Truyện ngắn: Miền đất mới

Cập nhật, 09:15, Chủ Nhật, 01/04/2018 (GMT+7)

NGUYỄN LINH

Đò cặp bến. Người thanh niên dong dỏng cao, dáng thanh tú, tay xách cái vali, vai quảy một giỏ đồ khá nặng bước lên bờ.

Đi được vài bước bỗng anh vô ý vấp nhằm rễ còng to, nhô lên mặt đất ngã nhào. Mấy cô gái đang giặt đồ, lặt rau gần đó che miệng cười khúc khích: “Trời ơi, đàn ông con trai gì da trắng bóc như con gái. Người thì yếu, yếu như cọng bún thiu. Đi đứng hổng ngó trước, ngó sau để nằm sải lai trên mặt đất hà!”

Tranh minh họa: Trần Thắng (TP Vĩnh Long)
Tranh minh họa: Trần Thắng (TP Vĩnh Long)

Mấy bà đi chợ về thấy vậy, rầy: “Người ta bị té, nằm thẳng cẳng. Đồ đạc nhiều như vậy, tụi bây không chạy tới đỡ tiếp một tay mà còn ở đó cười ghẹo, chọc quê. Thiệt là kỳ!”

Mấy cô bị quở, biết mình quá đáng nên im thít. Có lẽ đau ít mà mắc cỡ thì nhiều nên anh thanh niên lúng túng lấy tay xoa xoa đầu gối. Không ngờ ngày đầu tiên tới cù lao nhận nhiệm sở, Huy- thầy giáo trẻ mới ra trường- lại bị “đo ván”.

Mà, “đo ván” ngay trước mặt mấy cô gái giữa thanh thiên bạch nhật mới khổ. Quê ơi là quê!

Đang lui cui sắp xếp, dọn dẹp lại đồ đạc trong căn nhà nhỏ, chợt Huy nghe cái giọng rổn rảng từ ngoài sân:

- Chào thầy giáo! Mới tới phải hôn?

Nhìn ra, Huy thấy một người đàn ông hơi thấp, da ngăm đang nhìn anh cười. Anh gật đầu, cười đáp lại:

- Dạ, chào chú! Con tên Huy, ghé trường hồi nãy, được chú bảo vệ dắt về đây. Mời chú vào nhà nghỉ. Chú là…?

- Tui, Năm Nở là Trưởng ban đại diện cha mẹ học sinh của trường. Nói Trưởng ban đại diện cho oai vậy chớ có làm được gì lớn lao đâu: Em cháu, đứa nào nghỉ học thì tiếp thầy cô tới nhà vận động tới trường trở lại; đứa nào nhà nghèo thì kêu gọi bà con lối xóm giúp tiền mua tập vở, quần áo. Nếu không đủ, xin thêm tiền… vợ, là xong.

- À, thì ra là chú Năm. Lúc nãy con có nghe chú Bảy bảo vệ nhắc nhiều về chú.

- Cái thằng cha Bảy này, chắc nói xấu gì về tui với thầy giáo rồi.

Chợt Năm Nở giật mình:

- Í! Đầu gối của thầy giáo… làm gì mà bị bầm một đốm xanh dờn vậy?

Huy ngập ngừng, nói bằng cái giọng hơi ngượng:

- Dạ, hồi nãy con vô ý bị… té ở bến đò. Bây giờ ở ngực còn nghe đau đau.

- Có thuốc men gì chưa? Để chiều tui chiết cho một chai rượu thuốc gia truyền trị lói ngực và nhức mỏi đại tài luôn.

- Dạ, chỉ đau chút chút, hổng sao đâu. Chuyện có chút xíu mà phải làm phiền đến chú, con thấy…

Năm Nở chắc lưỡi, cười:

- Ậy, có gì mà ngại. Tánh tui từ nào tới giờ là vậy, thiệt tình, không quen khách sáo, quý mến thầy cô từ xa tới đây dạy học lắm. Chỉ sợ thầy giáo không quen cảnh buồn lại thiếu thốn rồi xin chuyển đi như thầy Quan, cô Sương, cô Tuyết trước đây thôi.

Thấy Huy vẫn còn do dự, Năm Nở tiếp:

- Quyết định vậy đi, chiều tui đem rượu thuốc qua cho, nghen!

*

* *

Đêm cù lao, có tiếng con cá đớp mồi dưới sông, tiếng sóng vỗ lách tách ven bờ. Và ở vạt bần, lũ đom đóm thi nhau pha những ánh đèn nhỏ xíu như hàng ngàn hàng vạn ánh sao sa.

