Truyện ngắn: Chuyến phà cuối cùng

Cập nhật, 08:09, Thứ Bảy, 24/11/2018 (GMT+7)

 

Tranh minh họa: Trần Thắng
Tranh minh họa: Trần Thắng


LÊ HẬU

Dòng nước chảy xiết làm cuốn trôi những đám lục bình thành từng cụm, trên tay Duyên còn nặng cả gánh hàng chưa bán hết. Cô dõi mắt về hướng dòng sông rồi nghĩ ngợi những chuyện vu vơ:

Mình chỉ còn bán được ngày hôm nay thôi, ngày mai sẽ không còn được bán hàng trên chiếc phà này nữa. Thời gian trôi qua nhanh quá, mới đó mà cầu Cao Lãnh ấy cũng đã xong rồi. Nhanh thật!

Đột nhiên bao nhiêu ký ức năm năm về trước lại ùa về trong tâm hồn của người con gái bé nhỏ như Duyên. Khi nghe tin dự án cầu Cao Lãnh chuẩn bị khởi công thì bà con và người dân nơi đây lại phấn khởi vô cùng.

Khi ấy đôi bờ sẽ được kết nối, hành khách sẽ không còn đợi phà hay chen lấn mỗi khi đông người. Mọi người đều náo nức mong đợi sẽ có được cây cầu tuyệt đẹp. Bản thân Duyên cũng vậy.

Mỗi sáng sớm cô thường dọn hàng ra bến phà để bán. Giọng điệu mời khách của Duyên rất ngọt ngào, dễ mến và gần gũi. Bởi thế lúc nào cô cũng được nhiều người yêu quý và ủng hộ.

Duyên là cô bé mồ côi, từ khi mới lọt lòng Duyên được chú thím Hai đem về nuôi cho tới bây giờ. Chú thím Hai cưới nhau đã gần hai mươi năm mà chưa sinh được đứa con nào cả. Từ khi gặp cô, chú thím vui lắm. Ban đầu thím Hai không biết đặt cho cô tên gì, bà liền nhìn vào mặt cô mà tặc lưỡi:

Ôi! Con bé xinh quá ông Hai nhỉ? Thôi thì con gặp vợ chồng ta như là một cái duyên, ta đặt cho con tên Duyên vậy. Từ nay con sẽ về ở cùng với vợ chồng ta, có rau ăn rau, có cháo ăn cháo.

Từ khi có con, chú thím vui lắm. Hễ ai lại nhà thì thím lại khoe rất sung sướng và xem cô như con ruột của mình. Duyên là cô bé rất xinh đẹp, tóc cô lúc nào cũng tỏa ra mùi hương đến kỳ lạ. Đôi mắt long lanh to tròn là điểm rất nổi bật tạo sức thu hút đặc biệt cho mọi người mỗi khi gặp Duyên.

Lòng hiếu thảo của Duyên khiến cho bà con khu vực bến phà ai ai cũng phải thán phục trước nghị lực để vượt qua số phận. Ngay từ nhỏ, Duyên sớm có ý thức học tập và biết phụ giúp cha mẹ những chuyện từ quét nhà, nhặt rau, nấu cơm, giặt giũ cho đến trông coi hàng hóa nên được chú thím Hai rất mực yêu thương.

Cũng có đôi lần bà có ý định cho cô nghỉ học vì hoàn cảnh gia đình hiện tại quá khó khăn, không đủ chi phí cho cô tiếp tục học tập. Nhưng cũng chính vì lý do Duyên học tập quá xuất sắc nên chú thím cứ thầm nghĩ, lây lất rồi cũng xong cuối cấp thôi.

Ước mong lớn lên, cô sẽ học ngành công tác xã hội bởi vì đơn giản Duyên cũng biết mình là trẻ mồ côi được chú thím đem về nuôi nấng cho đến hôm nay. Thầm nghĩ rằng, nếu không có “cha mẹ nuôi” thì cô đâu còn được sống trên cõi đời này nữa.

Ngoài những giờ phụ cha mẹ bán hàng, Duyên thường đến Trung tâm Công tác xã hội của tỉnh- nơi có những người già neo đơn, những người không may mắn mắc phải bệnh tâm thần và thương cảm hơn cho những đứa trẻ bị bỏ rơi.

Duyên bỗng có niềm xúc động dâng trào đến rơi nước mắt. Duyên thường giúp các cô chú ở đây nấu những bữa cơm, chăm sóc cho những trường hợp hết sức đặc biệt. Tuy rất vất vả nhưng đối với Duyên là một niềm hạnh phúc vì được đóng góp một phần công sức nhỏ bé của mình cho công tác xã hội.

Hạnh phúc cũng đã mỉm cười với Duyên vì cô đã thi đỗ đại học đúng chuyên ngành mình mong muốn. Dẫu biết điều kiện hiện tại của gia đình quá khó khăn, nhưng với ý chí nghị lực của cô bé mới tập tễnh bước vào đời khiến cho Duyên không chùn bước.

