Truyện ngắn: Sắc xanh trong cõi mộng

Cập nhật, 22:15, Thứ Hai, 19/02/2018 (GMT+7)

 

HỒNG SƠN

Tranh minh họa: Trần Thắng
Tranh minh họa: Trần Thắng

Chị Bông và anh Cần cùng ngả người xuống thảm rạ mới sực nức mùi thơm, mái tóc đen nhánh óng ả, ngát hương bồ kết của chị trải dài lên cánh tay gân guốc của anh Cần.

Mắt họ đều mênh mông dõi vào bầu trời đêm lưa thưa sao mọc rực lên lóng la lóng lánh. Mây đen bị rách toạc ra thành từng cụm vật vờ trôi lang thang bởi ánh đèn dù ma quái của giặc. Vầng trăng khuyết hãi hùng chẳng dám phô hết mình, cứ thập thò ẩn hiện.

Như chợt nhớ ra điều chi, anh Cần bật dậy như cái lò xo từ lâu bị nén:

- Anh phải đi thôi!

Chị Bông phụng phịu hờn dỗi, ngượng ngùng níu tay anh Cần lại:

- Cùng đếm sao trời với em thêm chút nữa đi anh! Không lâu đâu em theo gia đình tản cư ra chợ rồi.

- Thông cảm cho anh thật nhiều em nhé! Nhà chỉ có hai mẹ con, mẹ lại bị mù. Anh phải tranh thủ đi kiếm mớ cá, nắm rau đem về cho mẹ để dành ăn lâu ngày, vì các chú cho biết ngày mai địch mở trận càn lớn vào khu căn cứ của ta. Anh bận cùng đồng đội chống càn chắc chẳng về lo cho mẹ được.

- Ừ, ờ… Thôi, đi nhanh đi anh!

 Với vẻ sốt ruột, chị Bông giục anh Cần đi rồi còn nói với theo:

- Anh cứ an tâm chiến đấu. Sáng sớm em sẽ sang nhà thay anh chăm sóc bác!

Chị đứng lặng im nhìn theo dáng người thương, người chiến sĩ du kích kiên cường bước đi lẻ loi trong hiu quạnh nhưng hiên ngang quắc thước vô cùng! Chị Bông cảm thấy tự hào và buồn. Nỗi buồn xa xăm mơ hồ làm chị thấy sợ và đau nhói trong tim.

Bỗng dưng chị Bông thấy những ngôi sao trong đêm. Mà không, những giọt nắng ban mai mới lạ lùng! Chúng nghịch ngợm nhảy múa trên mí mắt làm chị Bông giật mình tỉnh giấc, ngơ ngác nhận ra mình vừa trải qua một giấc mơ.

Trời đất! Đã gần năm mươi năm rồi, thời gian quá dài trong một đời người, đủ cho mọi việc đi vào quên lãng. Vả lại chị Bông nay cũng ngoài sáu mươi tuổi, màn sương đã phủ đầy trên mái tóc.

Vậy mà chị vẫn còn nặng nợ với mối tình đầu thời chiến tranh ngập tràn bom đạn. Ôi! Phải chăng con người sống trong hoàn cảnh chiến tranh khắc nghiệt vẫn luôn có một tình yêu rất đỗi trong lành, đằm thắm, lặng lẽ và kiên trinh lắng trong họ như là hơi thở?

Hồi ấy, chị Bông đẹp lắm! Mới ở cái tuổi trăng tròn chị đã sở hữu một nhan sắc khuynh thành mơn mởn thanh xuân.

Với thân hình thon thả, bờ vai tròn trịa. Trời ơi! Biết bao nhiêu cặp mắt đậu vào đó nên khai sinh vô vàn lời gió mây thoáng qua tai người đẹp.

Nhưng người đẹp tên Bông chối bỏ tất cả tình cảm của các “vệ tinh” lượn lờ mai phục bởi chị và anh Cần- một thanh niên chất phác thật thà, cha đã anh dũng hy sinh trong thời kỳ chống Pháp, mẹ bị mù lòa từ lúc tuổi lên ba do căn bệnh sởi trở nặng đã phải lòng nhau.

Họ yêu nhau không bởi dục vọng, thói khát muốn danh lợi tiền tài mà vì anh chị là hình mẫu một người chồng, người vợ đúng như thiên hướng tình cảm của cả hai người. Vẫn tưởng anh Cần và chị Bông sẽ cưới nhau.

