Truyện ngắn: Tu hú gọi bầy

Cập nhật, 05:49, Chủ Nhật, 12/04/2020 (GMT+7)

NGÔ VĂN ĐỆ 

Tranh minh họa: TRẦN THẮNG
Tranh minh họa: TRẦN THẮNG

Út Duyên buông chiếc lọp cá xuống, chạy một mạch về nhà ông ngoại, bỏ sau lưng là cái nhìn sững sờ của mẹ chồng. Tôi nghe từ xa tiếng khóc nghẹn ngào trong vô vọng như cố bíu quấu cái gì đó sắp tuột khỏi tầm tay.

Đoạn đường về nhà hôm nay dường như xa hơn, mọi cảnh vật trở nên xa lạ với Út Duyên. Bụi tre già mỗi độ Út Duyên buột trâu nghỉ mát buổi trưa hè đã được thay bằng một trạm phát sóng to đùng, bãi lau sậy năm nào giờ đã là trung tâm xã. Những ngôi nhà xập xệ đã được thay bằng mái ngói đỏ tươi. Xóm nghèo bây giờ sắp trở thành xóm nhà lầu.

Ngót nghét thì cũng đã hơn 3 năm Út Duyên chưa được về thăm ông ngoại. Ngày Út Duyên theo chồng, của hồi môn chỉ vỏn vẹn chiếc vòng tay cẩm thạch của bà dì để lại. Đám cưới thì cũng đầy đủ nghi thức, mâm quả, rạp cưới cũng đôi liễn đỏ ửng trước cửa nhà. Cũng có sự góp mặt của cô bác gần xa, cùng những tiếng cười nói chúc cô dâu- chú rể trăm năm hạnh phúc...

Nhưng sao vẫn thấy thiếu một cái gì rất đỗi thân quen? Hình như trong nhà trừ ông ngoại với mẹ ra thì không ai buồn vì Út Duyên sắp phải theo chồng.

Tôi thấy trong mắt họ ánh lên niềm vui, nhưng không phải niềm vui chúc phúc mà là niềm vui tống khứ của nợ đi đâu đó thật xa, khỏi căn nhà này. Mặc dù bằng mặt không bằng lòng nhưng trong nhà không ai dám nói nặng một lời bởi còn sự hiện diện của ông ngoại. Có lẽ Út Duyên là người được ông ngoại yêu thương nhất.

Nhưng đó chưa phải là nguyên nhân ghẻ lạnh của họ hàng. Từ nhỏ, Út Duyên đã hoài nghi về tình cảm anh chị trong nhà đối với mình. Cùng là anh chị em với nhau sao lại không thương yêu lẫn nhau mà đem lòng xô đẩy, đố kỵ.

Những ngày lễ tết, anh chị thì mặc sức sắm sửa quần áo mới còn Út Duyên thì vẫn bộ quần áo phèn rám nắng. Nhiều lần ông ngoại kêu dì Ba dẫn Út Duyên đi sắm quần, áo mới nhưng dì Ba không ưng ý, cứ cãi lý với ông ngoại “Nó ở nhà chứ có đi đâu mà mua đồ đẹp chi tốn tiền, trong nhà còn biết bao nhiêu thứ phải lo, ba không thấy sao? Hết đồ mặc thì lấy đồ cũ của con mà mặc”.

Nhưng với sự cương quyết của ông ngoại rồi Út Duyên cũng được ra chợ nhưng điểm đến không phải sạp quần áo mà dì Ba thường mua mà là sạp chuyên bán loại vải, quần áo rẻ tiền.

Đến sạp quần áo, Út Duyên bẽn lẽn đi theo sau dì Ba như chú cừu non sợ sự tấn công của con người. Dì Ba kêu: “Vô lựa đi, thích bộ nào thì lấy”. Dì Ba không quên nói với theo sau một câu: “ Lấy cái rẻ rẻ thôi, mắc quá tao không có tiền trả đâu”.

Ngày tết, Út Duyên cũng chỉ quanh quẩn trong nhà. Sáng thì ra ruộng thăm trâu, tối thì vẫn lùa trâu về chuồng, có khác gì ngày thường đâu. Có lần mẹ thấy thương Út Duyên len lén dúi tiền vào tay Út Duyên muốn mua gì thì mua nhưng bị dì Ba với cậu Hai phát hiện, mẹ bị rầy la một trận.

Một mình mẹ làm sao chống chịu sức nặng của cả quả núi đè nặng lên tâm trí mẹ, gieo vào đầu mẹ những nghi kỵ, hoài nghi. Dần dà, dù mẹ có thương yêu, thương cảm cho Út Duyên nhưng cũng không đủ sức vượt qua rào cản.

