Mai Hữu Ánh- "Nghệ sĩ tài tử" giàu lòng nhiệt huyết

Cập nhật, 14:28, Thứ Tư, 30/09/2015 (GMT+7)

 

Mai Hữu Ánh và NSƯT Thanh Kim Huệ trong trích đoạn cải lương “Tây Thi”.
Mai Hữu Ánh và NSƯT Thanh Kim Huệ trong trích đoạn cải lương “Tây Thi”.

Sinh ra và lớn lên từ một vùng quê sông nước hữu tình gắn liền với từng câu hò, điệu lý, với những bài vọng cổ mượt mà, sâu lắng, thắm đượm tình người, tình yêu quê hương, đất nước… cậu học trò trường làng Mai Hữu Ánh đã sớm tham gia vào làng đờn ca tài tử sau những năm tự học ca qua làn sóng phát thanh và qua sự hướng dẫn tận tình của một thầy đờn (ông Ba Khuê) tại địa phương.

Đến năm 15 tuổi, Mai Hữu Ánh lên tỉnh học ở Trường Trung học Tống Phước Hiệp (nay là Trường THPT Lưu Văn Liệt). Trong thời gian này, anh tranh thủ đi học thêm các bài bản tủ của ca nhạc tài tử, cải lương ở nhạc sĩ Lưu Minh Sang và chính nhạc sĩ này đã giới thiệu anh vào ban “Tiếng Trùng Dương” của Đài phát thanh Cần Thơ (năm 1971).

* Vào thời điểm này, được gia nhập vào ban “Tiếng Trùng Dương” là niềm mơ ước của các giọng ca tài tử ở các tỉnh miền Tây. Riêng anh, nguyên nhân nào đã khiến cho anh phải bỏ dở niềm đam mê của mình một cách đáng tiếc sau một thời gian cộng tác với Đài phát thanh Cần Thơ?

- Vì hoàn cảnh khó khăn, nhà sống bằng nghề làm ruộng, cha lại mất sớm nên mình đành phải ngậm ngùi gạt bỏ mọi đam mê, mơ ước, trở về quê nhà bươn chải, làm lụng mọi thứ từ việc nhẹ cho đến việc nặng để có tiền phụ giúp gia đình.

* Cuộc sống cơ cực có làm cho anh nản chí, buông xuôi tất cả hay không?

- Tuy cuộc sống gặp nhiều gian khó nhưng mình vẫn không buông xuôi, từ bỏ nỗi đam mê ca hát của mình…

* Và anh đã nuôi dưỡng niềm đam mê của mình như thế nào?

- Những lúc rỗi rảnh, mình tranh thủ thời gian tìm hiểu, học hỏi thêm về cách diễn cảm trong từng câu chữ sao cho vừa chắc nhịp, vừa truyền tải đúng với cái tâm, cái hồn của bài hát, nhất là lối ca sao cho tròn vành rõ chữ.

*Thường xuyên hát chung và giao lưu với nhiều nghệ sĩ tài danh, anh đã học hỏi được những gì ở các nghệ sĩ trên?

- Mỗi nghệ sĩ đều có đặc điểm riêng của mình, mỗi người một vẻ đã giúp cho mình có thêm nhiều kiến thức về ca, diễn. Trong đó NSƯT Thanh Điền và NSƯT Thanh Kim Huệ đã hết lòng hướng dẫn mình từ cách luyến láy, nhả chữ, cách diễn xuất từ trong câu ca cho đến động tác thể hiện.

* Anh nghĩ sao và có buồn không khi nghe người ta ví mình là “bản sao” của cố NSƯT Tấn Tài?

-Có gì đâu mà buồn, thật tình mà nói, mình đã từng ngưỡng mộ 2 nghệ sĩ: Tấn Tài và Minh Cảnh. Từ lòng ngưỡng mộ đó, mình đã học lóm ở NSƯT nghệ sĩ Tấn Tài từ cách phát âm, nhã chữ, từ cách thể hiện từng câu vọng cổ một. “Một chữ là thầy, nửa chữ cũng là thầy”, có gì mà mình không dám nhận.

* Là chủ nhiệm CLB Đờn ca tài tử tỉnh, anh nhận xét thế nào về phong trào đờn ca tài tử của tỉnh nhà?

- Từ khi phong trào đờn ca tài tử được khơi dậy đến nay, tỉnh mình cũng đã phát triển mạnh mẽ phong trào này. Đặc biệt, các CLB “Đờn ca tài tử” ở các địa phương trong tỉnh đã thu hút được nhiều thanh niên tham gia và đã gây được nhiều tiếng vang lớn trong nước qua những đợt hội thi từ cấp huyện- thị cho đến tỉnh, khu vực và toàn quốc.

* Cảm ơn anh đã dành thời gian cho buổi giao lưu hôm nay. Chúc anh luôn gặt hái nhiều thành quả tốt đẹp để tiếp tục phục vụ, mở rộng phong trào đờn ca tài tử của tỉnh nhà.

Trải qua bao thăng trầm trên bước đường mưu sinh, chàng thanh niên nghèo khó nhưng lại đam mê ca hát của thuở nào đã tự “vượt lên chính mình” trở trành một doanh nhân, một nghệ sĩ tài tử tích cực làm việc thiện. Và, trong những chuyến tham gia công tác từ thiện, Mai Hữu Ánh đã có dịp tiếp xúc, học hỏi và hát chung với nhiều nghệ sĩ tên tuổi như: NSƯT Thanh Điền, Thanh Kim Huệ, Phượng Hằng, Thoại Mỹ, Phượng Loan, Tài Lưu…

 

Trần Mộng Hoàng- thực hiện