Duyên suy nghĩ đến cha mẹ lại là niềm động lực to lớn giúp cô đến với giảng đường đại học. Duyên không hề mặc cảm trước số phận, mà càng tự hào hơn vì đã có cha mẹ bên cạnh. Những ngày nghỉ, Duyên thường phụ mẹ bán hàng.

Có những lúc cô rơi vào trạng thái tuyệt vọng, ngồi ngắm lục bình trôi, có khi nhìn gánh hàng ế ẩm, cứ nghĩ cuộc đời mình cũng như những gánh hàng ngả nghiêng kia rồi cứ mặc cho số phận trôi theo thời gian.

Những buổi tối, cô thường ngắm những ánh đèn nơi công trình của cầu Cao Lãnh đang xây dựng. Những âm thanh phát ra từ công trình như là tiếng than âm ỉ dường như mang nhiều tâm sự như cô. Đột nhiên Duyên nhớ về Hoàng- anh chàng kỹ sư xây dựng gốc miền Trung- hay mua nước giải khát của cô kèm theo lời trêu đùa hóm hỉnh:

Cô bé miền Tây bán nước vừa ngon và dễ thương thế, có bớt cho anh không bé?

Thoạt đầu, cô vẫn cười tươi và hiền hòa với Hoàng. Nhưng mỗi lần Hoàng mua nước hầu như lúc nào anh và Duyên đều có một cái nhìn rất kỳ lạ khó có thể giải thích được. Hoàng được phân công nhiệm vụ giám sát công trình của cầu Cao Lãnh.

Hoàng lớn hơn cô sáu tuổi. Anh sinh ra và lớn lên ở miền Trung. Một vùng đất đầy khó khăn, quanh năm phải hứng chịu bao nhiêu thiên tai và lũ lụt. Nghe anh kể về gia đình, có năm quê anh ngập lụt phải chìm trong biển nước.

Vật nuôi chết gần hết, ruộng lúa, hoa màu phải mất trắng. Duyên chạnh lòng và đồng cảm với Hoàng. Buổi tối, Duyên thường thả những chiếc đèn bằng cây, xung quanh bao phủ bằng giấy xuống dòng sông Cao Lãnh hiền hòa mang nặng phù sa bồi đắp, làm cho Hoàng phải suy nghĩ:

Em thả những chiếc đèn này vào buổi tối để làm gì?

Em thả những ước mơ và niềm tin đó anh ạ!

Buồn cười nhỉ! Thế ước mơ của em là gì?

Không phải đơn thuần chỉ để thả đèn trên sông để lấy niềm vui đâu anh. Nó sẽ chở những ước mơ, niềm tin của em đi thật xa, thật xa anh à. Em chỉ mong sao cho cha mẹ nuôi của em được sống hạnh phúc, mạnh khỏe.

Bà con khu vực bến phà này có cuộc sống tốt hơn. Các cô chú trong Trung tâm Công tác xã hội cũng vậy. Còn các trẻ em mồ côi được nô đùa, vui chơi, được học tập đàng hoàng và sau khi tốt nghiệp ra trường em sẽ làm việc ở đó. Trung tâm đã cho em được tình thương yêu của mọi người. Em chỉ ước bấy nhiêu thôi.

Thời gian cứ thế trôi qua, tình cảm của Duyên và Hoàng cũng lớn dần theo năm tháng. Duyên vẫn nuôi ước mơ, hoài bão vẫn đợi chờ Hoàng cũng như đợi chờ chiếc cầu yêu thương nằm trên vùng đất “Sen Hồng” trù phú.

Duyên cũng thường bơi xuồng đưa Hoàng dạo quanh khu vực những con rạch ven sông để được ngắm nhìn những hoa lục bình tim tím đua nở.

Những sắc hoa mang nét đẹp giản dị, thanh khiết chân chất thật thà giống như Duyên. Cô cũng thường hò tặng cho Hoàng nghe những câu ca dao ấm áp nghĩa tình pha lẫn niềm da diết triền miên về Đồng Tháp thanh bình- nơi quê hương cô được sinh ra và lớn lên:

Hò ơi… Ai về Đồng Tháp xa xôi. Cho tôi nhắn gửi…. Hò ơi… cho tôi nhắn gửi đôi lời nhớ nhung…

Đúng như mong đợi, sau khi tốt nghiệp đại học loại giỏi, Duyên đã được làm việc tại Trung tâm Công tác xã hội. Môi trường nơi đây nó đã trở nên quá quen thuộc đối với cô. Cô bắt nhịp với công việc rất nhanh chóng và hiệu quả.

Thỉnh thoảng, Duyên vẫn phụ chú thím Hai bán hàng trên phà. Cũng ngay lúc này, cầu Cao Lãnh đã hoàn tất chỉ chờ ngày thông xe. Bà con lại vừa vui, vừa buồn.