Đám cưới nghèo chắc không có tiếng sâm-banh nổ bôm bốp, những sợi kim tuyến bắn lên mù mịt mà chỉ có tiếng súng cầm canh từ bót đồn, các điểm chốt chặn của địch. Và ánh chớp lóe lên của đạn pháo, ánh sáng nhòe nhoẹt hỏa châu cắt vụn bầu trời đêm chốn bưng biền.

Cưới xong, họ sẽ dựng tổ ấm của mình ngay trên đỏ lự phù sa hay nên mơn mởn lúa dậy thì hoặc trong vàng ươm mùa gặt. Nhưng nào ngờ chiến tranh không ngừng tiếp diễn, càng lúc càng khốc liệt hơn, bom đạn quân thù ngày đêm xé nát xóm thôn, sự mất mát gặm nhấm từng nhà từng người một.

Anh Cần nghe theo tiếng gọi da diết của quê hương, gác lại chuyện cưới xin, gia nhập vào đội du kích xã, vừa vào ra lửa đạn, vừa làm ruộng, bắt ốc, hái rau và chăm sóc người mẹ khiếm thị.

Chị Bông buồn chẳng phải không được cùng thổi cơm và sống chung một mái nhà với anh Cần, mà chị buồn vì bản thân không dám vượt khỏi vòng lễ giáo, để mạnh dạn đến sẻ chia cưu mang đùm bọc giúp đỡ gia đình người mình yêu.

Đôi mắt chị hay cay xé, mòng mọng nước bởi xót thương khi biết anh Cần đi đánh giặc nơi đâu trong ba lô lúc nào cũng có cái nồi nhỏ. Giặc tan rồi anh nhảy đùng xuống mương mò cá kho khô, để tối đem về cho mẹ.

Anh còn đắp cái trảng xê trong nhà, nắm tay mẹ dẫn vào ra thực tập, để khi nghe tiếng pháo giặc “đề ba” mẹ cứ theo quán tính mà lao xuống đó giữ lấy mạng mình.

Trong chiến tranh sự sống và cái chết kề cận nhau từng giây từng phút nhưng tình cảm con người vẫn yêu thương, gắn bó với nhau. Sau mỗi bận anh Cần và đồng đội bẻ gãy những trận càn của giặc, làng xóm trở nên vắng ngắt, cây cối còn lại xác xơ, khói đen ngòm bồng bềnh trôi từng mảng trong không trung, che khuất những gì từ xa.

Chị Bông bất chấp hiểm nguy bươn bả lội sông băng đồng tìm kiếm anh Cần. Khi gặp được anh, chị chan nước mắt lên ngực người thương. Sau đó họ lại bước loanh quanh trên những lối đi đầy kỷ niệm.

Họ đắm mình trong khung cảnh êm đềm sau cơn bão lửa mà mơ đến ngày nước nhà độc lập, rồi tất bật hái những cọng rau muống cứ vươn dài xanh tươi non mướt, ngọt ngào nhựa sống. Và còn cất chiếc vó, giở mấy cái lọp, đổ những cái lờ.

Ô! Vô số cá tôm nhảy xoi xói, con nào cũng to tròn, bụ bẫm, vảy lóng lánh như dát bạc trông thật thích mắt. Anh chị hớn hở đem thành quả của mình vừa kiếm được về nhà, cùng mẹ chung tay nhóm lửa cho khói cà ràng bay quẩn quanh chái bếp.

Bữa cơm đạm bạc, cái nụ cười móm mém hả hê của người mẹ mù, đôi gái trai lặng im nhấm nháp dư vị tình yêu mình đang có. Thế là hạnh phúc đó. Trông giản đơn quá! Nhưng chiến tranh thì không đơn giản, vì tội ác luôn ngự trị và thăng hoa để gieo bất hạnh ở mọi lúc mọi nơi thì khắp làng quê nham nhở, xấu xí, đầy thương tích này tìm đâu ra hạnh phúc?

Thật vậy, thời gian nặng nề trôi đi. Đất quê lầy lội nắng mưa vẫn còn rung lên bởi bom trộn pháo bầy, đau thương tang tóc vẫn còn len vào từng nhà, giáng xuống đầu hết người nọ đến người kia, để hờn căm rúng động tận trời đất!

