Truyện ngắn: Tình đồng đội

Cập nhật, 19:58, Chủ Nhật, 18/06/2017 (GMT+7)

TRƯƠNG HOÀNG MINH

Tranh minh họa: Trần Thắng
Tranh minh họa: Trần Thắng

Sau nhiều giờ hội họp, bàn bạc từ sáng đến chiều, tiếp theo là những màn ăn uống, bia bọt, hút, hát đến gần nửa đêm nhưng vẫn không ký được hợp đồng nào với phía đối tác. Hôm sau, ông Đại vẫn còn nghe thân thể rung lắc, choáng váng bởi những dư chấn đêm hôm qua.

Gần 9 giờ sáng, ông mới đến văn phòng giám đốc công ty với tâm trạng mệt mỏi, uể oải. Để cái cặp lên bàn, ngã người ra sau thành ghế, mặt ngước lên trần, mắt nhắm nghiền, “luống tuổi rồi, lại sắp về hưu, nếu như trước kia thì nhằm nhò gì”, ông nghĩ và mỉm cười.

Quét tước, lau dọn trong phòng xong, cô thư ký đến nói với ông Đại:

- Thưa giám đốc! Hỗi nãy có một người đến xin gặp giám đốc.

Ngỡ phía đối tác cho người đến ký hợp đồng, ông Đại ngồi lại ngay ngắn, mừng rỡ hỏi cô thư ký:

- Ai đến sớm vậy? Có phải người của công ty X không?

- Dạ không! Một ông già dưới quê lên.

Ông Đại tỏ vẻ thất vọng nhưng vẫn hỏi tiếp:

- Ông ấy có nói là ai, ở đâu, gặp tôi có chuyện gì không?

- Dạ có! Ông ấy ở Tân Qui, tên Hai Bé tự Bé Rượu.

- Bé Rượu!- ông Đại kêu lên sửng sốt- Ông ấy đâu rồi?

Cô thư ký rụt rè:

- Dạ! Em… em không biết chừng nào giám đốc đến nên ông ấy về rồi ạ!

Ông Đại đứng bật dậy như cái lò xo, hỏi cô thư ký ông Hai về lâu chưa và không đợi cô ấy trả lời, vội lách mình bước ra ban công nhìn xuống sân một hồi, không thấy ông Hai mới trở lại ngồi vào chỗ cũ, hỏi lại:

- Ông Hai có nói đến gặp tôi có chuyện gì không?

- Dạ có! Ông ấy nói đến bàn với giám đốc xin cho vợ ông Sáu Quang căn nhà tình nghĩa.

Ông Đại gục gật đầu, bảo cô thư ký:

Được rồi! Tôi biết rồi! Cô đi làm việc đi.

Ông Đại ngồi trầm ngâm, đưa mắt nhìn ra khung trời xa xăm diệu vợi. Hai cái tên Hai Rượu, Sáu Quang như một phép mầu đưa ông trở về vùng ký ức xa xôi của thời chiến tranh ác liệt, ranh giới giữa sự sống và cái chết chỉ trong gang tấc nhưng lại là một thời để nhớ, một thời để thương.

Lúc bấy giờ ông là một thanh niên tràn đầy sức sống, lý tưởng dồi dào như những con sóng trong lòng đại dương.

Tham gia cách mạng năm 16 tuổi, lớn lên công tác trong đơn vị giao liên thuộc Ban Giao bưu vận khu Tây Nam Bộ, có nhiệm vụ đưa rước cán bộ từ Quân khu 8 vượt sông Hậu và Quốc lộ 4 (cũ) sang Quân khu 9.

Đường dây bắt đầu từ cồn Tân Qui thuộc tỉnh Trà Vinh sang cánh đồng Hồ Đắc Kiện thuộc tỉnh Sóc Trăng. Đơn vị có nhiều tổ, ông ở trong tổ do ông Sáu Quang làm tổ trưởng, ông Hai Rượu tổ phó. Hai ông này đều lớn tuổi hơn ông, đáng cha chú nhưng vì cùng chung chí hướng và đơn vị nên họ chỉ gọi nhau là đồng chí, đồng đội.

Một ngày giữa tháng 7/1969, tổ của ông Đại phụ trách đưa 2 cán bộ sang Quân khu 9. Ông được phân công đi cùng 2 chiến sĩ khác.

Tuy nhiên, mấy hôm trước ông đi xúc cá cải thiện bữa ăn bị đạp miểng chai đứt bàn chân khá sâu nên không đi được. Những anh em khác đã đi rồi nên ông Sáu Quang phải đi thế cho ông. Không ngờ đó lại là chuyến đi định mệnh.

Toán của ông Sáu bị giặc phục kích trước khi qua Quốc lộ 4, cả 3 người đều hy sinh cùng 2 người khách. Thi thể của họ được ông Hai Rượu đích thân chôn cất trong một nghĩa trang tạm ở xã Tân Phước Hưng. Mặc dù sống chết là chuyện thường tình trong chiến tranh nhưng ông Đại cảm thấy mình mắc nợ ông Sáu Quang vì ông ấy đã chết thay ông.