Một tuần, đã một tuần trôi qua, Huy thấy nhớ ánh đèn thị xã, nhớ những dòng xe cộ nối tiếp nhau và những tối ngồi tán dóc cùng mấy thằng bạn bên quán cóc vỉa hè.

Tốt nghiệp sư phạm vào thời buổi thừa giáo viên như hiện nay, rất nhiều sinh viên ra trường không nhiệm sở, Huy được phân công về đây, một vùng quê xa xôi đã là điều đáng mừng.

Nhưng thật tình, anh chưa thích nghi được cuộc sống ở xứ cù lao chủ yếu giao thông là đường thủy. Không bỏ cuộc, Huy định công tác ở đây cho đủ 3 năm rồi tìm cách xin về dạy gần nhà, nếu không thì một nơi nào đó ở thành thị.

Giọng của Năm Nở đã hơi lè nhè:

- Thầy giáo uống rượu dở quá. Nãy giờ, chai này toàn là tui uống không hà. Cả buổi, thầy Huy uống có mấy ly mà mặt mày đỏ ơi là đỏ.

- Dạ, bữa nay… chú mời đến nhà, được gia đình tiếp đón như vầy, con cảm ơn lắm. Tại… thiệt tình… con không biết uống rượu. Hồi học sư phạm, lâu lâu uống chơi với mấy đứa bạn chỉ vài ly bia thôi.

Năm Nở vỗ nhẹ vào vai Huy:

- Ấy dà, ba cái bia bọt vừa tốn tiền vừa không đậm đà bằng “đế quê hương” đâu! Mà… nói thì vậy chớ tui có trách cứ gì đâu- chú ngó ngoái vào trong, kêu- Bà ơi, biểu con Thủy chiết thêm một xị rượu nhàu, tui mời thầy giáo nhâm nhi thêm vài ly nữa, nghen bà!

Từ nhà trong, thím Năm cằn nhằn:

- Cái ông này, thầy giáo uống hổng nổi nữa thì thôi, sao cứ ép hoài vậy? Còn ông, ông cũng hơi mệt rồi, thôi để tui pha bình trà đậm đem ra.

Năm Nở day qua Huy, cười:

- Uống trà? Vậy đi! Hén thầy giáo? Ừ mà, nãy giờ tui quên hỏi thăm thầy vợ con gì chưa?

- Dạ thưa chưa, năm nay con mới hăm ba, mới ra trường, còn nhỏ xíu hà.

Lần này thì Năm Nở cười lớn hơn:

- Hai mươi ba tuổi mà nói là nhỏ. Hồi tui hai mươi là tía má bắt cưới vợ mất tiêu rồi. Lúc đó bả cũng hai mươi, bằng chang tuổi nhau luôn- rồi Năm Nở nhỏ giọng lại, thì thầm vào tai Huy- Nói thiệt nghen, hồi đó bả hơi đen… nhưng hiền và có duyên lắm. Gái miệt vườn mà!

Vừa lúc thím Năm mang trà ra, nự ông chồng:

- Cái ông này, nhậu vô ba hột rồi nói xấu gì tui đó?

Năm Nở giật mình, đánh lảng:

- Nói gì?... Ừ… tui nhắc chuyện hồi đó, chuyện bà mê cải lương dữ lắm, mê nhất Lệ Thủy hát tuồng “Xin một lần yêu nhau” nên đã ba mặt con rồi mà còn ráng kiếm thêm con út để đặt cho được cái tên Nguyễn Hồ Như Thủy giống Hồ Như Thủy trong tuồng mới chịu.

Đang hứng, Năm Nở vô luôn câu vọng cổ: “Thủy ơi, có lẽ thượng đế sanh ra ta và đặt cuộc đời ta nhầm một ngôi sao xấu. Thế cho nên cuộc đời ta cứ mãi lao đao khốn khổ chỉ xin một lần yêu nhau mà không nói được bao… giờ”.

Thím Năm cười với Huy:

- Đó, thầy giáo thấy chưa, cải lương đã ăn vô máu ổng rồi, vậy mà nói tui mê. Nhưng ở xóm này, đâu chỉ một ông già Năm mê ca tài tử, cải lương. Hễ có đám cưới, đám hỏi, đám giỗ, cúng rồi mùa, cúng ông Chuồng bà Chuồng, có khi không tiệc tùng gì cũng bày ra nhậu. Vô chừng vài ly là mấy ổng ca, có bữa kéo nhây gần tới sáng luôn.

