Thơ chọn và lời bình

Tết nhớ Lang Liêu

Cập nhật, 22:14, Thứ Hai, 16/03/2020 (GMT+7)

Tết nhớ Lang Liêu

 

Nguyễn Hữu Quý
(Báo Nhân Dân Tết Nhâm Ngọ 2002)

 

Lang Liêu ngồi gói đất trời

Bốn nghìn năm chẳng đánh rơi vuông tròn

Xanh rờn một dải nước non

Thảo thơm muôn thuở vẫn còn thảo thơm!

 

Ta về lại chốn rạ rơm

Tay bưng nếp tẻ dạ thơm người hiền

Tre non tẽ lạt dã điền

Buộc mưa tháng Chạp nối liền tháng Giêng

Mưa gì mưa cứ bay nghiêng

Đài hoa thụ rét đêm thiêng giao thừa

Vẫn còn có một ngày xưa

Ở trong trời đất mới vừa sang xuân

 

Lòng thành chỉ nén hương trầm

Phải đâu cao cỗ đầy mâm, mới là

Cỏ cây nguyên đán cùng ta

Nhớ Lang Liêu thuở vua ra cày đồng.

Tết nhớ Lang Liêu

Lời bình

Mỗi dịp tết đến xuân về, chúng ta lại càng thêm nhớ về cội nguồn dân tộc, lòng thành kính bái vọng tổ tiên trước bàn thờ thơm thoảng khói trầm với mâm ngũ quả, với bánh chưng xanh... Và tình cảm thiêng liêng ấy của mỗi người Việt Nam đã được nhà thơ quân đội Nguyễn Hữu Quý nói hộ qua bài thơ “Tết nhớ Lang Liêu”:

Lang Liêu ngồi gói đất trời

Bốn nghìn năm chẳng đánh rơi vuông tròn

Xanh rờn một dải nước non

Thảo thơm muôn thuở vẫn còn thảo thơm!

Bài thơ được mở đầu bằng hình ảnh rất đỗi bình dị, gần gũi mà linh thiêng trong đời sống tâm hồn của mỗi người dân Việt. Lang Liêu- vị anh hùng dân tộc trong lĩnh vực văn hóa, đang “sáng tạo” ra bánh chưng, bánh giầy- một “đặc sản”, một “kiệt tác” của nền văn minh lúa nước.

Bằng nghệ thuật ẩn dụ và hoán dụ, khổ thơ đầu vừa khái quát vừa gợi tả một không gian đậm màu sắc truyền thuyết và tâm linh. Ta như thấy vua Hùng với đôi bàn tay tài hoa đang khéo léo, tỉ mỉ và nâng niu “gói” cả tình yêu ruộng đồng, cây cỏ, “gói” tất cả “thảo thơm” của đất trời, của cuộc sống vào trong lớp lá vông xanh.

Hình ảnh Lang Liêu cũng chính là hình ảnh của bao người dân Việt suốt bốn ngàn năm đã không ngừng sáng tạo và gìn giữ những phong tục tập quán, những vẻ đẹp truyền thống của nền văn hóa Việt Nam ta.

Khổ thơ đầu “gói” lại là để những khổ thơ sau “bóc” ra, mở ra một miền dân gian với những rạ rơm, nếp tẻ, tre lạt, mưa bụi… Những hình ảnh của làng quê và mùa xuân đã đưa chúng ta hành hương về với nguồn cội, gắn kết hiện tại với quá khứ dân tộc.

Trong đời sống tâm hồn người Việt Nam, vua Lang Liêu gắn liền với bánh chưng, bánh giầy, gắn liền với Tết cổ truyền và mùa xuân đất nước nên có sức sống lâu bền giữa không gian và thời gian vô thủy vô chung. Vì vậy, chúng ta cảm nhận có một “ngày xưa” nhưng vẫn luôn mới mẻ “ở trong trời đất mới vừa sang xuân”…

Lòng thành chỉ nén hương trầm

Phải đâu cao cỗ đầy mâm, mới là

Cỏ cây nguyên đán cùng ta

Nhớ Lang Liêu thuở vua ra cày đồng.

Khổ thơ cuối như là cái đích của cuộc “trở về” này, đó chính là cội nguồn của cảm xúc, giúp tâm hồn mỗi chúng ta được tươi mới, tinh khôi, trong ngần như cỏ cây, trời đất vậy! Giữa thời khắc “giao thừa cảm xúc” ấy, mỗi chúng ta lại như được diện kiến các vua Hùng giữa mùa xuân truyền thuyết để cùng làm bánh chưng bánh giầy, cùng dâng lễ vật…

Câu đầu và câu cuối của bài thơ đều xuất hiện hình ảnh vua Lang Liêu khiến chúng ta liên tưởng đến sự “vuông tròn”, vẹn toàn một dải của trời đất, của giang sơn, của mùa xuân dân tộc.

Với thể thơ lục bát truyền thống cùng những hình ảnh đậm màu sắc dân gian, bài thơ “Tết nhớ Lang Liêu” của nhà thơ Nguyễn Hữu Quý đã khơi gợi những cảm xúc thuần khiết, thiêng liêng trong sâu thẳm tâm hồn mỗi chúng ta. Đó là một nén tâm hương dâng lên ngợi ca và tri ân công đức các vua Hùng cùng các thế hệ cha ông…

TRẦN VĂN LỢI