Truyện ngắn: Người trong cuộc

Cập nhật, 07:55, Chủ Nhật, 01/07/2018 (GMT+7)
  •  BÙI KIM THÀNH

Sân trường yên ắng, chỉ tiếng lá rơi. Ông Dở trầm ngâm ngồi đó. Ông nhớ lại thuở hoa niên đẹp như bông tràm trắng cả rừng quê. Ông nhớ và mỉm cười với cái tên mà bạn bè gán tặng. Thuở trường làng ông học dở, vậy là tụi nó đặt ngay cái tên Dở.

Tranh minh họa: Trần Thắng
Tranh minh họa: Trần Thắng

Mấy chục năm đã trôi qua, Tân- người bạn lúc hàn vi- giờ đã trở thành chủ nhân của Tràm Chim, chăm lo giữ gìn cá tôm, chim thú, cây xanh. Hôm ông Dở đến thăm, ông Tân đưa bạn già đến từng cánh rừng tràm, từng hầm cá, vuông tôm…

Hai người lội khắp rừng tràm và nhớ lại ngày thu năm ấy. Ngày vàm Cái Đôi phấp phới tung bay lá cờ đỏ sao vàng. Ba chàng trai tạm biệt gia đình bắt đầu cuộc đời mới. Sau trận thắng lớn Quản Cung, ông và Tân được thăng chức; Vinh được tặng Huân chương. Những trận tiếp theo: Doi Me, Vịnh Đôi, Tân Dương, Gò Tháp…

Ôi nhiều, nhiều lắm nhớ không hết. Ông chỉ nhớ cái ngày bọn Tây lôi thôi, lếch thếch xuống tàu chuồn. Ba người bàn tính: Hòa bình rồi sẽ trở về với rừng tràm, với con kinh, con rạch rồi cưới vợ, có con… Đùng một cái lại đạn pháo dội vào, bom đạn ì xèo và lính Mỹ giết người không tiếc.

Ba người lại ba lô súng đạn trên vai, cùng đi chống càn, nhổ bót, diệt ác, trừ gian… Cho đến mười năm sau ngày giải phóng, ông Dở mới trở lại quê nhà. Tạm biệt biên cương, vừa đặt chân lên đất quê ông lo đi tìm bạn. Và lúc này đây, gặp nhau giữa rừng tràm, họ lại ôn bao kỷ niệm:

- Sau khi tiếp quản Kiến Phong, mình cùng đơn vị kéo lên Hồng Ngự lo giữ gìn biên giới. Vài năm sau đó, mình sắp về hưu. Mới là sắp thôi thì mấy ông bên Tổ chức Chính quyền yêu cầu mình về lại với Tràm Chim. Về với rừng xưa đầy kỷ niệm, mình mừng quá đi chứ. Vậy là mấy ông giao cho mình quản lý cả một rừng tràm. Nay cậu về mừng quá, ở đây tiếp với mình nghe- ông Tân nói.

Ông Dở trả lời:

- Mình còn nhiều việc phải làm. Không hứa với cậu đâu.

Tạm biệt Tân, ông đến thăm Vinh. Ông Vinh đã được điều về ngành giáo dục, với trọng trách mới: Hiệu trưởng trường trung học phổ thông của huyện. Ông Vinh cũng ngỏ lời mời bạn về đây cùng chăm sóc mầm non.

Ông Dở đắn đo. Mình cũng muốn làm việc đó cho quê hương, muốn tiếp với Vinh nhiều lắm, ngặt cái văn hóa mình thấp quá. Mình chỉ đánh giặc giỏi thôi. Vậy là ông về quê dựng căn nhà nhỏ, sớm chiều vui thú với cây kiểng, bonsai. Đứng ngắm kiểng, ngắm cây ông nhớ thằng Sáng quá chừng.

Nó yêu cây mai nhiều lắm. Nó tham gia trận Tháp Mười- thời đánh Mỹ, lúc đó chưa tròn mười tám tuổi. Nó đã biết chọn cái chết vẻ vang để trái mìn điểm hỏa đúng giờ G, để rạng danh Tháp Mười bất khuất. Kẻ nào đụng đến quê hương đều được bài học nhớ đời như vậy đó. Có lần đám học trò đi ngang nhà nói chuyện khiến ông buồn.

- Thời kỳ 49, quân ta thắng nhiều trận như Xẻo Rô, Tua Hai, Giồng Thị Đam, gò Quản Cung- Tháp Mười… Trong đó trận gò Quản Cung ở quê mình có tiếng vang mạnh nhất.

- Mấy bác, mấy chú đánh trận Quản Cung hồi đó, giờ chắc đã hưu trí hết rồi. Đâu ai còn trẻ mà kể chuyện truyền thống cho nghe.

Đứng trong vườn ông cứ muốn gọi ra: Mấy đứa bây muốn nghe chuyện đánh trận gò Quản Cung phải không? Bác còn nhớ như in nè. Nhưng mấy bóng áo trắng đã đi khuất xa rồi. Vừa lúc ấy ông nhận được thư Vinh:

“Hùng ơi! Cậu ra đây với tớ. Ở một mình chắc cậu buồn lắm. Lúc này các cháu học sinh mong có người kể chuyện truyền thống chống ngoại xâm. Chuyện ngay ở quê mình. Chuyện của chính tụi mình đó. Là người trong cuộc thì chuyện càng thêm ý nghĩa. Cậu ráng ra với mình nghe!”

Ra với Vinh cho có bạn bè, đồng đội- ông Dở quyết định. Thế rồi chiều chiều, ông và thầy Hiệu trưởng Vinh cùng uống trà và nhớ lại chuyện xưa. Có lần ông Vinh hỏi:

- Ông thấy sao, đứng trước cả ngàn học sinh nói chuyện về mình có giống ngày nào đứng trước Trung đoàn làm lễ xuất quân?

