Truyện ngắn: Con chó Vện

Cập nhật, 09:18, Chủ Nhật, 30/06/2019 (GMT+7)

 

Tết đang về.  Tranh minh họa: Trần Thắng
Tết đang về. Tranh minh họa: Trần Thắng

PHAN THỊ ANH THƯ

Trời tờ mờ sáng. Những chiếc tàu du lịch đã quây kín khúc sông chợ nổi. Tiếng động cơ rộn ràng như đang đánh thức dòng sông đang mê ngủ, đánh thức người dân sống hai bên bờ.

Những cây “bẹo” đủ dáng, đủ mặt hàng thấp thoáng trên hàng trăm chiếc ghe buôn dưới ánh sáng của những chiếc đèn cao áp từ mé bờ hắt ra, từ những chiếc đèn “bình ắc quy” trên tàu ghe dọi sáng mồn một.

Tiếng trả giá từ những cuộc mua bán râm ran trên sông rộng; tiếng động từ chuyện chuyển hàng hóa từ ghe bán sang ghe mua diễn ra nhịp nhàng đi kèm những tiếng nói, tiếng cười rôm rả.

Con Vện trên ghe chú Ba Tài đi tới đi lui trên cái “giàn cào” phía sau ghe coi bộ nôn nóng, cồn cào lắm. Có lẽ bữa nay nó thấy lạ. Lạ là có rất nhiều người “ngoại quốc” mặc áo phao ngồi trên mấy chiếc tàu du lịch tới đây nườm nượp.

Họ còn vô tư ăn uống trên sông nữa chớ. “Bún riêu”; “cháo lòng”, “bánh lọt”… có đủ hết; vừa ăn họ vừa nói tiếng Tây, tiếng Tàu gì đó lu xu bu quá làm nó bực bội sủa lên mấy tiếng rồi im lặng. Nó đâu có biết bữa nay là hăm chín tết, thời điểm người ta mua bán ì xèo và du khách đi du lịch “sung ba khía” nhất.

- Vện! Bữa nay mày bị cái “chứng cốt” gì vậy mà sủa “ỏm tỏi” vậy?- Ba Tài la lên.

- La nó làm chi tội nghiệp. Tại bữa nay nó thấy đông người quá nên mới vậy. Vện, đừng “quậy” nữa, chút nữa tao mua cho mầy mấy cục xương nạc thiệt mềm. Già rồi, răng cỏ tiêu tán đường có “gặm” được gì đâu- tiếng chị Ba Tài nhỏ nhẹ.

Nghe tiếng chị, con Vện im ru bà rù rồi nằm mẹp xuống sàn ván với đôi mắt buồn buồn như tủi thân.

La cho có la vậy thôi chớ Ba Tài thương con Vện ghê lắm. Cũng phải thôi bởi vợ chồng cưới nhau đã hai mươi năm rồi chớ có ít ỏi gì đâu mà hổng có được “mụn” con để nối dõi tông đường. Bác sĩ nói tại chị không có khả năng làm mẹ.

Nghe tới đó chị xỉu lên, xỉu xuống mấy lần vì buồn tủi. Riết rồi cũng quen mà ngẫm ra buồn hoài cũng có được gì đâu. Ba Tài cũng buồn không kém vợ nhưng là đàn ông nên hết sức kiềm chế.

- Tui “bị” vậy rồi, hay là anh kiếm “bà” khác để có con thờ phượng sau này đi- vợ Ba Tài vừa khóc, vừa nói ra chiều uất ức.

- Bà nói vậy mà nghe đặng à? Nghĩa vợ chồng thì vui buồn, sướng khổ phải có nhau. Tui làm vậy chắc trời tru đất diệt tui. Tui tính…tính…

- Tính gì mà ông lắp ba lắp bắp vậy?

- Tui tính bàn với bà hay mình đi xin con nuôi ở mấy cái “bịnh viện” được hông? Dù sao cũng có đứa hủ hỉ với vợ chồng mình. Bà thấy sao?

- Con thì tui ham lắm. Đàn bà mà ai hổng vậy. Nhưng thôi đi ông.

- Sao vậy?

- Tui coi “dô tiến” thấy mấy cái vụ xin con nuôi lu bu lắm. Mình nuôi đã nhưng lớn lên nó “phản” mình, lúc này tức chết luôn. Chưa kể mấy cái vụ con nuôi giết cha mẹ nuôi để cướp tiền, cướp bạc bởi nói gì thì nói nó đâu có bà con ruột thịt gì với mình đâu.

- Bà hổng chịu thì thôi. Để tui tính cách khác vây.

