Truyện ngắn: Đò ơi!

Cập nhật, 09:51, Chủ Nhật, 17/05/2020 (GMT+7)

HOÀI PHƯƠNG

Đêm đã khuya lơ khuya lắc, Bảy Sơn vừa chợp mắt bỗng có tiếng ai đó gọi: “Đò ơi… đò ơi! Cho tôi qua sông. Vợ tôi chuyển bụng sắp đẻ rồi anh Bảy ơi!…”

Bảy Sơn lồm cồm ngồi dậy, dụi mắt, vói lấy cái áo khoác choàng lên vai rồi đi thẳng ra bến đò. Vừa thấy vợ thằng Tứ đang ôm bụng rên la, Bảy Sơn luýnh quýnh hối thúc mọi người xuống đò nhanh lên cho kịp, kẻo đẻ rơi đẻ rớt không nên.

Tranh minh họa: TRẦN THẮNG
Tranh minh họa: TRẦN THẮNG

Đây không phải là lần đầu tiên Bảy Sơn đưa rước đàn bà chuyển bụng qua sông mà cách nay hai năm, cũng vào mùa nước nổi, dòng sông chảy xiết, chiếc ghe tam bản, một người chèo, một người bơi mà vẫn không vào bờ nhanh được khiến cho một sản phụ đẻ rơi ngay trên đò.

Vì đêm tối, thiếu phương tiện cấp cứu nên hài nhi sau khi lọt lòng mẹ đã tử vong. Mãi cho tới nay, đã qua hai mùa nước nổi rồi mà hình ảnh thương tâm đó cứ ám ảnh trong đầu anh, làm cho anh vô cùng ân hận.

***

Bảy Sơn sinh ra trong một gia đình đông anh em nên phải tự bươn chải kiếm sống bằng nhiều nghề khác nhau. Từ bán bánh dạo, làm thuê, giăng lưới, đặt lờ… nghề nào anh cũng đổ bao mồ hôi nhọc nhằn nhưng nghèo vẫn hoàn nghèo.

Tuy xuất thân là một “Hai Lúa” nhưng Bảy Sơn cưới được người vợ rất hiền thục. Một hôm, khi chị Bảy lui cui dưới bếp thì anh gọi chị:

- Em à, em ra đây anh có chuyện này muốn bàn với em.

- Chuyện gì vậy anh?

- Thì cũng chuyện làm ăn thôi. Em có thể cho anh mượn số nữ trang của em đem bán, mua chiếc ghe tam bản được không? Sau này làm ăn khá giả anh sẽ chuộc lại đủ cho em.

- Mua ghe để làm gì anh?

- Để đưa đò em à! Con sông trước nhà mình không biết chừng nào mới bắc cầu. Nếu mình có chiếc đò ngang chắc chắn sẽ có cơ hội phất lên, chứ kiểu mua bán lặt vặt vầy hoài làm sao cất đầu lên nổi!

- Em sẵn sàng ủng hộ anh. Mình là vợ chồng có gì mà anh phải khách sáo.

- Biết rằng làm như vậy coi không được. Nhưng hoàn cảnh bất đắc dĩ nên mới cầu cứu em. Mai này trời phật, thánh thần hộ độ, làm ăn khá giả, anh sẽ chuộc lại tất cả cho em… Đừng buồn nghe em!

Mua được ghe rồi, Bảy Sơn bắt đầu mở bến. Lúc đầu anh chèo tay, chịu thương chịu khó, cắc cỏm từng đồng, nhịn ăn nhịn uống. Dần dần anh tích lũy vốn, sắm được đò máy, công việc làm ăn ngày càng khấm khá.

Với tinh thần cần cù, chịu khó và năng động, anh không thể bằng lòng với những chiếc đò thô sơ hiện có. Đặc biệt là chuyện người thiếu phụ đẻ rớt trên đò năm ấy càng thôi thúc anh tìm cách thay đổi phương tiện vận chuyển hành khách và hàng hóa nhanh hơn, an toàn hơn.

Từ ý tưởng đó, anh bắt đầu phác họa một kế hoạch táo bạo mà chưa hề ai nghĩ tới, đó là đóng trẹt (loại trẹt chở khách, quy mô nhỏ hơn phà) vừa chở được xe cộ, hàng hóa vừa chở được nhiều người. Sau ba tháng mày mò cùng các thợ đóng ghe xuồng, anh đã hoàn thành chiếc trẹt đầu tiên có thể chở được chừng ba chục hành khách và khoảng chục chiếc xe hai bánh.