Chị Bông bị mẹ cha buộc phải theo gia đình tản cư ra chợ quận, để tránh cảnh thừa mứa đạn bom. Tội nghiệp! Chị Bông cùng nhiều người tản cư cồng kềnh, nhếch nhác, nặng trĩu ưu tư ra đi mà lòng nghe quặn thắt tình làng nghĩa xóm.

Ai nấy đều biết trước rồi đây họ sẽ nhớ từng giàn bầu, bông lúa, cây dừa ngả ngọn trên sông và những con người xuề xòa trung hậu một lòng với quê hương đất nước.

Trong số những con người ấy có anh Cần- một nông dân có hoàn cảnh gia đình thật đáng thương, người du kích dạn dày khói lửa, có gương mặt cương nghị, đôi mắt rất sáng, cái miệng hơi rộng để lộ nụ cười kiêu hãnh và tự tin.

Xa quê rồi, gia đình chị Bông sống trong ngôi nhà sàn ở vàm sông cách chợ quận một đỗi. Có một buổi chiều mưa rả rích. Giọt giọt trầm buồn rụng trên mái lá, rớt vào hồn người như đánh thức quá khứ vừa chợp mắt.

Chị Bông ra đứng cửa sau, mắt đau đáu nhìn về phía quê mình, nơi có cây đa đầu làng, bến sông cuối xóm, có khói cơm chiều cuộn bay. Và có khúc sông đỏ nặng phù sa, ngày hai lượt lớn ròng, chở hoa lục bình gợi nhớ gợi thương cho lòng thủy chung của cô gái ly hương cũng mang màu hoa tim tím đó.

Cần ơi, bây giờ anh đang diệt giặc tận chốn nào? Và chắc mẹ vẫn ngồi tựa cửa thắt thỏm ngóng chờ đứa con độc nhất của mình đến đỏ mặt. Còn riêng em thì thấy lòng trống vắng, thương mẹ, nhớ mong anh tới bồn chồn.

Em tự nhủ với lòng phải bền vững trung trinh trong cuộc đợi chờ anh ạ. Rồi có đêm em mơ thấy được về với anh: “Anh yêu em thật lòng!” Phải không anh? Nghĩ đến đây, má chị Bông ửng đỏ, vì ngượng ngập.

Cũng may ngay lúc chú Tư Thòn- cha của chị Bông- mở chiếc ra-đi-ô ấp chiến lược đã vực chị Bông về với thực tại, chia tay cùng suy nghĩ vu vơ, lấy lại phong độ cũ. Rồi chị lại lo sợ cho người yêu.

Anh Cần là xã đội phó, đánh giặc có tiếng nên bọn địch lúc nào cũng rình rập giết chết anh cho bằng được, để vơi đi nỗi kinh hoàng khiếp đảm! Chiến tranh mà, chỉ có một quy luật thôi, ta bắn kẻ thù hoặc kẻ thù bắn ta!

Vào một buổi sáng tinh mơ. Bầu trời trĩu nặng mây đen. Không gian như vỡ ra từng mảnh giòn tan, khua vào nhau lanh canh vì tiếng pháo giặc. Chị Bông nhận được hung tin: “Anh Cần bị phục kích trên đường về với mẹ.

Anh chết trong tư thế nằm sấp, hai tay giang rộng. Mấy con cá lòng tong và bó rau muống héo rơi vãi trên mặt đất cạnh chỗ anh nằm”. Trời ơi! Chị Bông ngồi phệt xuống, người nhũn nhão chừng như không còn một chút sức lực nào nữa.

Nỗi đau đớn đến tột cùng đã trở thành tê bại, khiến chị Bông rơi vào trạng thái vô cảm. Khi tỉnh lại, chị tìm mọi cách rước mẹ anh Cần về nhà mình phụng dưỡng, ít lâu sau mẹ qua đời vì nhớ con nên sinh bệnh nặng.

Nước nhà thống nhất. Chị Bông vẫn chưa chịu lấy chồng. Chị ở vậy nhọc nhằn gánh tuổi tác trên vai, cùng với nhan sắc mỗi ngày một mất đi.

Đôi lúc, chị Bông thèm râm ran cảm giác là cô thôn nữ của thời ly loạn. Cái cảm giác ấy cứ lớn dần, sưng mọng lên rồi thỉnh thoảng chui vào giấc mơ và giấc mơ này theo chị cho đến tận ngày nay, khi tuổi đã xế chiều.