Vậy là con Vện có mặt trên chiếc ghe buôn của vợ chồng Ba Tài. Hồi đó nó mới được sanh nên Ba Tài mỗi ngày mua sữa với cháo thịt bằm “bồi dưỡng” cho nó. Ai hỏi về “lý lịch” con Vện, Ba Tài nói ngọt xớt: “Mẹ nó chết sau khi đẻ một bầy con, thấy tội nên đem về nuôi, vừa làm phước lại vừa có “con nuôi” hủ hỉ trên ghe. Vậy thôi”.

Mà lạ quá chừng. Con Vện lớn nhanh như thổi. Bộ lông xám xám có nhiều xoáy thiệt mượt và dầy.

Nó khôn “động trời” bởi có lần vợ chồng Ba Tài đang lu bu mua bán trên mui ghe thì có một thằng ăn cắp bơi xuồng cặp vô kế bên rồi chui qua định giở trò. Ngay lập tức, con Vện nhào tới cắn tơi tả tên “đạo chích” kèm theo mấy tiếng kêu ăng ẳng.

Nghe kêu, Ba Tài lật đật phóng xuống phía dưới. Tên trộm hồn vía lên mây nhảy “tòm” xuống sông mất dạng, bỏ lại chiếc xuồng năm lá cũ mèm. Một lần khác, vợ chồng Ba Tài ngủ quên sau một ngày bán buôn tất bật. Giữa khuya, bọn bất lương áp sát ghe rồi chuẩn bị lấy đi cái giỏ đệm đựng tiền mà anh Tài cẩn thận giấu dưới cái gối.

Đang hí hửng vì sắp được “trúng vố” lớn thì con Vện từ phía sau ghe bất ngờ xông tới táp ngay một “phát” vào tay tên trộm rồi sủa inh ỏi. Nghe tiếng sủa, Ba Tài ngồi chồm dậy rút cái mác bên vách ghe hét lớn:

- Thằng nào vô đây? Tao chém đứt lìa ba khúc cho má tụi bây dòm tụi bây hổng ra. Má mầy…

Tiếng ghe máy bất chợt nổ vang giữa đêm khuya vội vã tháo chạy kèm theo những tiếng rên đau đớn vì tên trộm bị con Vện cắn rất sâu.

Trên ghe, vợ chồng Ba Tài vui mừng hớn hở vì chút nữa thôi, mấy mươi triệu đồng cùng hai cây vàng hai bốn, tài sản dành dụm gần hai mươi năm bôn ba trên sông nước đã không cánh mà bay. May mà có con Vện. Nếu không thì… Ba Tài âu yếm vò vò lên đầu con Vện nói khẽ:

- Mầy giỏi lắm. Không có mầy là vợ chồng tao “đứt bóng từ bi” năm nay khỏi đón tết, đón nhứt gì ráo. Mầy là ân nhân của tao đó Vện. Tao hứa sẽ đối đãi tử tế với mầy như con ruột của tao- Ba Tài vừa nói vừa cười khì khì.

Vậy rồi hơn mười năm đã đi qua, con Vện đã hơn mười lăm tuổi đời. Nó đã theo chân vợ chồng chủ ghe đi khắp các tỉnh miền Tây để mưu sinh.

Từ miệt Cà Mau vốn nổi danh “muỗi kêu như sáo thổi, đỉa lội như bánh canh” đến miệt Châu Đốc, Tân Châu, Hồng Ngự hay theo ghe xuống miệt biển Ba Tri, Bình Đại, Bến Tre. Đi đâu nó cũng là niềm vui của đôi vợ chồng hiếm muộn và nó cũng là chàng “bảo vệ” trung thành tài sản của vợ chồng Ba Tài.

Tội nghiệp. Hai hàm răng của nó đã quá già nua nên cứ rơi rụng dần dần. Bộ lông xám dầy đầy xoáy như ngựa nay cằn cỗi không còn mướt rượt như ngày nào. Đôi mắt của nó cũng đã mờ dần theo dòng thời gian.

Chỉ có đôi tai của nó vẫn thính như ngày nào. Mỗi khi đánh hơi vợ chồng Ba Tài đi đâu mới trở về ghe là nó chồm lên vì vui mừng rồi chạy quần quần phía sau, leo lên mui ghe, chạy vào trong ghe với cái đuôi ngoe nguẩy thiệt đáng yêu.

Tết này, chợ nổi thiệt đông vui hơn bao giờ hết. Buổi tối, hàng chục chiếc ghe buôn đậu san sát vào nhau để bàn tán đủ thứ chuyện trên đời này.

