Truyện ngắn: Nhà cổ

Cập nhật, 15:38, Chủ Nhật, 27/01/2019 (GMT+7)

Nguyễn Linh

Tranh minh họa: Trần Thắng
Tranh minh họa: Trần Thắng

- Ngọc ơi, xuồng cũ quá rồi, kêu ba mua chiếc mới. Nhà mầy lúa đầy bồ, sợ gì hổng có tiền!

- Mua chiếc xuồng, dễ ợt. Nhưng… ba nói nó sống với mình lâu rồi, ít nhiều cũng có tình cảm, tự dưng kéo lên bờ bửa củi chụm hoặc đổ rác trồng hành, trồng ớt, bạc hà,… thấy hổng đành lòng!

- Ngọc ơi, nhà không còn ai ăn trầu, để vườn trầu trước sân chi cho um tùm. Phá bỏ, trồng vài gốc bưởi hay thanh trà, vừa mát, vừa bán có tiền.

- Í, đâu có được! Phá bỏ mấy nọc trầu này là coi như quên bà nội mất tiêu rồi. Ba nói hồi đó nội ưa ăn trầu, chăm sóc vườn trầu này kỹ lắm. Bây giờ ba dạy phải giữ mấy nọc trầu, nhìn trầu để nhớ hoài bà nội, để nghĩ rằng nội còn sống, quanh quẩn đâu đó trong nhà với con cháu!

- Ngọc ơi, chái bếp đã cũ quá rồi. Kêu ba phá bỏ, cất cái mới. Chái cao, bếp rộng cho ngon cơm, ngọt canh.

- Cái này cũng là ba tui nói à nghen! Ba nói chái bếp mấy chục năm, có hơi người, phá bỏ nghe lạnh lắm!

Bao giờ nghe những lời của con Ngọc với mấy người hàng xóm, chị Sương cũng đều nghĩ đến anh Phước. Sống trong căn nhà cổ của dòng tộc, hồi đó, nội anh yêu nét cũ, ba anh giữ nếp xưa, lớn lên, anh hoài cổ. Và bây giờ con Ngọc luôn lấy anh làm chuẩn mực, cứ mở miệng ra nếu không là ba nói, thì ba dạy, ba biểu… Nói hoài như vậy, chị thấy nó như già hơn cái tuổi mười bốn.

Hồi nhỏ, cùng tụi con nít bày trò chơi, Phước thường hái những hạt bo bo đủ màu sắc mọc hoang ngoài đồng kết chuỗi tặng Sương- cô bé hàng xóm- làm sính lễ khi chơi trò đám cưới rước dâu.

Có lần, đứng trước căn nhà chòi nhỏ lợp lá chuối, phía trước kết nhiều dây bìm bìm, bòng bong và lá đủng đỉnh, Phước nói đùa: “Mơi mốt lớn lên tao cưới con Sương, cưới thiệt luôn, nghen tụi bây!”

Đám bạn vỗ tay reo hò: “Ừ đúng rồi, giống như anh Mười với chị Trang, làm cô dâu chú rể đẹp ác liệt luôn!” Bé Sương đỏ mặt, tháo chuỗi bo bo trả lại cho Phước: “Ê! Ê! Con nít không hà, nói vậy nghe kỳ lắm! Mơi mốt… còn nói chơi bậy bạ vậy nữa… nghỉ chơi mầy luôn!” Thấy Sương chạy te về nhà, Phước nhìn theo, cười: “Út Sương, Út Sương, nói giỡn chút xíu đừng giận, nghen!”

Mười bảy tuổi, qua rồi cái thuở hồn nhiên. Mỗi khi gặp Phước, nhớ lại trò chơi cô dâu chú rể và những lời nói ngây ngô của người bạn hàng xóm năm nào, lòng Sương chợt nghĩ ngợi mông lung mà lắm khi chính bản thân cô cũng không hiểu nổi ý nghĩ của lòng mình. Mỗi chiều, Sương hay xuống bến nhìn dòng sông khi căng nước, mấp mé sắp tràn bờ, khi thì ròng phơi bãi.

