Truyện ngắn: Gió mồ côi

Cập nhật, 11:06, Chủ Nhật, 11/02/2018 (GMT+7)

NGUYỄN LINH

Không biết gặp năm xui tháng rủi gì mà chỉ trong vòng một tháng, Ái gặp liên tiếp bao nhiêu chuyện rắc rối. Đầu tiên là đang bữa cơm bỗng nhai trúng hột sạn, đau ứa nước mắt, Ái bị mẻ một cái răng, đi trám thẩm mỹ hết mấy trăm ngàn.

Hai hôm sau, trên đường về nhà trọ, Ái lại bị hai cậu nhóc đâm xe vào, bong gân chân, phải nghỉ làm, nằm nhà hết mấy ngày. Chuyện rủi không chỉ dừng lại ở đó. Hơn mười ngày sau, quán “Mây Chiều” bị công an tới “thăm”, hốt trọn gói.

Ái và mấy cô bạn bị bắt quả tang trong trang phục ít vải, rót bia mời khách ở phòng karaoke thiếu ánh sáng. “Mây Chiều” bị lập biên bản, các cô bị đưa về trung tâm cải tạo.

Ở trại cải tạo, người ta thấy Ái không biết buồn. Chuyện không có gì lạ, hồi ở quán “Mây Chiều”, Ái có biệt danh là “Sư tỷ”. Cô Ái Sư tỷ không người thân, lòng lạnh như nước đá.

Nhưng một hôm, có người đàn bà đến trại cải tạo làm từ thiện. Gặp Ái, bà ta toàn nói những chuyện đâu đâu. Ngặt nỗi chính những chuyện đâu đâu ấy lại khiến lòng Ái nghe xốn xang.

Đang làm cỏ quanh gốc bàng, Ái bỗng nghe giọng nói của một người đàn bà:

- Nè cháu, sao không nghỉ tay, vào trong nhận phần quà?

Bằng cái giọng lạnh lùng, dửng dưng, Ái nói:

- Để quà đó cho những người nghèo hơn, khổ hơn. Ở đây, có chỗ ngủ, không tốn tiền nhà trọ; không phải dùng miệng nói những lời giả dối bên những ly bia nhạt nhẽo, chiều lòng khách để kiếm chén cơm, manh áo. Được sống như vầy là phước ba đời, sướng như tiên rồi còn gì.

Ái trả lời, mặt tỉnh rụi nhưng nghe chừng cay đắng lắm. Cô không ngẩng lên, chỉ khẽ liếc sang đôi bàn chân trắng nõn nà của người đàn bà.

- Cháu gái ơi, có phải quê con ở Mỹ Hòa không?

Từ nào tới giờ Ái là chúa ghét những người mới quen biết mà hỏi thăm quê quán nên xẵng giọng:

- Không phải! Mỹ Hòa ở đâu tôi chưa hề nghe nhắc tới.

Người đàn bà vẫn không nản lòng, hỏi vặn thêm:

- Vậy con có biết ai tên Thoa, bé Thoa hay không?

Ái ngẩng mặt nhìn lên. Người đàn bà sửng sốt:

- Cô… Cô… Con là Thoa, con anh Đương, Hai Đương phải không?

Đến lượt cô gái giật mình, nhìn chằm chằm vào gương mặt người phụ nữ đã hằn vết chân chim nhưng cặp mắt và đôi môi vẫn còn minh chứng cho vẻ đẹp của một thời xuân sắc. Cô thảng thốt:

- Không, bà lầm rồi! Tôi là trẻ mồ côi. Ái, cái tên từ nhỏ đến giờ vẫn vậy, không thay đổi.

- Vậy à!- Người đàn bà thất vọng, thở dài - Mỹ Hòa là quê hương, Hai Đương và bé Thoa là người thân đã thất lạc mười lăm năm. Mà không, tui đã bỏ rơi núm ruột của mình lúc đứa con tuổi vừa mới lên mười.

Ái nhếch môi, cười nhạt:

- Đang tâm bỏ con, bây giờ tìm nó để làm gì? Chắc chờ con tha thứ?

Người đàn bà im lặng, hình như có những cơn sóng đang âm thầm gợn lên trong lòng, nhẹ nhàng mà đau như vết thương đang sưng tấy. Câu nói của cô gái làm bà nhớ lại như in tất cả những chuyện của ngày xưa. Mà, mỗi lần nhớ lại là mỗi lần lương tâm bà không thể nào tự tha thứ cho bản thân mình.

Còn Ái, ngay lúc này đây, cô muốn chạy đến ôm chặt người đàn bà mà kêu lớn: “Má! Má ơi! Con là Thoa, bé Thoa của má nè!” Nhưng… bỗng dưng có vật gì đó rất nặng kéo chân cô lại, nghẹn ở cổ. Tiếng má bị dồn nén, tiếng má mà cô đã thèm, đã nhớ suốt mười mấy năm ròng.

Người đàn bà ngồi xuống băng đá, khẽ khàng nhìn vào khoảng không rồi tặc lưỡi:

- Hồi đó, vì không sống nổi với cảnh nghèo, quanh năm túng thiếu nên tui đã đang tâm bỏ rơi cha con nó mà đi tìm hạnh phúc mới, tìm cuộc sống sung sướng cho riêng mình. Giờ lớn tuổi rồi mới nhận ra mình sai, đã muộn.