Nghe vợ nói, Năm Nở không giận, lòng chợt rộn ràng như được sống lại cái thuở mười chín, đôi mươi:

- Mà, tui ca hay chớ bộ. Bà còn nhớ hông, hồi tía má tui cậy người tới nhà dạm hỏi, tía bà nói: “Phải cái thằng ca thiệt mùi, giống y chang Minh Phụng không? Nếu là thằng đó… tui chấm à nghen!”

Thím Năm mắc cỡ, nguýt ngang:

- Cái ông này, bữa nay có thầy giáo tới nhà, nhắc lại chi ba cái chuyện hồi đó. Già rồi, hổng sợ người ta cười.

Thím Năm mắc cỡ bỏ vào trong.

Đêm đó, Huy và chú Năm ngồi uống trà tâm sự đến khuya. Qua chú Năm, Huy đã hiểu được chân tình của dân xứ cù lao tuy nghèo vật chất nhưng giàu tình cảm. Sự hiếu khách và tấm lòng chơn chất ấy, lắm khi ở chốn phồn hoa đô hội không bao giờ có được.

Sáng chủ nhật hôm sau, Thủy đến nhà thầy Huy, ngập ngừng:

- Hồi hôm… ba nhậu, má… thức sớm nấu nồi cháo trắng. Sẵn dịp di chợ, má biểu em… đem qua cho thầy ăn lấy thảo. Cháo trắng ăn với dưa mắm ngon lắm. Dưa do em làm, thầy ăn thử coi có ngon hôn?

- Lại làm phiền chú thím và Thủy nữa rồi. Tui ngại quá! Ờ mà, mơi mốt Thủy cứ kêu tui là Huy, anh Huy. Thầy giáo, thầy của tụi con nít thôi.

- Dạ ừa! Mà, hồi hôm thầy… í quên, anh Huy nói chuyện với ba em nghe hay ghê!

- Hay gì mà hay, không quen uống rượu nên mới có mấy ly mà nặng đầu quá chừng. Ủa, giờ đó Thủy còn thức sao? Có nghe tui có nói gì… bậy bạ lúc say rượu không?

- Bậy gì mà bậy! Được học cao, được làm thầy giáo nên nghe anh nói chuyện hoài Thủy hổng biết chán. Nếu bây giờ em còn nhỏ là xin vô lớp để được nghe anh giảng bài rồi.

- Thủy thiệt là biết nói đùa, tui nói chuyện thì… có gì hay ho đâu. Ờ, hồi hôm nghe chú Năm nói ý nghĩa của cái tên Hồ Như Thủy của cô, thấy cũng hay hay.

Thủy ngượng ngùng, hai tay xe vạt áo:

- Anh nói thiệt hôn? Vậy mà người ta nói Hồ Như Thủy, cái tên nghe sến sến… “cải lương”.

Sau hôm đó, mỗi chiều Thủy hay ra ngồi ở bờ sông nhìn dòng nước chảy. Giờ này Huy đang làm gì? Ở một mình ai sẽ nấu cơm, kho cá cho anh ăn? Mà, nghĩ gì mông lung vậy ta? Hổng lẽ mình đã thương ông thầy giáo rồi? Cặp mắt? Cái mũi cao cao? Hay cái miệng khi cười hay nói chuyện đều có duyên? Thiệt tình, thương mà biểu nói thương cái gì, khó lắm.

Mượn cớ gặp mặt, Thủy nói mình rất thích đọc truyện làm ông thầy giáo tưởng thật, cho mượn quyển tiểu thuyết “Đôn Ki-hô-tê”. Trời đất, sách gì đâu mà dài ngoằng, đọc chắc có nước chết. Thủy lè lưỡi ngao ngán.

Tuy nhiên, như có một sức mạnh, đêm đêm cô cứ cố gắng miệt mài bên những hàng chữ dài nhăng nhít. Chú Năm thấy vậy cười: “Bà ơi, con Thủy đổi tánh rồi, không mê vọng cổ, cải lương nữa. Bây giờ nó như con mọt sách, chuyện lạ chưa?”

Là người mẹ rứt ruột sanh ra con, cho con bú dòng sữa, nhìn con lớn lên từng ngày, thím đoán được lòng nó đang nghĩ gì nên đâm lo: Hổng lẽ con Thủy đã để bụng thương người ta rồi? Thím sợ rồi đây con gái mình sẽ khổ. Không biết gia cảnh người ta thế nào nhưng là dân thành thị lại có học thức; con mình, nhà quê đã đành lại còn… ít chữ nghĩa.

Hôm Thủy mang sách đến trả, Huy nói:

- Tác giả xây dựng hình tượng nhân vật hay quá hén, Thủy?

