Nghệ nhân ưu tú Huỳnh Thị Yến Linh

Cống hiến trọn đời cho nghệ thuật hát bội

Cập nhật, 16:08, Chủ Nhật, 24/09/2017 (GMT+7)

 

Nghệ nhân ưu tú Huỳnh Thị Yến Linh diễn vai Hồ Nguyệt Cô trong vở tuồng “Tiết Giao đoạt ngọc”.
Nghệ nhân ưu tú Huỳnh Thị Yến Linh diễn vai Hồ Nguyệt Cô trong vở tuồng “Tiết Giao đoạt ngọc”.

Nghệ nhân ưu tú Huỳnh Thị Yến Linh (nghệ danh Yến Linh, ngụ ấp An Hương 2, xã Mỹ An- Mang Thít) sinh ra và lớn lên trong gia đình có truyền thống theo nghệ thuật hát bội, được chọn thủ vai chính ngay từ năm 14 tuổi. 

Đến nay đã 26 năm theo nghề hát bội, dù có những thời điểm gặp lắm gian truân, song Yến Linh vẫn gắn bó, cống hiến hết mình với nghệ thuật hát bội.

Gia đình theo nghề hát bội từ thời ông cố, cho đến ông nội và sau này là ba, mẹ với gánh hát bội Đồng Thinh do ông Huỳnh Văn Răng làm trưởng đoàn (còn gọi là bầu Răng), ngay từ lúc còn thơ ấu, Yến Linh cùng với các diễn viên của đoàn rong ruổi đi biểu diễn nhiều nơi trong, ngoài tỉnh Vĩnh Long và máu đam mê hát bội đã ngấm vào tâm hồn, thể xác của chị từ lúc nào không biết.

Yến Linh chia sẻ: “Còn nhỏ, đi theo ba mẹ, thấy cô chú, anh chị trong đoàn diễn mê lắm. Thấy chị đứng nấp bên cánh gà bập bẹ hát theo các cô chú lúc diễn, mẹ chị thương tình và đã chỉ dạy, tập tành cho chị theo nghề hát bội.

Lúc đầu, bà dạy cách cưỡi ngựa, múa giáo, học bộ tích, sau đó học những động tác ra bộ và sử dụng đạo cụ: kiếm, cung, thương; học bài bản về nhịp phách, luyện âm vực trong hát bội: ừ, ự, ư, a, ứ…”

Ngoài học từ mẹ, Yến Linh còn chịu khó học cách thể hiện từng vai diễn của đào văn, đào võ từ các cô, các dì trong gánh hát, nhằm trau dồi chuyên môn và tích lũy thêm kinh nghiệm diễn xuất. Như “duyên trời đã định”, qua bao năm học hỏi, tích lũy kinh nghiệm rồi cũng có lúc được “dụng võ”.

“Hôm ấy, gánh hát thiếu người diễn vai chính Thần Nữ trong tuồng “Thần Nữ dâng ngũ linh kỳ”. Nhìn quanh, mọi người thấy chị mê hát bội và cũng có khiếu diễn, nên cho chị diễn thử vai Thần Nữ, lúc ấy chị mới 14 tuổi. Nhớ lại lần đó, chị thể hiện khá tốt từ động tác đến những lời thoại, nên mẹ và bà ngoại quyết định cho chị chính thức theo nghề hát bội”- Yến Linh nhớ lại.

Sau lần thủ vai chính Thần Nữ, tiếng tăm nữ diễn viên hát bội Yến Linh dần vang xa. Chị được nhiều ông bầu liên hệ mời tham gia biểu diễn như: đoàn hát Văn Thanh, đoàn Sao Vàng, đoàn Song Thanh…

Trong thời gian này, chị tất bật “chạy sô” khắp nơi từ Vĩnh Long xuống Sóc Trăng, Bạc Liêu, rồi qua An Giang, ngược lên Đồng Tháp, Bến Tre… với nhiều vai đào chính đã để lại trong lòng người mộ điệu hát bội những ấn tượng sâu sắc, điển hình như vai Thần Nữ trong vở “Thần Nữ dâng ngũ linh kỳ”, Lưu Kim Đính trong tuồng “Lưu Kim Đính giải giá Thọ Châu”, Hồ Nguyệt Cô trong vở “Tiết Giao đoạt ngọc”.

“Song, điều đặc biệt và ấn tượng nhất trong cuộc đời hát bội của chị cho tới thời điểm này là vào năm 2007, chị và 4 diễn viên khác của đoàn tuồng cổ Đồng Thinh được Bộ Văn hóa- Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) chọn đại diện cho loại hình hát bội của Việt Nam tham dự giao lưu tại Hoa Kỳ nhân Chương trình “MêKông: Dòng sông kết nối các nền văn hóa” tại lễ hội đời sống dân gian Smithsonian tại Washington D.C, Hoa Kỳ từ ngày 27/6- 8/7/2007.