- Thời đó đứng trước màu xanh áo lính, mình chỉ nói ít mà đồng đội cũng hiểu rồi quyết tâm đồng lòng làm nên chiến thắng. Nay đứng trước cháu con, tâm hồn như màu áo trắng tinh khôi, lại phải nói về chính mình.

Trước hết mình phải là tấm gương, rồi nói sao cho con cháu hiểu được ý nghĩa một thời cha ông hiên ngang với tầm vông vạt nhọn. Từ đó cháu con mới có chí hướng, mới sống có nghĩa nước tình làng.

Ông Vinh:

- Trên sở mới có công văn nhắc ta phải mạnh mẽ hơn nữa việc cấm hút thuốc và nhất là phòng chống ma túy học đường. Việc này vừa làm gấp rút nhưng phải bền bỉ. Vừa có biện pháp mạnh nhưng cũng nặng tình thương. Cần phải được tất cả mọi người cùng bắt tay vào phòng chống.

Về tác hại của thuốc lá, cần sa, ma túy… thì ông hiểu rõ lắm. Nó độc hại như kẻ thù trước kia vậy. Xưa giặc Tây, giặc Mỹ mạnh là thế mà mình vẫn thắng. Còn cái thằng giặc ma túy này nó âm thầm xâm nhập, len lỏi vào từng ngõ ngách làng quê.

Nó là loại giặc khó trị chứ đâu phải là bất trị. Vì nó mà bao gia đình, bao con người tang tóc, đau thương… Ngôi trường này, thị trấn bình yên này phải được bảo vệ, giữ gìn. Ông sẽ lên đường như người lính, ông sẵn sàng “tái ngũ” lần hai. Nghĩ vậy rồi ông nói:

- Mình sẽ tiếp một tay. Ma túy, xì ke đừng hòng len lỏi vào ngôi trường này. Tui sẽ trị thẳng tay.

- Ông đừng nóng. Việc dạy dỗ học trò không thể quá nghiêm như đời lính. Phải mềm mỏng, phải nặng tình thương. Tụi mình còn phải chấp nhận hy sinh như một thời ta là lính.

- Tui hiểu và sẽ làm được. Trước kia, tụi mình ôm súng xông lên không sợ chết cũng là vì quê, vì con, vì cháu. Bây giờ ta không thể là người ngoài cuộc.

Từ hôm đó ông trở thành người bảo vệ trường. Đầu tiên ông đề nghị mấy thầy không hút thuốc trước mặt học sinh và lúc giảng bài. Ông yêu cầu căng tin của trường không bán thuốc hút. Dư luận cũng bắt đầu công kích ông.

Họ lấy những lời khuyên chân tình của ông để pha trò cười cợt…Ông chỉ mong thầy trò khỏe mạnh, đừng để khói độc thiêu cháy cuộc đời, vậy thôi. Ông nào thèm “làm nổi” như kiểu anh hùng cá nhân. Còn ai đó nói về tiền bạc ư? Chẳng bận tâm. Tuổi trẻ ông cùng bao bè bạn theo Cách mạng đâu phải vì tiền…

Năm tháng trôi nhanh, cuộc “tái ngũ” của ông đã gắn bó thật nhiều với mái trường này. Cũng đầy ắp buồn vui như một thời dọc ngang đời lính. Bạn bè có hỏi ông chỉ nhắc lại một vài kỷ niệm nho nhỏ mà thôi.

Đó là những ngày làm bảo vệ, ông đã phải vượt lên dư luận, vượt qua sự ganh ghét của thói đời. Ông thầy Giang một tay ghiền thuốc nặng, hễ gặp mặt ông là nửa thật nửa đùa chế giễu, công kích xa gần.

Những lúc đó, thằng Sáng lại về đứng bên ông. Nếu nó còn giờ cũng trạc tuổi thầy Giang. Cứ vậy, tình thương đã tạo nên sức mạnh cho ông bước tiếp, việc phải làm ông cứ làm. Giờ học sinh ra chơi ông hay đảo qua mấy hàng phượng vĩ, mấy dãy hành lang khuất trên lầu. Bắt gặp học sinh hút thuốc, ông vỗ vai thân tình khuyên dạy.

Nhiều cậu đã bị ông vỗ vai đến hai ba bận. Cậu Trưởng lớp 12A7 đã bị ông bắt quá tam, vậy là ông bắt nó làm cam kết. Từ đó nó hết dám chu cái mỏ để hít khói độc vô người. Cũng từ đó, hễ thấy bóng ông là nó lảng đi chỗ khác: Nó ghét ông! Vậy mà nó lại là đứa thương nhớ ông nhiều nhất.

Ngày 20 tháng 11 vừa qua nó gửi ông món quà cùng mấy hàng chữ ngắn: “Bác Hùng ơi! Cháu sắp ra trường rồi. Ra trường cháu sẽ xin về dạy ở trường ta… Thời gian cháu ở trường đại học tuy xa bác nhưng cháu lại hiểu bác nhiều hơn. Hiểu bác, cháu càng thêm yêu, thêm kính…”

Thật thú vị, gói quà và lá thư lại chính thầy Giang đem đến trao ông. Đưa ông gói quà, thầy Giang nói:

- Đây là gói quà của một học sinh cũ trường ta gởi tặng chú nhân ngày Nhà giáo. Cũng nhân ngày này, cháu xin lỗi chú về sự khiếm nhã bấy nay. Cháu mong chú coi cháu như một học trò, một đứa con của chú.

… Trong lòng ông như có từng đợt sóng. Ông lâng lâng, ông ngất ngây… Rồi ông lại nhớ về con ông- thằng Sáng...