở mắt ra hỏi:

- Lê... đã về, hả... con?

Ngoại cố nắm tay tôi thều thào: “ Nồi canh... rau cải trời....”. Chỉ nói được vẻn vẹn những lời đó thôi, rồi ngoại tắt thở về thế giới bên kia.

Tôi đến ngồi cạnh bên bà thầm nói: “Ngoại ơi! Con mong rằng sang thế giới bên kia ngoại gặp lại được thằng Lê thật sự của ngoại nhé. Và con sẽ không quên thay ngoại nấu nồi canh rau cải trời thật ngon. Cả nhà chúng ta cùng ăn mãi mãi. Và chắc chắn trong cuộc đời này không có cuộc chia xa nào như của ngoại diễn ra một lần nữa đâu”.

TP Vĩnh Long, tháng 4/2019