Rồi tuổi thơ của Út Duyên cứ thế cũng qua, nhưng câu hỏi về sự lạnh lùng của anh chị trong nhà vẫn còn hằn sâu trong suy nghĩ của Út Duyên. Mãi sau này khi lớn khôn, Út Duyên mới hiểu tại sao mình bị chê bai, ghẻ lạnh của họ hàng, anh chị. Bởi vì Út Duyên là con người vợ thứ hai của ông ngoại và ba ruột của Út Duyên thật sự là ai vẫn còn là một câu hỏi bỏ ngỏ...

Ngày đó, bà ngoại mất khi còn khá trẻ, ông ngoại một mình sống lây lất nuôi đàn con cũng được mấy năm, rồi nặng gánh lo toan và sự cô đơn nên ông ngoại tiến thêm một bước. Trớ trêu thay, hai tháng sau bà phát hiện mình có thai.

Không biết thực hư như thế nào mà người ta cứ bàn ra tán vào: “Ai đời phụ nữ mang thai mà tới hai tháng mới biết, cái bụng thì như ba tháng” rồi người ta bàn tán chuyện lúc ông ngoại gặp bà. Bà còn vương vấn tình cũ, rồi lúc rước bà về thì bào thai cũng khoảng hơn một tuần...

Út Duyên lớn lên trong sự hoài nghi như thế và cô cũng không biết sao từ nhỏ đã gọi người ông là “ông ngoại” mà lẽ ra phải gọi là “ba”.

Ngày lấy chồng, Út Duyên khóc đến nao lòng, cạn cả nước mắt. Ông ngoại cứng rắn cũng không kiềm nén được những giọt nước mắt. Chú rể là người mà Út Duyên chỉ gặp mặt được vài lần, rồi với sự mách bảo của họ hàng “gả nó đi, nhà người ta giàu, chú rể lại là con út trong gia đình sau này nó về sung sướng tấm thân”.

Rồi ông ngoại đồng ý gả Út Duyên. Út Duyên cũng chỉ nghe theo lời ông ngoại chứ nào có tình cảm trai gái. Cứ tưởng lấy chồng giàu thì Út Duyên sẽ được sung sướng tấm thân nào ngờ số phận nghiệt ngã không buông bỏ cho Út Duyên.

Chính sự chào đời không rõ nguồn cội của Út Duyên mà số phận Út Duyên gian truân, lận đận. Chồng Út Duyên thì la cà nhậu nhẹt thâu đêm, vui thì về không thì qua đêm ở đâu đó. Mới mấy ngày đầu về nhà chồng mà Út Duyên đã phải sống với sự cô đơn, trống trải khiến nhiều lần Út Duyên bật khóc.

Út Duyên muốn chạy thật nhanh về nhà nhưng Út Duyên bỗng sựng lại bởi suy nghĩ, mình làm gì có nhà mà về. “Con gái lấy chồng như bát nước đổ đi”, “Trong nhờ đục chịu” mà biết ông ngoại có phải là ruột thịt của Út Duyên không mà về. Cộng thêm những lời mẹ chồng đay nghiến gieo vào đầu con trai bà lúc Út Duyên vô tình nghe được: “Con muốn làm gì thì làm, nó chỉ biết ở đây chứ nó có nhà đâu mà về.”

Những lời nói vô tình ấy làm tim Út Duyên đau như có con gì vừa cắn vào thật mạnh. Út Duyên nghẹn ngào. Tiếng nấc không thể thốt ra thành tiếng được, cứ phải nghèn nghẹn. Có đau khổ nào bằng khóc bằng bản năng mà vẫn phải kiềm nén bởi người khác.

Cũng nhiều lần Út Duyên cố hỏi ông ngoại về thân thế của mình: “Con có phải là con của ba hay, con là....” nhưng Út Duyên không thể nói hết câu. Có gì đó chặn lại ở cuống họng dù có cố cũng không phát ra tiếng được. Đáp lại Út Duyên vẫn là giọng cương quyết của ông ngoại: “Bây hơi đâu mà nghe lời xì xầm bàn tán từ bên ngoài, bây là con của ba chứ con của ai”.

Có phải ông ngoại thật sự là ba của Út Duyên hay ông ngoại biết sự thật mà cố giấu Út Duyên? Hay chính ông ngoại cũng không biết sự thật thân thế của Út Duyên?

