Chuyện tình anh bộ đội

Cập nhật, 12:13, Chủ Nhật, 17/11/2019 (GMT+7)

TRUNG NGÔN

(Phần tiếp theo)

 Tranh minh họa: Trần Thắng
Tranh minh họa: Trần Thắng
Anh Hai Hòn- Đại đội phó Đại đội 55- đã cưới chị Út Trọn là chị em bà con bạn dì ruột của cô Út. Hôm anh và Tám Thiện đi công tác về, ghé nhà Năm Lẹ nhậu lai rai. Trong tiệc rượu, anh Hai Hòn nói:

- Tôi thấy thằng Tám Thiện với cô Út nhà này hợp với nhau lắm. Hay là cho tụi nó tới luôn đi, dì dượng Năm thấy sao?

- Tui thấy tụi nó xứng lắm đó, nhưng không nghe đứa nào nói gì hết, biết tụi nó có muốn tiến tới yêu đương, cưới hỏi gì không?- chị Năm Lẹ ngồi trên bộ vạt tre kế bên nói.

Anh Hai Hòn day qua hỏi Tám Thiện:

- Ý mày như thế nào hả Tám?

Tám Thiện mắc cỡ đỏ mặt, nói lí nhí trong miệng:

- Dạ, tôi chưa có dịp nói chuyện tình cảm với cô Út!

Anh Hai Hòn nói:

- Hai đứa cũng lớn hết rồi, với lại bây giờ là thời chiến tranh, nay đóng quân chỗ này, mai đóng quân chỗ khác, phải tận dụng thời gian ở gần nhau. Tôi tính vầy: cơm nước xong tôi lội bộ về nhà vợ, dì Năm cho dì Út nó chống xuồng đưa thằng Tám về đơn vị. Trên đường đi, tụi nó muốn nói gì với nhau thì nói. Ý kiến tôi vậy, dì Năm thấy sao?

Chị Năm Lẹ cười, gật đầu đồng ý.

Bình thường cô Út chống xuồng ba lá rất giỏi, nhưng hôm nay cô luống ca luống cuống, thiếu chút nữa thì chiếc xuồng bị lật. Tám Thiện ngồi trên xuồng lâu lắc mới nói với cô Út:

- Phía trước có cái cây phủ bóng mát xuống kinh, mình dừng lại ở đó nói chuyện một chút rồi hãy đi tiếp nghe cô Út!

- Dạ. - cô Út nói lí nhí trong miệng.

Chiếc xuồng dừng lại dưới bóng cây, Tám Thiện ấp a ấp úng hồi lâu mà chưa nói được thành lời. Lạ thật, lúc đánh trận Tám Thiện linh hoạt, dũng mãnh bao nhiêu thì bây giờ mụ mẫm bấy nhiêu. Khi còn đi học ngoài thành, Tám Thiện đọc nhiều quyển tiểu thuyết diễm tình, bài bản cua gái trong tiểu thuyết thuộc như cháo chảy, vậy mà bây giờ quên sạch. Thu hết can đảm, Tám Thiện nói với cô Út:

- Lúc nãy cô Út có nghe các anh chị nói về 2 đứa mình chớ!

- Dạ, em có nghe.

- Anh đã có lòng yêu em từ lâu nhưng chưa dám nói. Út ơi, anh yêu em!

Cô Út cúi đầu, mặt đỏ như trái gấc chín, không trả lời. Tám Thiện hỏi tiếp:

- Út ơi, em có yêu anh không?

- Dạ có!

- Mình tiến tới hôn nhân, thành vợ thành chồng với nhau nhé!

- Anh hỏi ba má em á, ba má đồng ý thì được, chớ em không dám tự tiện...

- Anh sẽ nhờ người lên Vĩnh Long rước cha mẹ anh xuống gặp ba má em xin cưới em cho anh. Em đồng ý chớ?

- Dạ.

- Mình nắm tay nhau ước thệ nhé!

Họ nắm chặt tay nhau, ánh mắt 2 người nhìn nhau âu yếm thay muôn lời yêu thương muốn nói!

-o0o-

Ông bà Sáu mừng như bắt được vàng khi nghe bà Hai nói Tám Thiện nhờ lên rước ông bà xuống Càng Long coi mắt cô dâu. Bạn trang lứa nó ở quê đã có vợ con hết, còn nó mãi đi chinh chiến. Sau trận đánh vào TX Vĩnh Long đợt Tết Mậu Thân, nó đi biền biệt không biết sống chết ra sao; gần 3 năm nó mới nhờ được người lên rước mẹ xuống thăm lúc đang nằm quân y trị các vết thương khi đánh trận Ba Si. Ông bà Sáu hỏi thăm, bà Hai cho biết cha mẹ cô Út cũng thứ sáu, cùng tuổi với ông bà đây, gia đình làm nghề nông, cô Út cũng khá xinh đẹp và giỏi giang việc nhà, việc đồng áng.