Vui vì đôi bờ được nối liền, buồn vì sẽ không còn được nghe tiếng rao, tiếng hò khi mời khách nữa. Rồi mọi người sẽ sống ra sao khi không còn được buôn bán trên bến phà đầy kỷ niệm? Bà con khu vực bến phà ai ai cũng dần dần chuyển đi nơi khác buôn bán.

Chú thím Hai cũng không ngoại lệ, cũng có ý định sẽ chuyển lên TP Cao Lãnh để sinh sống. Còn Duyên vẫn quyết tâm chờ đợi Hoàng từng ngày, từng ngày khiến cho chú thím Hai lại rơi nước mắt nghẹn cả lòng:

Trời ơi, thằng Hoàng sẽ không quay lại nữa đâu con à, con đừng chờ đợi nó làm chi thêm vô vọng.

Không! Con tin anh ấy sẽ quay lại. Con sẽ chờ, con vẫn bán hàng trên chiếc phà này đến khi nào Ban quản lý thông báo dù chỉ còn một ngày cuối cùng trên chuyến phà này con vẫn bán.

Nói đến ấy, cô lại khóc nhưng thâm tâm vẫn còn chút hy vọng mỏng manh như ngọn đèn lúc cô cùng Hoàng thả trên sông khi có nước len vào sắp tắt.

Cuối cùng cô nhận được tin từ một anh công nhân gần nhà bảo rằng Hoàng đã có vợ và đứa con gái đã năm tuổi. Quá bất ngờ trước sự thật ấy, Duyên đau đớn không thốt nên lời. Thì ra bấy lâu nay cô đã bị lừa.

Niềm hy vọng về một tình yêu đã dập tắt với biết bao kỷ niệm cùng với người con trai của vùng đất miền Trung. Hôm nay, chỉ còn một ngày duy nhất cô được bán trên chuyến phà nhiều kỷ niệm này.

Những ký ức buổi ban đầu gặp gỡ giữa cô và Hoàng lại hiện hữu. Chuyến phà cuối cùng chiều nay cũng gấp gáp, vội vã để chở những dòng người qua lại.

Giọng rao mời của Duyên như chất chứa nỗi niềm khó diễn tả. Phà Cao Lãnh chiều nay nó lại vắng thưa dần hành khách đã làm tăng thêm nỗi buồn của Duyên nhiều hơn. Bất chợt trên phà Duyên trông thấy thấp thoáng dáng của một người thanh niên rất giống Hoàng.

Hoàng ơi, anh Hoàng ơi…

Cô gọi ai thế, tôi không phải Hoàng!

Vâng, tôi xin lỗi anh, vì tôi thấy phía sau lưng anh trông rất giống một người bạn của tôi.

Thế là chuyến phà cuối cùng đã kết thúc trong sự đợi chờ vô vọng của Duyên. Đan xen vào đó là những cảm xúc tình cảm yêu thương gắn bó biết bao nhiêu năm mưu sinh từ thuở bé cô cùng chú thím Hai buôn bán nơi đây giờ chỉ là kỷ niệm. Cô nhớ nhiều lắm, nhớ bác Năm chạy xe honda ôm, nhớ chị Thủy bán vé số, nhớ dì Tư bán bánh mì thịt, nhớ bé Châu bán yaourt đá,...

Cảnh vật hôm nay sao lạ quá, con nước lớn dường như nó cũng không dâng cao như mọi hôm, mặt nước phẳng lặng cứ trôi nhè nhẹ. Duyên đã chuẩn bị những chiếc đèn mà cô thường thả trên sông vào buổi tối.

Cũng trên bến sông ấy, kỷ niệm xưa đã khơi gợi cho cô những cảm xúc đau buồn. Từng ngọn đèn li ti sáng trên một khúc sông như những con đom đóm nhỏ vẫn tiếp tục chở những ước mơ nhen nhóm trong tâm hồn của Duyên.

Giờ đây Duyên chỉ thầm nghĩ, sống để chăm lo cho cha mẹ và cống hiến hết mình cho công tác xã hội. Đêm đã buông dần trong bóng tối, Duyên vẫn dõi mắt hướng về bến phà, phía xa là ánh đèn lung linh sắc màu trên cầu Cao Lãnh. Duyên chợt nhớ, lúc chiều cha mẹ có bảo rằng:

Hôm nay là chuyến phà cuối rồi con gái ạ, con tranh thủ về sớm ăn bữa cơm cùng cha mẹ nhé!

Duyên nhanh chóng bước ra về khi lòng còn trĩu nặng những lo toan cuộc sống và vội vã về nhà cùng gia đình để thưởng thức nồi lẩu cá linh bông điên điển, hoa lục bình bùi ngọt qua bàn tay khéo léo của thím Hai mà cô ưa thích.