Tại lễ hội, chị và những diễn viên khác của đoàn biểu diễn trích đoạn “Tiết Giao đoạt ngọc”, với 5 lớp diễn: Võ Tam Tư xuất binh, Võ Tam Tư bại trận trở về, Nguyệt Cô kịch chiến với Tiết Giao, Võ Tam Tư đi tuần và Nguyệt Cô hóa cáo. Qua các lần trình diễn, chị và các diễn viên được đông đảo khán giả, nhất là người Việt tại Hoa Kỳ khen ngợi, đánh giá cao”- Yến Linh tự hào nói.

Ngoài ra, năm 2010 Yến Linh còn vinh dự được tham gia biểu diễn tại Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam nhân dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long- Hà Nội với 4 trích đoạn trong các vở tuồng: “Đường về San Hậu”, “Thần Nữ dâng ngũ linh kỳ”, “Võ Tam Tư chém cáo” và “Trảm Trịnh Ân”.

Hay tin tại di tích Công Thần miếu (TP Vĩnh Long) có biểu diễn hát bội phục vụ cho đại diện các doanh nghiệp du lịch lữ hành quốc tế, tôi liền đến xem.

Trong bộ giáp trắng hồng rực rỡ của một nữ tướng, dù thời gian đã lấy đi của chị một phần tuổi thanh xuân, nhưng trong vai Hồ Nguyệt Cô của vở “Tiết Giao đoạt ngọc”, Yến Linh vẫn giữ được phong thái mạnh mẽ, cử chỉ, điệu bộ vẫn mượt mà như thuở nào.

Tính từ lúc Yến Linh diễn vai chính lần đầu tiên đến nay đã ngót nghét 26 năm và đây là khoảng thời gian đã mang lại cho chị nhiều niềm vui, nhưng cũng không ít gian truân, vất vả từ nghề hát bội.

Sau những tràng pháo tay khích lệ tinh thần của khán giả qua từng vai diễn và phía sau bức màn nhung của sân khấu hào hoa, tráng lệ, ít ai biết rằng Yến Linh và những đồng nghiệp của chị phải làm đủ các nghề để trang trải cho cuộc sống hàng ngày.

Chị kể: “Từ cuối những năm 90 của thế kỷ trước, nghệ thuật hát bội dần mất đi khán giả nên chị phải bôn ba theo đoàn lưu diễn ở nhiều nơi để kiếm sống. Ngoài thời gian đi hát, chị cùng gia đình và những diễn viên trong đoàn làm đủ nghề: bán kẹo kéo, vá xoong nồi, buôn bán đồ chơi trẻ em…

Vì đam mê nghệ thuật, nên những người trong đoàn và bản thân chị đều quyết tâm, cố gắng vượt qua thử thách”.

Ông bà xưa có câu “sau cơn mưa trời lại sáng”. Mặc dù, nghệ thuật hát bội hiện nay không thu hút đông đảo khán giả như trước đây, nhưng thông qua các lễ hội Thượng điền, Hạ điền, Kỳ yên được tổ chức hàng năm ở các đình làng, nên nghệ thuật hát bội có phần hồi sinh trở lại.

Vì thế, Yến Linh và các diễn viên của đoàn tuồng cổ Đồng Thinh có “đất diễn” nhiều hơn và được nhiều người đón nhận trở lại.

Ước mong lớn nhất của Yến Linh lúc này là giữ được sức khỏe để an tâm cống hiến hết mình cho nghệ thuật hát bội.

Chị nói: “Linh không cần giàu sang, chỉ cầu mong Tổ nghiệp phù hộ cho chị luôn được mạnh khỏe để cống hiến trọn cuộc đời mình cho nghệ thuật hát bội. Đến khi sức tàn lực kiệt, chỉ mong được hát một bài hoặc một lớp tuồng và dù được chết trên sân khấu, chị cũng cảm thấy vui và hạnh phúc”.

Đam mê và gửi trọn tuổi thanh xuân cho nghệ thuật hát bội, năm 2015, Yến Linh vinh dự được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu cao quý “Nghệ nhân ưu tú trên lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể”.

Mặc dù nghề hát bội có lúc thăng, lúc trầm, nhưng với lòng yêu nghề, cùng những kiến thức và kinh nghiệm tích lũy được, Yến Linh mong muốn được truyền đạt, hướng dẫn những kiến thức, những kinh nghiệm ấy cho thế hệ em cháu sau này, xem như đã đóng góp một phần nhỏ công sức của chị vào việc giữ gìn, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể của dân tộc.

Bài, ảnh: MINH TRIẾT