Khi xuống tới nhà Năm Lẹ ở Càng Long, mọi việc diễn ra suôn sẻ. Cha mẹ đôi bên đều đồng ý tác hợp cho Tám Thiện và cô Út nên duyên chồng vợ. Anh Chín Chắc- Đại đội trưởng- nói theo quy định: “Cán bộ trung đội bậc trưởng trở lên muốn cưới vợ phải làm lý lịch bên vợ và đơn xin cưới vợ gởi cho trung đoàn, khi có quyết định của trung đoàn đồng ý cho cưới vợ thì mới được cưới”. Anh nói thêm: “Đó là thủ tục bắt buộc, nhưng với gia đình tốt với cách mạng như ông bà Sáu đây thì tin chắc là trung đoàn sẽ chấp thuận”.

Đêm đó, Tám Thiện và ông bà Sáu ở lại nhà Năm Lẹ. Đã khuya, mọi người đang ngủ thì nghe tiếng xuồng ghé bến. Anh Sáu Chà- Trung đội trưởng pháo cối 82 ly- lên nhà nói tiểu đoàn có lệnh phải pháo kích Chi khu Càng Long ngay trong đêm nay, nên rước Tám Thiện ra trận địa đo đạc điều chỉnh cự ly, góc bắn cho khẩu đội pháo 82 ly. Tám Thiện nói với ông bà Sáu và Năm Lẹ chuẩn bị vô tảng xê khi pháo bắn. Còn Tám Thiện thì mượn xuồng của Năm Lẹ chống ra chỗ đặt pháo, điều chỉnh, kiểm tra cự ly, góc bắn xong giao lại cho khẩu đội pháo rồi chống xuồng về nhà Năm Lẹ. Lên nhà được vài phút thì ngoài trận địa anh em đã bắn pháo ra hậu cứ Trung đoàn 14 Sư đoàn 9.

Địch phản pháo, bắn mấy chục trái pháo 105 ly về phía trận địa pháo của ta, tiếng nổ đinh tai nhức óc. Pháo nổ cách xa nhà Năm Lẹ chừng 700- 800m. Ngồi trong tảng xê, ông bà Sáu cứ lo ngai ngái, không biết anh em mình có bị nguy hiểm không? Tám Thiện nói: “Cha mẹ cứ yên tâm, tụi nó bắn đạn pháo nổ phía sau trận địa của tụi con xa lắc, anh em con không bị gì đâu!” Tám Thiện ngoài miệng nói tỉnh khô như vậy, nhưng trong lòng rất thương cha mẹ, xuống lo vợ cho mình mà phải chịu một trận pháo bắn gần sợ mất hồn mất vía!

Sáng sớm hôm sau, trước khi về ông bà Sáu còn dặn Tám Thiện: “Khi được trung đoàn chấp thuận cho cưới vợ thì nhờ người lên cho cha mẹ hay để lo cho con!”

-o0o-

Tám Thiện gởi đơn xin cưới vợ thì anh Ken- Trung đội trưởng Trung đội pháo SKZ.75- (cùng Đại đội với Tám Thiện) cũng gởi đơn xin cưới vợ. Vài ngày sau, toàn đơn vị học chiến thuật Đặc công hóa. Cuối tháng 4/1971, Trung đoàn 3- Tiểu đoàn 306 chủ công đánh tiêu diệt Chi khu Càng Long. Trận đánh này, khẩu đội pháo SKZ. 75 của Đại đội 55 bắn 7 quả đạn hủy diệt đồn Lộ Mới. Pháo bắn xong, đơn vị rút về căn cứ. Tám Thiện cùng hơn 10 tay súng ở lại đón đánh bọn lính Sư đoàn 9 đóng dã ngoại ở Mỹ Huê kéo về tăng viện. Nhìn thấy dinh quận bị cháy cộng với không liên lạc được với bọn bên trong, bọn lính bên ngoài dừng lại cách chỗ Tám Thiện chừng 200m, không dám về cứu viện cho bọn trong chi khu.

Đánh tiêu diệt Chi khu Càng Long xong, Tiểu đoàn 306 được lệnh vượt sông Măng về Vĩnh Long đánh địch.

Tám Thiện biết tin hành quân chuyển địa bàn, tranh thủ qua thăm từ giã. Họ từ biệt nhau trong ánh mắt yêu thương, cô Út không dằn lòng được đã lệ nhòa khóe mắt!

Về đến địa bàn Tam Bình chừng nửa tháng, Tám Thiện và anh Ken nhận được quyết định của Trung đoàn cho phép cưới vợ. Anh Ken bàn với Tám Thiện:

- Hai thằng mình về Càng Long cưới vợ nhé!

