Truyện ngắn: Tam Hợi vàng

Cập nhật, 16:14, Chủ Nhật, 13/10/2019 (GMT+7)

NGUYỄN VĂN DÔ

 “Ở xứ Lung Lá, tưởng gì không có chớ cá phi mùa này thiếu cha gì! Tao đánh một dạo lưới mặc sức cho mà ăn”.

Đó là lời giới thiệu của chú Út tôi. Bất kỳ ai khi mới nghe qua lời giới thiệu ấy mà chưa đến xứ Lung Lá thì cứ tưởng đó là lời nói dóc. Nhưng không, lời nói của chú Út tôi có thật trăm phần trăm. Có lần tôi đã tận mắt chứng kiến điều đó.

Tranh minh họa: Trần Thắng
Tranh minh họa: Trần Thắng

Chiều mùng năm tháng năm, ngoài trời mưa lâm nhâm, những đám mây đen kịn cứ cuồn cuộn kéo đến. Chú Út biết ngày mai tôi trở về Vĩnh Long nên gọi điện rủ tôi đi thả lưới ở dưới vuông nuôi tôm sú để bắt cá phi mang về nhà ăn. Cánh đồng nuôi tôm rộng mênh mông. Mỗi vuông nuôi tôm có diện tích hàng chục công (tầm lớn), xa xa mọc lên cái chòi nhỏ được lợp bằng lá dừa nước. Đó là cái chòi của người dân ở để giữ tôm.

Đúng hẹn, tôi lội ra tới bờ kinh xáng. Lúc đang nhìn dáo dác xung quanh thì từ xa tôi đã thấy chú Út đang bì bõm lội dưới vuông thả lưới. Vừa thả lưới xong, chú quây lại móc đất sình quăng xung quanh hai bên chỗ thả tai lưới. Lúc đó, trời cũng đã dứt hột mưa. Tôi đang đứng trên bờ vuông thấy mấy con cá đâm vào lưới vẫy tung tóe nước thật thích. Đang lúc tôi say sưa ngắm nhìn, thì chú Út bảo tôi:

- Xách cái xô lội xuống đây!

Chú Út còn cẩn thận dặn tôi:

- Mầy lội từ từ thôi, coi chừng đạp phải miểng ốc đó nghen. Ba cái con chuột, nó ăn mấy con ốc bươu vàng, rồi tha bỏ vỏ tùm lum tùm la hết trơn hà. Đi không khéo là đứt chưn như chơi nghen!

Tôi cầm cái xô từ từ lội xuống vuông. Tôi lội đến chỗ điểm đầu của tai lưới, nơi chú Út đang đứng chờ. Chú Út kéo nhẹ một đầu tai lưới đưa lên khỏi mặt nước, cá phi dính dày bịt, có đùm, có đùm, con nào con nấy to đùng vậy đó. Chúng nhảy loạn xì ngầu trên tai lưới. Chú Út đưa một đầu tai lưới cho tôi rồi nói:

- Mày cuốn lưới đi, để tao gỡ cá cho mau. Mầy không biết gỡ, cá đâm vào tay đó.

Chú Út đi trước gỡ cá. Tôi đi phía sau vừa cuốn lưới, vừa vịn cái xô đựng cá từ từ đẩy đi. Tai lưới ba màng dài độ chừng trăm mét. Chúng tôi gỡ gần một tiếng đồng hồ mà chưa được phân nửa tai lưới. Thỉnh thoảng, tôi thấy xót ruột, nên tôi nghĩ ra cách dùng hai chân kẹp cái xô rồi gỡ cá phụ ổng cho mau. Tay tôi vừa đụng vào con cá, nó lại nhảy lách chách, cuốn tròn tai lưới, vây nó đâm vào tay tôi rướm máu. Thấy vậy, chú Út trách:

- Thấy chưa, tao đã nói rồi mà mày không chịu nghe. Coi vậy chớ nó đâm nhức thấy mồ tổ luôn à nghen.