Trời đất, xây dựng hình tượng nhân vật là cái gì? Thủy ậm ừ:

- Ừ… hay thiệt!

- Vậy giữa Đôn Ki-hô-tê và Xan-chô Pan-xa, Thủy thích nhân vật nào?

Ông Xéc-van-téc ở tận mãi trời Tây nào hổng biết, khi không lại viết cái chuyện đánh nhau với cối xay gió, xay bột gì đó làm Thủy không hiểu gì hết trọi đành trả lời theo kiểu phân hai:

- Ừ thì… hai ông đều có cái hay riêng. Thủy thích cả hai.

Vậy mà Huy lại vỗ tay, khen:

- Tui phục tài cô luôn, xét người, xét việc quá giỏi! Tính tốt của hai nhân vật nếu gộp lại cho một người thì thật sự là hoàn mỹ.

Thủy mắc cười trong bụng: Ừa hén, mình tài thiệt! Nói đại mà hên, trúng ngay trân luôn.

Một lần khác, Huy cho Thủy mượn quyển “Chí Phèo” của Nam Cao. Nhằm đợt dọn đất xạ lúa, ban ngày cô phải quần quật ngoài đồng tiếp ba má, đêm mỏi mệt nằm ngủ thẳng ống. Chưa đọc chữ nào ngặt trong bụng cứ muốn qua bên đó để gặp mặt người ta nên làm liều đem trả: Chắc hổng sao, ảnh có hỏi gì… mình đánh lảng nói những chuyện khác là được.

Không ngờ vừa cặp xuồng vào bến, Huy chạy xuống, tay thì phụ cột dây lòi tói vô gốc gừa, miệng thì hỏi theo kiểu kiểm tra bài học sinh:

- Chí Phèo của Nam Cao quả là có một không hai trong Văn học Việt Nam. Theo Thủy, Chí Phèo đáng thương hay đáng trách?

Thủy đứng thừ người, biết chết liền. Chí Phèo là nhân vật chánh, ổng nổi tiếng vậy sao ta? Hồi nào tới giờ, bất luận là tiểu thuyết hay cải lương, vai chánh đều là người tốt, đều đáng khâm phục. Thủy ngập ngừng:

- Dĩ nhiên Chí Phèo… là người… rất đáng thương. Đọc xong em thấy ngưỡng mộ vô cùng.

Huy sửng sốt, trố mắt:

- Dĩ nhiên Chí Phèo rất đáng thương! Hay! Hay! Nhưng… tui sợ cô luôn! Ngưỡng mộ Chí Phèo? Đùa phải hôn? Ừ, thích đùa kiểu đó lỡ có thiệt, mơi mốt gặp ông chồng y chang anh Chí là chết chắc luôn.

Thủy cười thầm: Hú hồn hú vía! Mơi mốt chắc bỏ cái chuyện mượn sách rắc rối này luôn quá ta! Rồi cô đánh lảng:

- Anh Huy dạy Văn. Em nghe nói giáo viên Văn làm thơ hay lắm. Bữa nào rảnh, anh sáng tác một bài tặng em, nghen?

Huy cười, hàm răng trắng, đều bon. Không hiểu sao khi nói chuyện với Thủy anh hay cười lắm. Có bữa, nụ cười của anh đeo đuổi cô đến tận giấc mơ.

- Thơ, cũng tạm thôi. Chủ yếu là viết cho vui, nhưng có khi buồn cũng viết, để đỡ nhớ một người nào đó chẳng hạn. Mời Thủy lên nhà, tui có bài thơ mới viết mấy ngày nay gởi cô đọc thử, nếu có dở thì đừng cười, nếu thấy hay thì tặng cô làm kỷ niệm.

Tối hôm đó, đợi ba má ngủ hết, Thủy hồi hộp đọc bài thơ của Huy tặng. Không ngủ được, cô cứ đọc tới đọc lui và ngẫm nghĩ hoài hai câu cuối:

“Tóc thơm em xõa ngang vai

Làm anh thao thức nhớ hoài mỗi đêm”.

“Em” của anh Huy là ai? Viết tặng mình… là mình sao ta? Mấy ông dạy Văn coi vậy mà lãng mạn thiệt, thương thì nói là thương bày đặt nói tóc thơm này, tóc thơm nọ. Mà… ủa, hổng lẽ tóc mình thơm thiệt? Thơm hồi nào hổng biết vậy ta?