Tám Thiện suy nghĩ một lúc rồi nói:

- Không được đâu Ken ơi. Bây giờ đồn bót đóng dày đặc. Lúc mình đi lên đông cả tiểu đoàn, tụi lính phục kích dọc đường có thấy cũng phải dạt ra cho mình đi. Còn bây giờ đi về chỉ có 2 người, tôi sợ là mình bị lính phục kích bắn chết dọc đường, không về được tới nhà vợ để làm đám cưới đâu!

- Muốn cưới vợ mà không về gặp vợ thì cưới hỏi làm sao được hả trời?- anh Ken nói.

- Tôi tính vầy: Tôi sẽ nhờ người về nói với cha mẹ tôi xuống Càng Long cưới vợ cho tôi mà vắng chú rể, chị của tôi sẽ đóng vai chú rể thay tôi rồi rước dâu về nhà tôi ở Tam Bình. Khi có điều kiện thuận lợi, tôi sẽ móc nối cho vợ tôi lên thăm. Thà chờ đợi mà bảo toàn được mạng sống, để còn gặp vợ đó Ken ơi!

- Tôi thì kiên quyết đi về, anh ở lại mạnh giỏi mà chờ gặp vợ!

Ken đi về Càng Long. Chừng 10 ngày sau thì đơn vị được tin Ken bị bọn lính biệt kích Càng Long bắn chết. Bọn lính biệt kích đột kích vô chỗ vườn của chị Tư Trò, bắt chị Tư Trò (chị vợ) và Bảy Cả là vợ sắp cưới của anh Ken trói lại, nhét giẻ vào miệng. Khi anh Ken đi tới cách chừng 10m, một thằng lính bắn anh cả 1 băng đạn AR.15. Anh ngã xuống chết trước mắt người vợ sắp cưới! Tụi lính đến móc túi anh Ken lấy tiền bạc, giấy tờ, lấy cái ba lô của anh, đá cái xác anh mấy cái rồi rút về ngoài chợ quận Càng Long. Chị Tư Trò và Bảy Cả lần dây mở trói cho nhau. Bảy Cả chạy đến ôm xác anh Ken, máu anh còn đang rỉ ra nóng hổi thấm ướt vào thân thể chị. Chị xỉu lên xỉu xuống, khóc không ra tiếng, nói chẳng nên lời. Còn đau xót nào hơn! Cứ ngỡ là sẽ có được niềm vui cài hoa cưới, nào ngờ đâu nó được thay bằng một chiếc khăn tang!

Nếu như hôm đó Tám Thiện cùng đi về với anh Ken thì chắc cả hai đều chết rồi!

-o0o-

Trong vùng đóng quân ở Hậu Lộc (Tam Bình), Tám Thiện gặp được người quen trước ở cùng quê. Tám Thiện nhờ về nhà mình nói với cha mẹ xuống Càng Long cưới vợ cho mình mà vắng chú rể.

Cha mẹ và chị Bảy của Tám Thiện đi xuống nhà ông bà Sáu ở Lộ Mới (quận Càng Long) cưới cô Út cho Tám Thiện. Gia đình cô Út tổ chức nấu mâm cơm cúng gia tiên. Chị Bảy thay thế Tám Thiện cùng cô Út làm lễ với ông bà tổ tiên đã khuất và cha mẹ đôi bên, Chị Bảy đeo bông tai và nữ trang cho cô Út. Cô Út nhìn thấy cha mẹ đôi bên và nhiều bà con có mặt khóc. Cô Út biết đó là nước mắt thương mình và người chồng đang chiến đấu ở chiến trường xa! Hai gia đình dùng cơm thân mật với nhau xong, thì cha mẹ Tám Thiện xin rước cô dâu về nhà chồng. Chị Bảy một tay xách va ly, một tay nắm tay cô Út cùng đi ra lộ đón xe đò về Vĩnh Long! Về đến nhà, ông bà Sáu thắp nhang đèn cho chị Bảy với cô Út làm lễ ông bà bên nhà chồng. Chị Bảy dẫn cô Út nhập phòng. Chị Bảy nói:

- Mợ Tám ơi, bây giờ chị ở chung phòng với em cho vui. Chừng nào cậu Tám nó về chị sẽ trả em cho cậu Tám nó nhé!