Chỗ chúng tôi thả lưới chỉ cách nhà thằng Trạng chừng vài trăm mét. Một căn nhà lá cất trên bờ kinh xáng, xung quanh toàn là những vuông nuôi tôm theo kiểu thả nuôi tự nhiên. Thằng Trạng ra đứng phía sau hè, thấy chúng tôi đang cặm cụi gỡ cá, nó chụm hai tay lại để trước miệng gọi thật lớn:

- Ui! Ui! Giăng lưới xong, ông với anh Ba vô nhà tui bàn công chuyện chút nghen!

- Ừa!

Chú Út ngước mặt lên trả lời thằng Trạng. Nhìn vẻ mặt của chú, tôi đoán là ổng biết thằng Trạng kêu nói chuyện gì. Nhưng tôi giả bộ không biết và hỏi:

- Nó kêu mình vô trỏng không biết có chuyện gì hông cà?

Chú Út đưa mắt nhìn tôi, chú cười khanh khách rồi nói với tôi:

- Có chuyện gì đâu mầy ơi! Nó kêu mình vô nhậu đó! Hôm nay là mùng năm tháng năm. Chắc nó có làm món gì đó cúng nên nó mới gọi tao với mầy. Thôi, tranh thủ gỡ nhanh rồi tao với mầy vô nó chơi một chút hen.

- Ừa, đi thì đi!

Nội tôi có hết thảy mười người con. Ba tôi thứ hai, má của thằng Trạng thứ ba, chú Út là thứ mười một. Mặc dù chú Út vai lớn, nhưng tôi, chú Út và thằng Trạng đều có cùng một tuổi- tuổi Hợi, mà là Quý Hợi nữa chớ. Từ nhỏ chúng tôi chơi thân với nhau như thể bạn bè và thường gọi nhau là “mày- tao”. Mặc dù cả ba đứa chúng tôi chơi rất thân, nhưng cũng không ít lần xảy ra mâu thuẫn, thậm chí còn đánh lộn nhau chỉ vì tranh giành đồ chơi. Tôi nhớ như in, có lần chúng tôi đang chơi bắn đạn cu li, bỗng dưng chú Út lượm được một viên đạn ở gần đó. Thấy vậy, tôi và thằng Trạng nhảy vô giành phần là của mình. Còn chú Út cứ khăng khăng khẳng định viên đạn cu li ấy là của chú vì chú lượm. Cả ba đứa giằng co mãi, không ai chịu nhường cho ai cả. Một lát sau, chú Út sợ tôi và thằng Trạng giựt lấy, nên chú cẩn thận giấu viên đạn vào người. Thằng Trạng vốn nóng tính nên khi biết chuyện liền nhào tới vật chú Út ngã xuống đất để tìm lấy viên đạn. Chú Út mếu máo khóc rồi đi tìm ông nội để méc chuyện.

Lúc đó, mọi người thường ví ba chúng tôi là những “heo vàng”, có người còn bảo “số mấy thằng này khi lớn lên sẽ sung sướng, “heo vàng” mà!” Xưa nay ông bà ta vẫn thường nói vậy. Nhưng tôi thấy cái tuổi chẳng có liên quan gì đến số phận của con người. Điển hình sờ sờ trước mắt đây, chẳng phải cả ba chúng đều là tuổi con “heo vàng” đó sao, nhưng bây giờ có ai được sống sung sướng đâu? Đứa nào đứa nấy cực khổ thấy mồ. Cực nhất là thằng Trạng. Nó là trụ cột trong gia đình. Hàng ngày, nó phải thức khuya dậy sớm để đi giăng câu, thả lưới kiếm sống qua ngày. Kế đến là chú Út, quanh năm bám ruộng tôm. Nhưng lâu nay chú có được mấy lần nuôi trúng vụ, toàn là thất mùa.

Hồi học tiểu học, thằng Trạng nổi tiếng lười học. Mang tiếng đi học mà nó cứ trốn đi chơi, không vào lớp học. Một hôm, cô Ba biết được lôi nó ra đánh một trận no đòn. Kể từ đó, nó không dám trốn học nữa. Nó chuyển sang ngủ gục trong lớp. Thầy giáo đang giảng bài, nó lén nằm úp mặt trên bàn ngủ. Đến khi thầy gọi lên hỏi thì nó cứ ú ớ trả lời bằng điệp khúc “Dạ thưa thầy! Con không biết.” Thế rồi học hết bậc tiểu học, thằng Trạng xin nghỉ học theo dượng Ba làm nghề cá.