Sau ngày hòa bình thống nhất, ông Hai Rượu lại tham gia đoàn quy tập hài cốt của tỉnh, đưa hài cốt của họ về Nghĩa trang Liệt sĩ huyện Phụng Hiệp (nay là TX Ngã Bảy). Ông Sáu Quang được Nhà nước công nhận Liệt sĩ, cấp bằng Tổ quốc ghi công và Huân chương kháng chiến hạng nhì. Chỉ tội bà Sáu không được hưởng chế độ chính sách vì bà đã tái giá. Mãi đến sau này bà mới được hưởng trở lại.

Những chuyện đó đã khắc sâu vào tâm khảm của ông Đại, ông không bao giờ quên nhưng lại quên mất chuyện cất nhà tình nghĩa cho bà Sáu Quang.

Nguyên nhân là do sau khi hòa bình thống nhất, ông được Nhà nước phân công nhiều công tác khác nhau từ huyện đến tỉnh trong cả 2 lĩnh vực hành chính sự nghiệp và sản xuất kinh doanh.

Ông lại không một lần gặp được bà Sáu Quang. Hơn nữa, việc đền ơn đáp nghĩa đã được Nhà nước nâng lên thành chính sách lớn, và đó là trách nhiệm chung của toàn dân chứ không phải của riêng Nhà nước.

Thời gian sau, nó lại được xã hội hóa nên ông cứ nghĩ là bà Sáu Quang đã được hưởng rồi, nào ngờ… Đây là một sự thật phũ phàng. Ông Đại cảm thấy ray rứt lương tâm. Ngoài trách nhiệm chung, ông còn trách nhiệm riêng: trả ơn cứu mạng cho ông Sáu Quang.

Một căn nhà tình nghĩa trị giá khoảng 40 triệu đồng. Đối với chính quyền địa phương hay các đơn vị hành chính sự nghiệp thì nó khá lớn nhưng lại rất khiêm tốn đối với các khoản chi phí của các đơn vị sản xuất kinh doanh. Chẳng hạn như đêm qua, số tiền chi cho hội họp, ăn uống, bia bọt, hút, hát gần đủ để cất một căn nhà tình nghĩa! Ông Đại nghĩ.

Công ty của ông lại đang trên đà ăn nên làm ra, doanh thu năm sau cao hơn năm trước, lãi nhiều, quỹ công đoàn, quỹ phúc lợi xã hội dồi dào, đời sống cán bộ, công nhân, viên chức tương đối cao.

Vì vậy cho nên ông quyết định trích một phần của 2 nguồn quỹ đó và tiết giảm một số khoản chi phí của công ty để cất cho bà Sáu Quang căn nhà tình nghĩa. Ông mở cuộc họp toàn thể cán bộ nhân viên, trình bày quan điểm của mình và hỏi ý kiến của họ. Tất cả đều đồng ý.

Tuy nhiên, ông lại không hề tiết lộ mình là đồng đội với ông Sáu Quang để tránh bị hiểu lầm “dĩ công vi tư” vì tình cảm cá nhân.

Bước tiếp theo, ông Đại mua quà đến thăm gia đình ông Hai Rượu và bà Sáu Quang và thông báo cho họ biết chuyện đó. Họ vô cùng mừng rỡ, cám ơn ông rối rít. Nhưng, một khó khăn mới phát sinh, bà Sáu Quang không có nền. Ông Hai Rượu nói với ông Đại:

- Trước kia, chị Sáu cũng có đất cha mẹ cho nhưng nghèo quá đã bán hết trơn, bây giờ ở đậu trên đất của đứa em ruột, chỉ làm mướn sống qua ngày.

- Còn mấy người con của… thím Sáu?- ông Đại đổi cách xưng hô.

- Tụi nó cũng chẳng khá hơn.

- Mình có thể vận động người em của thím cho thím được không, chú?

Ông Hai lắc đầu ngao ngán:

- Dễ gì?

Không có nền làm sao cất nhà? Đúng là rắc rối. Ông Đại bóp trán suy nghĩ hồi lâu, đề nghị:

- Hay mình hỏi mua?

Ông Hai bật cười:

- Mua thì được rồi đó nhưng tiền đâu mua?

Ông Đại đứng lên nói dứt khoát khiến cho ông Hai và bà Sáu vừa ngạc nhiên vừa mừng rỡ:

- Đừng lo! Nếu mua được tôi sẽ có cách.

Cái cách mà ông Đại nói là ông vận động các đối tác, các nhà hảo tâm, Mạnh thường quân phụ tiếp với ông để mua cái nền bà Sáu đang ở với giá tương đương giá trị căn nhà tình nghĩa.

Căn nhà được hoàn thành sau hơn tháng khởi công trong niềm hân hoan, sung sướng, hạnh phúc chẳng những của bà Sáu Quang, ông Hai Rượu mà còn của cả ông Đại. “Đây là món quà có ý nghĩa của mình trước khi nghỉ hưu”- ông nghĩ.

Buổi lễ bàn giao được gia đình bà Sáu tổ chức khá trang trọng. Thành phần tham dự gồm ông Đại cùng một vài nhân viên công ty, đại diện phòng lao động- thương binh và xã hội huyện, đại diện chính quyền địa phương và ban ngành đoàn thể và thân nhân hàng xóm của bà và ông Sáu Quang.

Họ còn tặng cho bà nhiều món quà như mùng mền, bộ ấm chén, tranh ảnh, đồng hồ… Sau đó là bữa tiệc liên hoan không kém phần vui vẻ, hào hứng.