Từ cái chuyện tổng thống Mỹ “Ô Bà Ma” rút lui khóc thê thiết khi cùng vợ con lên máy bay, chia tay nhân viên Nhà Trắng, nhà Xanh gì đó; chuyện cá chết “ từa lưa hột dưa” ở miền Trung; chuyện con nít bây giờ sao dễ dính với “ngáo đá, ngáo cát”; chuyện chợ nổi được công nhận di sản “phi vật thể” rồi sẽ được quy hoạch đàng hoàng, văn minh, lịch sự chớ bây giờ chưa thiệt “đã” bởi tàu ghe ra vô lộn xộn; nội cái chuyện đi “toa lét” cũng trần thân; chuyện rác rến trên sông chưa được dọn dẹp ngon lành… Buồn nhất là cái chuyện tính toán lên bờ “mần ăn” của một trong các chủ ghe.

- Mình tuy hổng phải là dân xứ này chánh gốc nhưng đã “đóng đô” tại chợ nổi này mấy chục năm qua. Còn cái chuyện đón tết ở đây thì hết nhớ bao nhiêu lần rồi. Bởi vậy còn ở đây ngày nào thì phải góp phần cho chợ nổi thiệt lịch sự, văn hóa, văn minh- tiếng chú Hai “Trà Vinh” nói gọn lỏn.

- Cha này bữa nay nói chuyện giống mấy ông nhà nước quá trớn, bộ ông ăn trúng món gì mà lên lớp dữ vậy cha?- bà Ba “Tịnh Biên” nói vui.

- Đâu có. Tại “chả” có con bồ là bà Hai “cô đơn” bán “Ho Vi lon” ở mé sông này nè, bởi vậy “chả” tính “cắm dùi” xứ này nên mới nói vậy- tiếng ông Ba “củ tỏi” chêm vào câu chuyện rồi cười khà khà.

- Bà đó bán ho vi lon là bán thứ gì vậy? Tui biết tui chết liền.

- Vậy cũng hỏi. Ho vi lon là hột vịt lộn đó cha. Biết chưa?

- Trời đất quỷ thần thiên địa ơi! Hột vịt lộn thì nói đại ra đi. Bày đặt nói tiếng Mã tà, ma ní. Mệt.

- Thì mình buôn bán ở chợ nổi này mấy chục năm rồi. Ra vô gặp Tây, gặp “mẽo” hà rầm. Hổng lẽ cứ gặp người ta là cứ “dét, nô” hoài. Mình phải lai lai một chút cho nó có văn vẻ chớ. Ờ mà nãy giờ sao hổng nghe vợ chồng thằng Ba Tài nói tiếng nào hết vậy bây.

- Biết nói gì bi giờ. Vợ chồng tui sao cũng được, chỉ thương con Vện thôi, mười mấy năm rồi nó cứ ở dưới ghe có biết gì trên bờ với người ta đâu. Tối ngày cứ luẩn quẩn với vợ chồng tui, “hai lúa” cả đời. Thiệt…- vừa nói Ba Tài vừa xoa xoa cái đầu con Vện như xin lỗi, như phân trần.

Bà Ba Tịnh Biên khuyên lơn:

- Tao nói thiệt nghe. Trên đời này hổng ai trung thành với chủ bằng mấy con chó không ngoan. Nó luôn sống chết với mình. Vậy mới lạ. Vậy mới là tình. Thôi tới đâu hay tới đó. Miễn mình cư xử với nó đàng hoàng là được rồi.

Không biết con Vện có hiểu được điều gì sau lời nói của mọi người mà mắt nó ánh lên những tia hy vọng, biết ơn và chui tọt vào lòng anh Ba Tài với cái nhìn trìu mến.

Những ly rượu được rót ra, những dĩa tôm khô củ kiệu, khô cá khoai càng làm cho bữa tiệc xôm tụ hơn. Tiếng đờn kìm của chú Hai “Trà Vinh” nghe “ mùi” đứt ruột lan xa trên sông rộng đêm hăm mươi chín tết. Bà Ba “Tịnh Biên” ngồi gõ nhịp cái song loan với đôi mắt mơ màng nhớ về mấy bụi cây thốt nốt xa xôi.

Ba Tài vừa vỗ vỗ lên đầu con Vện rồi nghêu ngao lời hát: “…Chợ nổi quê em tình sâu nghĩa nặng. Vất vả gian lao mưa nắng dãi dầu. Thương hồ nặng nợ sông sâu. Bỏ đi không đặng, nên dài lâu chốn này…”