Hèn gì, mỗi lần ngồi gần anh ấy, mình đều nghe… rất dễ chịu. Hổng lẽ đó chính là mùi thơm mà chỉ có con trai và con gái mới cảm nhận được từ nhau, khi họ yêu nhau?... Bao suy nghĩ ấy đã đưa Thủy vào giấc mơ đẹp.

*

* *

Nắng chiều thật đẹp, Thủy bơi xuồng chở Huy đến nhà thăm đứa học trò bị bệnh. Thủy nghe sượng trân (mà vui) khi bắt gặp ánh mắt tò mò của các cô, các chị đang ngồi giặt đồ, rửa chén dưới bến. Chắc họ nghĩ hai người đang yêu nhau?

Trên đường về, trời đã nhập nhoạng, giữa trời nước mênh mông, Thủy ao ước giá như trong lúc này cô được Huy thố lộ tình cảm thì cô sẽ sung sướng và hạnh phúc vô cùng. Đằng này, Huy cứ dửng dưng nói toàn những chuyện nắng, chuyện mưa. Cuối cùng, lấy hết can đảm, Thủy ngập ngừng hỏi Huy bằng cái giọng thật nhỏ:

- Anh Huy nè, hôm bữa anh tặng em bài thơ… sao mà… khó hiểu quá chừng.

- Vậy à! Anh nói về cây gừa. Mỗi ngày nhìn xuống bến thấy cây gừa buông rễ dài giống cô gái xõa tóc nên viết vậy. Trong văn chương, người ta gọi là ẩn dụ, là nhân hóa. Cũng như trong bài thơ “Nhớ con sông quê hương”, Tế Hanh đã viết: “Quê hương tôi có con sông xanh biếc / Nước gương trong soi tóc những hàng tre”. Hay lắm!

Lời nói chân tình của Huy khiến Thủy nghe hụt hẫng. Vỡ mộng rồi. Cô bậm môi bơi miết cho mau tới bến cây gừa- người tình trong thơ của ông thầy giáo dạy Văn đáng ghét.

Nhưng vừa bước lên bờ, bỗng Huy quay lại nhìn Thủy, nói:

- Thủy, bắt đầu từ ngày mai… Thủy làm người yêu của anh nhé?

Thủy ngượng ngùng, sửng sốt: Trời ơi, đàn ông con trai gì tỏ tình kỳ khôi vậy? Yêu mà phải ngày mai, ngày mốt. Yêu mà biểu người ta ừ, ừ cái rụp như chọn hàng để mua.

- Thủy gật đầu đi! Anh năn nỉ đó!

Thủy hồi hộp, trái tim nhảy lung tung như muốn rớt ra ngoài.

- Chuyện là vầy, ngày mai bạn gái của anh xuống thăm. Mấy tháng nay, anh nói giỡn qua điện thoại nếu không xuống đây thường xuyên, anh sẽ có bạn gái mới. Cổ trề môi nói anh xấu trai vầy ai mà thèm ưng.

Vậy ngày mai em giả bộ làm người yêu của anh chọc cho cổ tức chơi. Nhưng… giả bộ một chút cho vui thôi kẻo anh bị người yêu hiểu lầm thiệt thì khổ lắm, nghen cưng!

Thủy thở dài, nghe tiếng côn trùng đang kêu đêm lẻ bạn. Đâu đấy, còn có cả tiếng con cá đớp mồi, thiệt buồn dưới ánh trăng non. Cô bơi miết, từng tiếng dầm buông xuống, lanh canh, khô khốc như khua vào đá.

Huy nhìn theo, người ta là con gái, mình nói giỡn như vậy có lẽ hơi quá đáng. Mà không, rất quá đáng.

Thật tình hồi học sư phạm anh đã có người yêu, nhưng một khi quyết định về cù lao này dạy học thì mối tình thời sinh viên đã là dấu chấm hết vì gia đình của người yêu giàu có, muốn anh làm kinh doanh, bỏ nghề dạy học mà anh đã yêu thích từ hồi học phổ thông.

Rồi từ lúc về đây, anh đã dần nhận ra và hiểu được tình người giữa một vùng quê còn nhiều khó khăn cách trở. Với Thủy, anh đã cảm nhận được tình cảm của cô gái quê, vụng về nhưng chân thật và hồn nhiên dành cho mình.

Đêm, gió từ sông Cái vẫn thổi đưa sóng vào bờ. Tiếng cá quẫy dưới trăng, tiếng tôm búng càng cặp mé, tiếng chó sủa đầu vàm,… không biết tự bao giờ nhịp sống êm đềm như hơi thở của xứ cù lao dần trở nên thân quen. Huy nghe ấm lòng, nơi này chính là vùng đất mới.