Chờ đến lúc những giọt nắng cuối ngày nằm nghiêng mình trên ngọn gáo, bác Út và anh Phước đi ruộng về, không hiểu sao Sương lại thẹn thùng không dám nhìn thẳng người con trai mà từ nhỏ đã chơi thân. Cô chỉ dám rụt rè hỏi ba anh những câu ngắn ngủi: “Bữa nay đi ruộng về trễ vậy bác Út?” hay “Mùa này lúa tốt không bác?”,…

Có hôm, Phước mở sạp xuồng đưa cho Sương con cá lóc: “Nè, đem về rộng, mai nấu cho thím Tư tô canh chua bông súng nêm cơm mẻ. Mình biết thím Tư thích ăn canh chua cá lóc lắm!” Chỉ có vậy mà đêm đó Sương không ngủ được, nghe niềm vui đang dậy động trong lòng.

Mười tám tuổi, một chiếc lá rơi, một cơn gió nhẹ thoảng qua, Sương cũng thấy đẹp, thấy nên thơ. Người ta thường nói con gái mười tám hay mơ mộng. Sương cũng vậy, nhất là mỗi khi nghĩ về chàng trai hiền lành, ít nói, sống bình lặng trong ngôi nhà cổ cách nhà cô chỉ cái mương ranh.

Những lúc vô tình (đôi lúc cố ý) chạm mặt, cô không biết phải nói gì với anh. Là con gái… hổng lẽ… cô phải lên tiếng trước? Hổng lẽ… cột… lại đi tìm trâu? Trong khi Phước, dường như anh chẳng hiểu gì từ ánh mắt, cử chỉ của người bạn nhỏ ngày nào giờ đã là cô thiếu nữ, biết soi gương, biết làm đẹp và trằn trọc trong những đêm không ngủ, vì anh.

Bây giờ, chị Sương đã ở tuổi bốn mươi, âm thầm đếm biết bao mùa lá vàng rơi trên mái ngói rêu phong trong những chiều nắng tắt. Nơi ấy, có người đàn ông mà chị đã dành trọn vẹn tình cảm của cả thời con gái, cái thời mà chị đã từng day dứt hoài ba chữ “Em yêu anh”.

Phải! Chỉ có ba chữ nhưng chị phải giấu kín, kiềm nén trong lòng. Mãi đến cái hôm hay tin anh Phước đi hỏi vợ ở rạch Mù U, chị xửng vửng chạy ra hè, không ngăn được mấy giọt nước lạc lõng đang lăn nhòe trên má.

Hôm đám cưới anh Phước, có cô gái hàng xóm giả đò cười khi nghe gió bấc đìu hiu thổi qua xóm như dao cắt, cười để mọi người đừng nghe những tiếng nấc trong lòng. Đám cưới người ta, chị qua nhà, vào bếp nhưng cứ khắc khoải ngó ra gốc xoài, nhớ cái nhà chòi kết lá đủng đỉnh, nhớ chuỗi bo bo,…

Nhớ lần mê trèo cây hái cà na ngoài vườn bị ong nghệ đốt một mũi trên đầu, Út Sương vừa đau, vừa sợ khóc thét lên. Phước đang chơi ở gần đó, luýnh quýnh chạy tới mé mương bẻ đọt môn ngứa bôi mủ vào, dỗ dành: “Nín đi Sương, chút xíu là hết liền. Khóc hoài kiểu này, về nhà thím Tư biết, đánh đòn là đau lắm!”

Nghe nói, Sương im thít, cố gượng cười bằng cái miệng méo xệch. Vì vậy bây giờ, mỗi lần nghe tiếng con ong o e trên giàn mướp là bao kỷ niệm ấu thơ, vô tư, khờ dại tưởng đã ngủ yên trong ký ức lại chợt quay về trong chị, ngọt ngào, nguyên vẹn như vừa mới hôm qua.

* *

*

Đêm nay, trăng trôi êm đềm trên dòng sông vắng, trăng nhẹ nhàng mơn trớn hàng so đũa khép lá trong cơn mê ngủ. Chị Sương bước vào sân, Ngọc mừng rỡ reo lên:

- A! Cô Út! Út Sương qua kìa ba!

Anh Phước đang nằm võng ngoài hàng ba, khẽ ngẩng đầu lên:

- Vậy à, mời cô Út vô nhà, rót trà mời cô uống đi con! Con nhỏ thiệt là… khách tới nhà, chuyện có bao nhiêu mà cũng hổng biết.

Chị Sương cản:

- Được rồi, Út mới uống một ca nước mưa bên nhà. Khách tới nhà?... Hai cha con thiệt là khách sáo, như thể cô là người dưng nước lã không bằng.