Chú Út thì đỡ hơn, chú chịu khó học hành đàng hoàng. Nhưng hoàn cảnh gia đình đơn chiếc, các cô, các chú đều lập gia đình và ra ở riêng. Chỉ còn có mình chú ở với ông bà nội. Trong khi đó, ông bà nội đã lớn tuổi, vuông tôm thì không ai trông coi. Cho nên học hết lớp 11, chú Út xin nghỉ học để ở nhà lo phụ giúp gia đình.

Tôi thì may mắn hơn. Tôi được ba má cho ăn học đến nơi đến chốn. Học hết phổ thông, tôi thi đậu vào đại học. Tôi học bốn năm rồi tốt nghiệp và xin về công tác ở Vĩnh Long. Vì công tác xa quê, nên lâu lâu có dịp tôi mới trở về thăm quê một lần.

Khi tôi và chú Út gỡ cá xong, được hơn phân nửa “thùng bê” (loại thùng sơn tường 18 lít- BT). Chú Út dành phần rinh thùng cá, chú giao nhiệm vụ cho tôi xách tai lưới. Hai chú cháu đi một mạch vào nhà của thằng Trạng. Vào đến nơi, chú Út để thùng cá ngay giữa sân rồi xuống sàn nước dưới mé sông rửa chân. Tôi đưa mắt nhìn trên bộ ván ở ngay hàng ba thì thấy thằng Trạng đã bày biện sẵn thức ăn. Một tô canh chua cơm mẻ cá lóc nấu với năn bộp và bông súng Đà Lạt; dĩa bánh xèo, kèm dĩa rau sống gồm lá cách, lá cát lồi, đọt sộp non; một chai rượu đế. Thằng Trạng đang ngồi xếp bằng trên bộ ván chờ chúng tôi. Đôi bàn chân của nó lộ lên những vết chai sần cứng như đá. Vừa thấy tôi và chú Út, thằng Trạng cười thật tươi rồi bảo:

- Vô đây, mình làm sương sương một chút rồi về!

Chú Út gặng hỏi:

- Có mồi gì bén hông mậy?

Nghe tiếng chú Út hỏi, thằng Thưởng từ trong nhà chạy ra khoe:

- Nhóc luôn ông cậu. Có con rắn bông súng bự chà bá lửa luôn.

Chú Út cười khà khà, rồi hỏi tiếp:

- Thiệt không mậy?

- Nói thiệt đó. Hổng tin, ông cậu vô đây coi đi!

Thằng Trạng ngắt lời con:

- Nói dóc quá ông ơi! Con rắn bông súng chừng hơn nửa ký hà. Tui mới giăng lưới bắt được hồi khuya. Để một lát, tui đập đầu đem đi nướng mọi nhậu hen.

Vừa ngồi vào bộ ván, chú Út sực nhớ:

- Quên nữa! Thùng cá để ở đây đợi tới mình nhậu xong thì cá chết hết. Nếu cá chết thì sẽ mất ngon.

Thằng Trạng đưa ra ý kiến:

- Để tui kêu bà Cụm lấy vỏ lãi chạy chở thùng cá vô trỏng cho chị Ba chỉ mần!

Vừa nói xong, thằng Trạng quay mặt vào hướng nhà bếp, gọi vợ:

- Bà Cụm ơi, lên đây nói nghe nè!

- Có chuyện gì vậy ông Cụm?

Thu Trang- vợ thằng Trạng- dưới bếp đi lên và hỏi. Thấy tôi, Thu Trang chựng lại hỏi:

- Bộ ngày mai hia về Vĩnh Long hả hia?

- Ừ.

- Ổng dọn mồi sẵn nãy giờ để chờ cậu Út và hia đó!

Thằng Trạng bảo vợ:

- Em lấy vỏ chạy chở thùng cá vô trỏng cho chị Ba chỉ mần giùm anh Ba coi.

- Ờ, ông Cụm khiêng thùng cá xuống vỏ giùm đi!

Thằng Trạng liền bước ra sân khiêng thùng cá để xuống vỏ lãi cho vợ. Xong, nó quay trở lên bảo:

- Xong rồi, anh Ba cứ yên tâm mà nhậu hen. Hôm nay tụi mình quất một trận tới bến mới được à nghen anh Ba.