Lấy chồng đã ba năm mà Út Duyên không mấy lần về thăm nhà, suốt ngày Út Duyên chỉ quẩn quanh với gian bếp, chiếc lờ, chiếc lọp ngoài vuông. Những ngày ông ngoại bệnh nặng nằm viện, Út Duyên không thể chăm lo được một ngày không thăm nom ông ngoại được một giây, một phút.

Hỏi xin phép đi thăm thì mẹ chồng Út Duyên gạt ngang: “ Ổng có phải ba mầy đâu mà về? Nhà mầy ở đâu? Ở đây hay là ở xóm nghèo đó? Nếu ở xóm nghèo thì mầy về đi, nếu là ở đây thì xuống lo cơm nước chồng mầy, sắp về rồi đó”. Út Duyên chỉ biết lủi thủi xuống nấu cơm mà lòng thì không thôi nghĩ về ông ngoại.

Ngày ông ngoại bệnh nặng đến mức bệnh viện trả về, Út Duyên chỉ đến thăm được đôi ba lần. Nhưng mỗi lần chỉ hơn nửa tiếng là Út Duyên phải trở về nhà chồng. Hôm nay cũng buổi chiều như thường ngày, Út Duyên phải ra ruộng thăm lờ, lọp, trông coi đàn vịt, bầy trâu ngoài đồng. Nhưng nhà ông ngoại không như mọi hôm. Hôm nay con cháu đã về đủ mặt hết, chỉ còn Út Duyên chưa về.

Trong những tiếng nói ngắt quãng, ông ngoại không ngừng gọi tên: “Duyên... con gái út của ba”. Út Duyên đã chạy về đến cửa nhưng đôi chân đột nhiên tê cứng lại không bước tiếp được: “Rốt cuộc người nằm trong kia có phải là ba ruột của mình không”. Út Duyên sợ cái cảm giác đối diện sự thật, cái thứ tình cảm bao năm sẽ bị vụn vỡ bởi rãnh khuyết máu thịt: “Hay mình đừng vô để trong lòng mình ba sẽ mãi là ba”.

Út Duyên muốn làm mọi cách để cố gìn giữ tình cảm ấy. Út Duyên sợ sự thật. Nhưng con tim đã mách bảo Út Duyên phải bước tiếp. Út Duyên bước đến gần giường bệnh, nhìn hình ảnh tiều tụy của ông ngoại, Út Duyên chỉ kịp bật khóc chứ không thể hỏi thêm câu gì. Bây giờ trong lòng Út Duyên hiện lên là những kỷ niệm ấu thơ, tình yêu thương của người ba đáng kính.

Ông ngoại cầm tay Út Duyên, tay run run trao một tờ giấy. Cậu Hai với chất giọng ồm ồm không ngừng gọi ông ngoại, tay thì cứ lắc lắc, càng lúc càng lắc mạnh dần lên: “Ba, con là thằng Hai con của ba nè! Ba có gì muốn nói với con không ba?”

Cậu Hai sợ ông ngoại đưa nhầm tờ di chúc cho Út Duyên. Mặc kệ lời nói của cậu Hai, ông ngoại cứ nắm chặt tay Út Duyên và dúi tờ giấy vào tay Út Duyên. Trong tờ giấy đó có gì?

Ông ngoại để lại cho Út Duyên tài sản hay bí mật mà ông ngoại đã cố giấu kín trong những năm tháng qua? Mọi người lặng im, ánh mắt không ngừng dò xét tờ giấy. Út Duyên nhẹ nhàng mở tờ giấy với đôi tay run run, khuôn mặt nhợt nhạt theo độ mở của tờ giấy.

Nhưng khi mở toang tờ giấy ra thì đấy chỉ là một tờ giấy ghi đầy đủ họ tên, năm sinh, sở thích của từng đứa con. Thằng Hai thích nhất món sương sáo bánh lọt, thích được ba cõng đi chơi. Con Ba thích món bánh tằm, thích được mua quần áo đẹp. Con Út thích xem ca nhạc, thích được nhổ tóc ngứa cho ba...

Ông ngoại hướt một hơi thật dài rồi ra đi!

Út Duyên chưa hỏi được điều gì, chỉ kịp nhìn ông ngoại lần cuối. Giây phút đó chắc suốt đời Út Duyên không quên được. Út Duyên gào thét như ai đã cướp đi thứ gì rất quý giá của Út Duyên. Ngày đưa ông ngoại về đất, trời đổ mưa lớn. Giọt nước mắt của người ở lại hòa vào những giọt mưa tan theo dòng nước đổ về sông Tiền. Chắc lòng ông ngoại cũng mênh mông như nước con sông Tiền.

Hôm nay tu hú lại kêu chiều, có một người nhớ nhiều về tuổi thơ...