Đúng rồi, mình là người dưng nước lã. Hồi nhỏ, là con bé người dưng, hàng xóm vô tư qua nhà anh, chạy khắp nơi đùa giỡn. Lớn lên, là cô gái bẽn lẽn mỗi khi gặp mặt anh hàng xóm, để khi đêm về người dưng không ngủ được, ra bờ sông ngồi để nhớ một người dưng.

Ngày anh Phước cưới vợ, chị ngậm ngùi đứng bên lề, lẻ bạn nhìn hạnh phúc của… người dưng. Rồi vợ chồng người ta bất hòa, chia tay, tự dưng chị phải có trách nhiệm chăm lo, dạy dỗ, thương yêu con bé- người dưng- mới lên ba, bây giờ nó đã tròn mười bốn tuổi. Nhưng… không chỉ đêm nay, anh Phước chỉ xem chị là “khách”. Chị thở dài, ừ thì… mình đúng là khách, là người dưng nước lã. Ừ thì… buồn… mà thôi… đã quen rồi!

Chị Sương ngồi xuống cạnh Ngọc.

- Nè, Út đem về mấy đòn bánh tét nước tro cho con. Bánh do chính tay cô gói, ngon lắm.

- Dạ, con cám ơn cô Út. Mà, Út ơi, hai ngày nay Út đi đám giỗ, không gặp mặt, con thấy buồn hiu, nhớ Út quá hà! Mơi mốt có đi đâu xa, Út nhớ dắt con theo, nghen Út?

Chị xoa đầu con bé: 

- Đi với cô, ba Phước ở nhà với ai? Nhà có hai cha con, hổng sợ ba nhớ con gái rồi nghe buồn trong bụng sao?

Ngọc liếc qua võng:

- Ba nhớ con thì… thì… tối rủ bác Ba, dượng Tám bên sông qua nhà nhậu vài xị, ngủ một giấc tới sáng là quên nhớ luôn chớ gì- Ngọc kề tai chị Sương, nói nhỏ- Giỡn với cô cho vui chớ mỗi khi ba uống rượu hay lén ngồi khóc một mình làm con cũng muốn khóc theo. Thương ba lắm mà con hổng dám hỏi. Suỵt! Chuyện này chỉ hai cô cháu mình biết thôi, hen!

Chị Sương nghe lòng mình chùng xuống. Chị hình dung đến gương mặt tiều tụy, hốc hác của anh Phước trong cái ngày bác Út trai qua đời chỉ sau bác gái chưa đầy hai tháng. Đã vậy, khoảng một năm sau, hôn nhân của anh lại đổ vỡ. Nhiều đêm, chị thấy anh ngồi uống rượu một mình dưới ánh trăng suông, trong con gió lẻ loi, chạy lẩn quẩn bên bờ sông vắng ngắt.

- Ngọc à, mấy ngày nay hai cha con quyết định cái chuyện mở du lịch “hôm sai, hôm xiếc” gì đó, sao rồi?

- Con năn nỉ hoài mà ba hổng chịu. Mà, cô ơi, du lịch homestay là tiếng Anh, cô kêu vậy… người ta cười chết!

- Cười, thây kệ người ta. Út của mầy có biết tiếng Tây, tiếng u gì đâu, nghe anh Ba Trưởng ấp nói rồi nói theo vậy mà. Anh Ba nói mình phải bảo tồn nhà cổ, phát triển du lịch miệt vườn,… để góp phần xây dựng nông thôn mới. Tuần trước, trên ti vi giới thiệu du lịch kiểu vậy ở Bến Tre, khách tới đông vui lắm.

- Tối thứ bảy phải không cô? Con cũng có coi. Nhưng… ba con…

- Ba Phước của con thì cứ mỗi một lý do: nhà đơn chiếc. Đã nói là cô sẽ lo phần nấu bếp, nếu khách đông thì rủ thêm mấy bà ở xóm phụ một tay. Đàn bà xóm này xong mùa rảnh rang thiếu gì. Ở xứ này, vườn cây trái thì nhiều nhưng đố ai vừa có được vườn rộng, vừa lại có căn nhà xưa ơi là xưa như vầy đâu. Nhà cổ của ông bà, mình phải gìn giữ thôi. Nhưng tạo điều kiện cho khách phương xa tới tham quan, mình có tiền, người ta cũng thấy vui vì được sống trong căn nhà của hàng trăm năm trước. Đúng hông?