***

Sáu giờ sáng hôm đó, bờ sông Kinh B đã khai trương bến đò đầu tiên chạy bằng trẹt. Hai bên bờ đông nghẹt hành khách, xe máy, xe đạp hàng mấy chục chiếc đang nối đuôi xuống đò.

Khách qua đò- nhất là người đi xe máy- đều hoan nghênh sáng kiến của anh Bảy. Trước kia hành khách qua sông thường bị trễ đò- nhất là học sinh chờ đợi lâu phải vô lớp trễ giờ. Giờ đây, ai cũng yên tâm, bến bãi an toàn cho dù là những ngày mưa gió.

Ngay từ những năm đầu khởi nghiệp, anh Bảy Sơn đã gắn bó máu thịt với đò. Cho dù nắng mưa, sớm tối anh cũng đều có mặt, bám sát các thuyền viên, không để cho xảy ra những điều gì đáng tiếc. Ngoài ra, anh còn thực hiện đúng các quy định về pháp luật như: báo hiệu bến thủy, các thiết bị an toàn, xây dựng cầu dẫn, nhà chờ, phao cứu sinh… Nhờ vậy mà hoạt động ở các bến bãi lúc nào cũng an toàn và hiệu quả.

Tuy chữ nghĩa không đầy lá mít nhưng nhờ có óc làm kinh tế, lại chịu khó học hỏi và yêu nghề nên không bao lâu anh đã trở thành một chủ đò với ba cộng sự viên đắc lực.

Đến các bến đò phà, nhắc tới tên Bảy Sơn hình như ai cũng biết anh là một người tốt bụng. Mặc dù gia đình giàu có nhưng anh lúc nào cũng tỏ ra từ tốn, giản dị nên rất dễ gần gũi và thân thiện với mọi người.

Anh tâm sự: “Mình xuất thân từ tầng lớp lao động nghèo nên mình rất thấu hiểu nỗi khổ của người nghèo và kiếp nghèo. Bây giờ đã đến lúc mình phải chung lưng góp sức cùng xã hội chăm lo cho người nghèo, người bất hạnh”. Mỗi lần địa phương có nhu cầu bắc cầu, sửa đường, xây nhà tình thương, hỗ trợ học sinh nghèo hiếu học là anh đều nhiệt tình hưởng ứng và vận động nhiều người cùng đóng góp.

Khi hỏi về động cơ làm việc thiện, anh tủm tỉm cười và nói thiệt tình: “Tui giúp bà con là vì cái tình. Chính vì vậy mà nửa đêm nửa hôm, dù có ai gọi đò tui cũng sẵn sàng chở đi cứu cấp. Đối với tui, hai tiếng “đò ơi” chẳng khác nào tiếng gọi từ trái tim. Linh tính mách bảo cho tôi biết nửa đêm nửa hôm mà có ai đó gọi đò là sẽ có chuyện chẳng lành xảy ra, một là bệnh hoạn, hai là tai nạn”.

***

Bà con hàng xóm kể lại có một đêm khoảng 11 giờ khuya, dưới bến đò có tiếng xôn xao, kẻ khóc người kêu cứu thất thanh:

- Hãy cứu con tôi! Anh Bảy đưa đò ơi… đò ơi… hãy cứu con tôi!

Anh Bảy vừa nghe đã tốc mùng chạy ra thì thấy một phụ nữ cùng xóm, nước mắt ràn rụa, còn chồng thì bồng một đứa bé độ mười tuổi, tay chân “quặt quà quặt quại”. Vừa thấy anh Bảy xuất hiện, người phụ nữ ấy van xin:

- Anh Bảy ơi làm ơn chở con tôi đi bệnh viện dùm. Nó bị sốt nặng hai ngày nay, đầu nóng như lửa. Tôi sợ quá anh Bảy ơi! Anh hãy cứu con tôi- chị vừa nói vừa quỳ xuống chắp tay lạy…

Anh Bảy Sơn tức tốc mở máy tàu chạy qua sông rồi dùng xe riêng của anh đưa đứa nhỏ đến bệnh viện cứu cấp. Lần đó, thằng nhỏ vượt qua được nguy kịch. Sau đó, ba má đứa nhỏ đến nhà anh Bảy cám ơn, đồng thời gởi cho anh- người đã cứu tử con mình- một số tiền gọi là tiền “đền ơn đáp nghĩa” nhưng anh Bảy nhất định từ chối.