Đối diện với người đàn bà, nghe bà ta nói, trước mắt Ái bỗng hiện ra một cái bãi bồi bên dòng sông Hậu có chi chít những cây bần con phơi mình trong nắng rát. Dưới bóng ô môi là căn nhà lợp lá, vách cũng bằng lá. Trước cửa, cặp hàng ba là hai cái lu Thủ đựng nước mưa. Chái bếp cách nhà một khoảng sân nhỏ, thấp lè tè, đóng đầy bồ hóng,…

Người đàn bà lại thở dài:

- Hồi đó, ba con Thoa hiền lắm. Hàng ngày, ảnh đi hớt tóc dạo, được bao nhiêu tiền đem hết về cho vợ, cho con. Tối, ảnh hay biểu con Thoa bóp tay, bóp chân cho đỡ mỏi. Con bé ngoan ngoãn vâng lời, nó lui cui đấm bóp bằng đôi tay nhỏ xíu, thấy cưng lắm. Bây giờ, cũng mãi đến bây giờ, mỗi khi nhớ lại tui mới nhận ra đó chính là hạnh phúc.

Cô Ái Sư tỷ lòng lạnh như băng chợt nghe máu nóng đang chảy rần rần trong cơ thể và con tim như có bàn tay vô hình nào đó đang bóp chặt khiến nó nghẹt đến thoi thóp.

Má ơi! Chuyện hồi đó ở quê nghèo Mỹ Hòa má nhớ có bao nhiêu đó thôi sao? Mỗi chiều, má hay dắt con ra cửa, ngồi ở gốc ô môi đón ba đi hớt tóc về.

Có bữa trời tối rồi, má biểu con ăn cơm trước, má chờ ba về cùng ăn: “Tội nghiệp ba mầy lắm.Sáng, cứ ăn hoài một nắm xôi của bà Năm; trưa thì cứ mì tôm dọc đường cho qua bữa”. Những ngày ế ẩm, ba phải đi bộ thiệt xa, chiều về hai bàn chân sưng húp. Vậy mà ba không chịu uống thuốc Tây, chỉ toàn thuốc Nam thôi. Ba sợ tốn tiền. Mười mấy năm nay, có khi nào nhớ lại má nghe lòng mình xót xa không? 

Má còn nhớ cái hôm được ông Chín hàng xóm tặng chiếc xe đạp “đòn vông” cũ, không vè, không thắng, căm xe trệu trạo, vậy mà ba mừng như thể bắt được vàng. Ba nói: “Được con ngựa sắt, sau này chắc gia đình đỡ khổ”.

Vậy mà má lại bỏ đi. Mờ sáng hôm ấy, không thấy má, con khóc thét lên, ba dỗ dành bằng đôi mắt ráo hoảnh. Sau này lớn lên, con mới hiểu ba đã khóc trong lòng. Mắc khóc mà bắt nín, mà không được khóc. Thử hỏi có đau không má?

Những ngày vắng má, nửa đêm, con thường thấy ba lén ngồi khóc một mình. Ba sợ lòng con đau. Nhưng ba đâu biết rằng mỗi khi nhìn cái dáng gầy gầy, đôi vai khẽ run lên trong bóng đêm là lòng con càng đau hơn, tái tê như có vết dao đang khứa. Tuần vắng má đầu tiên, con khóc nhiều lắm.

Ba dỗ: “Má đi làm ăn xa, Thoa ngoan, mơi mốt má về sắm cho quần áo mới”. Thế nhưng ngày qua ngày, tháng qua tháng mà má vẫn không về. Má đi luôn! Đi thiệt rồi! Con khóc!

Kỳ kinh nguyệt đầu tiên hồi con mười lăm tuổi, ba luýnh quýnh chạy đi tiệm mua về một xấp băng vệ sinh, biểu: “Qua nhờ bà Năm bán xôi dạy cho”.

Là con gái, con thẹn thùng quay bước nhưng kịp nhận thấy mấy giọt nước đang rịn ra từ đôi mắt trũng sâu, buồn thăm thẳm của người cha. Má ơi, phải chi giây phút ấy có má, chắc má sẽ nghe lòng mình đau lắm.

Năm mười sáu tuổi, chính ba ra đi bỏ con lại trên đời. Tháng sáu trời mưa nhưng mắt con ráo hoảnh, y chang đôi mắt của ba ngày nào vì bao nhiêu nước mắt của con đã tuôn hết trong những ngày vắng má. Ba đi rồi má có hình dung được căn nhà nhỏ của mình bỗng trở nên rộng và lạnh lẽo như thế nào không? Đêm đêm, chỉ có tiếng con vện rên ư ử rồi tru mấy hồi dài.

Thảm lắm! Mỗi lần nhìn cái thùng đạn cũ đựng đồ nghề hớt tóc của ba là con lại muốn khóc. Mà, kỳ thiệt, không hiểu sao nước mắt của con đã trốn biệt đi đâu hết rồi. Hồi còn sống, ba cứ treo hoài cái nón lá quay nhung tím đã bạc màu của má kế cái khạp gạo.

Ba nói nghe đứt ruột lắm: “Treo hoài ở đó để ngày má trở về thấy cảnh cũ, người cũ vẫn y nguyên”. Vậy mà má ơi, sao má lại không về?

Hồi đó, ba đã dạy con sống sao cho nên người. Vậy mà… con… một đứa con gái không mẹ, không cha đã bị dòng đời xô đẩy phải đi làm cái nghề... Má ơi, hơn lúc nào hết, ngay bây giờ đây con cũng đang hối hận trong lòng. Ba cũng từng dạy con lòng vị tha nhưng hôm nay gặp má… con không biết phải làm gì và đối diện với sự thật này thế nào cho phải.

Người đàn bà lặng lẽ ra cổng, cố ngoái lại nhìn cô gái hao hao giống bé Thoa của mình lần cuối. Ái nhìn theo, thấy con gió mồ côi lẹt đẹt chạy qua sân làm rơi một chiếc lá bàng đỏ chạch.