Anh Phước nằm im trên võng, nghe tiếng con bìm bịp ngoài kia đang than vãn chờ con nước. Đúng rồi, phải giữ hoài căn nhà này.

Nhưng… tại sao người hiểu anh nhiều nhất lại không phải vợ anh? Ngày ba má qua đời, vợ anh- người đáng ra phải chia sẻ và an ủi anh nhiều nhất- lại đòi phá bỏ căn nhà mà theo cô là quá cũ kỹ, lỗi thời để xây lại nhà tường mới hơn, đẹp hơn, tiện nghi hơn: nào là phòng ngủ gắn máy lạnh, nào là xây nhà bếp mới, lát gạch men, bếp gas,…

- Con cũng nghĩ y chang như cô vậy. Nhiều lúc con nghĩ, ở xóm này chỉ có gia đình con là lạ nhất, hổng giống ai: nhà thênh thang mấy chục người ở còn rộng vậy mà ra vô thui thủi chỉ hai cha con. Bàn ghế, giường tủ thì nhiều, bàn thờ ông bà cũng vậy, sáu bảy cái. Mỗi ngày ba dạy con siêng lau chùi, tối đốt nhang cho ấm cúng.

Nhưng nhà không có má nên con nghe lạnh ngắt hà. Những buổi chiều, con xuống bến đón ba đi ruộng về, sông thì rộng, nhà cũng rộng, buồn muốn khóc luôn. Phải chi con có má, hai má con cùng chờ ba thì… chắc là vui lắm!

Trong đêm, tiếng võng thôi kẽo kẹt, có giọt nước vô tình căng đầy đôi mắt sâu thẳm của người đàn ông vốn đã nhiều đau khổ. Tối nay, con anh đã nói ra những điều rất thật lòng, song những lời của nó lại khiến lòng anh thêm trống trải và tim se thắt lại.

Tại anh, anh đã không cho con một gia đình trọn vẹn, hạnh phúc. Ngày vợ chồng chia tay, anh đã buông xuôi tất cả. Bé Ngọc lúc đó chưa đầy ba tuổi, cũng may là còn có Sương, nếu không, không biết đời nó sẽ ra sao.

Hồi đó, những lúc má anh bị bệnh, Sương hay qua nhà, khi thì nấu cháo, khi thì nồi xông,… Việc làm đó, cử chỉ đó của cô gái cạnh nhà, làm sao anh không hiểu. Cho nên anh đã từng day dứt mỗi khi thấy Sương ngồi một mình bên kia con mương ranh hiu hắt nhìn qua bên này, khi bắt gặp ánh mắt của anh thì thẹn thùng ngó lảng.

Nhưng trái tim chỉ có một, anh đã dành hết cho một người. Và bây giờ, anh lại càng day dứt hơn mỗi khi Sương qua nhà, quan tâm, dạy dỗ, thương yêu bé Ngọc như đứa con rứt ruột đẻ đau.

Thấy bé Ngọc ngồi buồn so ngó ra sân, chị Sương nhẹ nhàng xoa đầu nó:

- Mơi mốt thấy buồn thì chạy qua nhà Út. Út kể chuyện cổ tích cho nghe, như hồi bé Ngọc còn nhỏ xíu vậy đó, chịu hông?

- Hổng được! Qua nhà Út chơi hoài, bỏ ba một mình ở nhà, ba buồn, buồn lắm! Hay là… Út qua nhà con thường xuyên hơn, con vui mà chắc ba cũng vui!

Chị Sương khẽ đảo mắt nhìn anh Phước rồi đánh lảng:

- Hai cha con thấy buồn thì nghe lời anh Ba Trưởng ấp làm du lịch, nhà thường có khách tới lui là hết buồn chớ gì. Út nghe nói khách nước ngoài và người Việt Nam sống ở thành thị thích du lịch kiểu này lắm. Mình chỉ cho họ nhóm lửa, nấu cơm, kho cá bằng bếp củi, chèo ghe, bơi xuồng, tát mương bắt cá,… chuyện đơn giản vậy mà họ thích, họ mê lắm!