Đêm tân hôn ngủ ở nhà chồng mà nằm thui thủi bên cạnh người chị chồng, cô Út thao thức không ngủ được. Nỗi niềm nhung nhớ người chồng chưa được một lần gần gũi, nhớ dáng đi, giọng nói của anh; nhớ lúc anh tỏ tình: “Út ơi, anh yêu em” nghe ngọt dịu làm sao! Con thằn lằn trên mái nhà chắc cũng thông cảm với hoàn cảnh cô đơn của cô Út nên tặc lưỡi liên tục, cô thầm khóc một mình, nước mắt chảy ràn rụa ướt chiếc gối thêu đôi chim hạnh phúc! Cô thiếp đi trong giấc mơ đẹp được đoàn tụ với chồng…

Khoảng 10 ngày sau, có người quen của gia đình xuống nói Tám Thiện nhờ rước vợ lên chỗ đơn vị đóng quân. Bà Sáu bắt một cặp vịt xiêm, nhờ đứa cháu ở xóm chạy ra tiệm mua trà bánh, kháp rượu nếp nấu cho ông Sáu, còn mấy lít bà trút hết vô thùng nhựa, bảo đem lên cho anh em ở chung đơn vị của Tám Thiện.

Chiếc tam bản gắn máy đuôi tôm vừa ghé bến đã thấy Tám Thiện đứng chờ sẵn, nắm tay cô Út dắt lên bờ. Mấy anh em trong đơn vị cũng xuống cầm vịt, rượu trà lên. Sau khi thăm hỏi xong, anh Út Thao là Đại đội phó, nói:

- Hai đứa nó từ ngày cưới tới nay mới được gặp nhau, phải cho tụi nó tận hưởng hạnh phúc riêng tư. Tao tính vầy: Cặp vịt này nấu cháo, số cá tát hố bom ngày hôm qua còn lại cũng bộn, đem nướng trui một mớ, nấu canh chua một mớ, kho một mớ, cộng với số khô cá chạch, cá lóc đem nướng thì mình cũng được một bữa tiệc ngon lành rồi, coi như đây là tiệc cưới của tụi nó đi. Còn 2 thằng lính nhỏ này- anh chỉ tay vào 2 em bộ đội trẻ- qua liếp bên kia đào đất đắp lên mặt liếp một cái nền nhỏ cao chừng một tấc để trời mưa không bị ngập nước, lấy vải cao su che một cái lều để chống mưa. Xong rồi coi cái công sự kế bên có rắn rít gì không- anh quay qua cô Út- vì “Em ơi có chồng pháo binh, Đêm tân hôn nó bắn rung rinh cái mùng!” Nếu tụi pháo binh của địch nó phản pháo thì 2 đứa nó có chỗ mà ẩn núp!

Anh em cười vang vì lối nói đùa có duyên của anh Út Thao. Anh Mười Tài hưởng ứng:

- Chừng nào mấy đứa tôn nền, che lều xong, qua chỗ tao khiêng tấm vỉ sậy qua đó lót cho 2 đứa nó nằm đỡ đau lưng!

Anh em lại cười vang, còn cô Út thì mắc cỡ đỏ mặt tía tai, không biết lánh mặt ở đâu. Bữa cơm chiều hôm đó cô Út chỉ ăn qua loa mấy miếng. Anh Mười Tài biết ý, gắp thịt cá, múc cháo để riêng bảo Tám Thiện chút nữa mang về lều vợ chồng cùng ăn thêm.

Màn đêm buông xuống, trong vườn hoang nơi đóng quân cây cỏ rậm rạp nên muỗi nhiều vô kể, cũng kêu như sáo thổi không thua bầy muỗi đói của bác Ba Phi bao nhiêu. Vợ chồng Tám Thiện nằm trong mùng tránh muỗi, bao nhiêu tâm tình thương nhớ, bao nhiêu tình cảm chứa chan họ trao hết cho nhau…

Họ sống gần nhau được 3 hôm. Chiều ngày thứ 3, anh Út Thao đi họp trên tiểu đoàn về, nói với Tám Thiện:

- Sáng mai mày cho vợ về đi. Tiểu đoàn nói là địch sắp đánh lớn vào vùng này đó!

Tám Thiện cùng 2 em bộ đội trẻ bám ra vùng ven nhờ người quen sáng mai đưa vợ về dùm.

Đêm đó, vợ chồng quấn quýt yêu thương nhiều hơn, vì khi chia tay nhau ngày tái ngộ không hẹn trước được, chiến tranh ác liệt quá mà anh là bộ đội trực tiếp chiến đấu biết có còn sống để gặp lại nhau không! Vợ chồng chưa kịp quen hơi thì ngày mai đã xa cách nhau rồi, mỗi người một phương mang nỗi sầu ly biệt! Họ động viên nhau hãy gác tình riêng để anh lo việc nước, em thay anh đỡ đần chăm sóc cha mẹ già, ngày chiến thắng anh về cùng em đắp xây hạnh phúc, vẹn tình non nước đẹp tình ta!

(Mời xem tiếp trên VLCN kỳ tới)