- Uống vừa vừa thôi, mai tao còn phải về Vĩnh Long nữa.

Thằng Trạng tặc lưỡi:

- Đâu có được anh. Lâu lâu anh mới về quê một lần mà. Phải uống cho quắc cần câu mới được.

Chú Út ngắt lời:

- Thôi, hổm rày tụi mình nhậu nhiều rồi. Hôm nay, thằng Ba nó uống được bi nhiêu hay bấy nhiêu. Mai nó còn chạy xe về Vĩnh Long. Đường xá xa xôi. Vả lại, đi xe cộ giờ nguy hiểm lắm mấy cha ơi!

Lần nào tôi về thăm quê cũng vậy, chú Út và thằng Trạng hay tin trước là hai người tổ chức đi kiếm mồi chuẩn bị sẵn. Cá lóc, ếch, lươn, lịch, rắn… Thằng Trạng hay chú Út hễ ai kiếm được con gì thì rọng lại chờ đến ngày tôi về quê là mần mồi nhậu. Ở xứ Lung Lá này, cá lóc kiếm dễ ợt hà. Hơn nữa, thằng Trạng là người sát cá. Ban đêm nó xách đèn pin đi soi nhái con rồi ra vuông cắm mấy cần câu hoặc đi đặt lọp thì sáng hôm sau chắc chắn sẽ dính cá lóc.

So với chú Út và thằng Trạng thì tửu lượng của tôi còn thua xa. Hai người còn tỉnh queo, trong khi đó tôi cảm thấy mình đã thấm mệt. Cho nên tôi xin được nghỉ trước để về còn chuẩn bị đồ đạc sáng mai về Vĩnh Long. Cả hai người đều đồng ý cho tôi nghỉ, nhưng với điều kiện phải uống một ly chia tay. Tôi đồng ý. Uống xong, chú Út bảo:

- Mầy ngồi đây đợi một chút để tao chạy vỏ chở mày vào trỏng, chớ mầy đi bộ biết chừng nào tới.

- Ông đi đâu vậy?

- Tao ra vuông một chút xíu vô liền hà!

Chú Út đi vô chỗ cây nước, chú mượn cái thùng mốp của thằng Trạng rồi đi thẳng ra vuông. Thằng Trạng cũng đang lui cui bắt mấy con cá lóc bỏ vào cái bao bằng lưới, cột miệng thật chặt. Xong, nó vào nhà sau lấy keo mắm cá chốt. Nó xách cá lóc và keo mắm ra để ở hàng ba, nói với tôi:

- Ông xách keo mắm và mấy con cá về trển ăn lấy thảo với tui hen.

- Sao mầy không để bán?

Thằng Trạng nhún vai phớt lờ:

- Bán có được bi nhiêu tiền đâu. Lâu lâu ông mới về quê, gởi ông ăn lấy thảo vậy mà!

Một lát sau, chú Út xách thùng mốp vô tới. Chú đặt thùng mốp trước mặt tôi rồi nói:

- Mầy kiếm cái gì đựng mấy con tôm mang về trỏng ướp nước đá. Sáng mai, mày xách về trển ăn.

Tôi nhìn trong thùng mốp có khoảng hai ký tôm sú cỡ ba mươi lăm con một ký. Thì ra nãy giờ chú đi ra vuông giở nò bắt tôm cho tôi. Thằng Trạng kiếm đâu ra cái bọc dài đưa tôi. Mặc dù, đã ngà ngà say, nhưng tôi vẫn thấy rành rõi và bắt từng con một cho vào cái bọc. Lúc tôi đang chăm chú bắt tôm, chú Út hối thúc:

- Nhanh lên, kẻo trời tối tao không thấy đường chạy máy đó nghen!

- Xong rồi nè!

Tôi và chú Út xuống vỏ lãi. Chú Út cầm cần máy để xoay chân vịt qua, lại. Tôi thì cầm cây dầm bơi cho chiếc vỏ ra giữa sông. Lúc chuẩn bị giựt máy, chú còn căn dặn tôi:

- Tôm này, mầy đem về trển muốn làm món gì thì làm. Nhưng mày nhớ đừng có nướng nhen…