Ờ, còn cái vụ đờn ca tài tử, nhà có cây đờn, hai cha con mà “song kiếm hợp bích” chắc ăn là khách du lịch sẽ vỗ tay rần rần cho mà coi. Hồi trẻ, trong xóm ai cũng khen ba Phước của con ca mùi, giọng trầm ấm y chang Tấn Tài.

Ngọc nhìn anh Phước, cười:

- Bây giờ ba con xuống vọng cổ còn “ác liệt” lắm. Nhưng… cái khoản “song kiếm hợp bích” chắc chỉ có cô Út… Đúng rồi, chỉ có giọng ca mượt mà như Phượng Liên của Út mới xứng với ba mà thôi! Phải hông ba?

Anh Phước lúng túng, không trả lời. Còn chị Sương, chị thấy ngượng nên lại đánh lảng:

- Bây giờ Út Sương của con già rồi, ca hát đâu được như hồi xưa nữa. Ờ, mình có thể liên hệ với “Câu lạc bộ đờn ca tài tử” của ấp, quyết định phục vụ văn nghệ cho khách du lịch vui “tới bến” luôn.

- Làm du lịch tại nhà đương nhiên là con chịu, chịu hai tay luôn. Con sẽ hướng dẫn khách xuống bếp. Nhưng… nếu người ta hỏi ai dạy con nhúm lửa, nấu cơm? Con không có má! Thấy chái bếp cũ nhưng gọn gàng, ngăn nắp, hỏi ai dạy quét dọn, lau chùi? Con không có má!

Ai dạy bơi xuồng, chèo ghe mà giỏi “dữ dằn” vậy? Con cũng không có má! Nhiều, sẽ có nhiều câu hỏi mà bản thân con cũng không biết phải trả lời ra sao. Hổng lẽ con nói thiệt với người ta tất cả đều do Út của con dạy. Hỏi Út là ai mà tốt quá vậy? Con trả lời thế nào bây giờ?

Con bé không trả lời được, lòng nó đang ngổn ngang. Còn người lớn- anh Phước, chị Sương- cũng đành im lặng trong tiếng con thạch sùng, tiếc gì, xót gì mà tặc lưỡi nghe buồn nẫu ruột.

- Hay là… Út nhận làm má, má Út của con, nghen!

Chị Sương chưng hửng nhìn con bé. Không đợi chị trả lời, nó tiếp luôn:

- Mà, hổng được. Má Út, hai tiếng nghe thân nhưng giống kiểu họ hàng sao sao á! Vậy thì… cho con kêu đỡ, kêu đại cô Út là má. Từ nhỏ tới giờ, con không hình dung được tiếng “má” sẽ thiêng liêng như thế nào nhưng con cảm thấy nó rất ngọt ngào, trìu mến.

Con sẽ mạnh dạn nói với mọi người là… má của con thương con lắm, nhờ má nuôi nấng, dạy dỗ nên con mới được như ngày hôm nay. Và… con cũng thương má… thương nhiều lắm, thương hoài thương hủy trong lòng… Má!... Má ơi!...

Con bé không nói được nữa. Tiếng nấc của nó, từng tiếng, từng tiếng xé không gian tĩnh mịch. Chị Sương không kịp nhìn anh Phước, cũng không đủ thời gian để nghĩ suy mọi chuyện xảy ra quá đột ngột, chị chỉ biết ôm chầm con bé đáng thương vào lòng rồi vuốt nhẹ lên đôi vai bé nhỏ, đang run lên của nó, dỗ dành:

- Nín đi! Nín đi con! Có má!... Còn có má đây!...

Bất chợt, anh Phước ngồi dậy, bước đến bên, giang rộng đôi tay hộ pháp ôm trọn hai người thân yêu nhất cuộc đời mình vào lòng:

- Đừng khóc nữa con gái! Từ nay, con sẽ có ba và... có má!

Chị Sương từ bất ngờ đến thổn thức khi nhận ra những giọt nước nóng hổi từ đôi mắt của người đàn ông mà chị đã thầm thương nhớ đang lăn nhòe trên bờ vai của mình.

Ngoài kia, gió chướng đang rong ngọn, kéo mặt nước căng ra, tê buốt. Nhưng trong căn nhà cổ sau bao năm lạnh giá này có ba trái tim đang sưởi ấm cho nhau. Không lạnh lẽo, không cô độc bởi vì họ chính là một gia đình không gì có thể chia cách.