Thơm lừng lẩu mắm U Minh

Cập nhật, 21:31, Thứ Sáu, 26/03/2021 (GMT+7)

 

Người dân Cà Mau nói chung, U Minh nói riêng, ăn cơm thường có các món ăn kèm, trong đó, lẩu mắm (mắm kho cho vào lẩu ăn kèm với nhiều loại rau đồng) là một trong những món ăn dân dã không thể thiếu của người dân U Minh Hạ.

Theo lời ông Trần Văn Nhì (63 tuổi, ở rạch Bà Thầy, Ấp 1, xã Nguyễn Phích, huyện U Minh), người sống tại xứ rừng U Minh từ nhỏ, thì món mắm kho có từ thời khai khẩn vùng đất U Minh. Qua bao thăng trầm của thời gian, món mắm đồng quê vẫn hiện diện trong bữa cơm thường nhật và trở thành món ăn khoái khẩu của người dân U Minh nói riêng, miền Tây nói chung.

“Thật đáng tự hào, món ăn được ông cha ta chế biến từ thời mở đất, nay được nâng cấp, từ mắm người Việt kho theo cách của người Khmer và cho vào lẩu ăn theo kiểu người Hoa, trở thành món ăn mà ngay cả khách du lịch cũng thích”, ông Nhì chia sẻ.

Có dịp đến rừng U Minh, “vương quốc” của cá đồng, du khách đừng quên ghé qua Khu du lịch sinh thái Hương Tràm của anh Giang Hoàng Hon (thuộc xã Khánh An, huyện U Minh) để thưởng thức món lẩu mắm với rất nhiều loại cá và rau đồng chỉ có ở vùng đất U Minh Hạ. Theo anh Hon, để có lẩu mắm ngon phải nấu bằng mắm cá sặt. Con mắm sặt có mùi thơm đặc trưng so với các loại cá khác. Cách nấu lẩu mắm rất đơn giản: dùng nước mưa hoặc nước dừa tươi đun sôi, cho mắm vào nồi đất nấu cho tan thịt, sau đó dùng rổ bằng tre hoặc vải mùng lược bỏ xương mắm. Nước lẩu mắm thơm ngon không thể thiếu sả, ngải bún, ngò om, nêm chút đường, hạt nêm tuỳ theo khẩu vị.

Ðể có được nguyên liệu mắm đồng, thường đến mùa hạn, người dân U Minh tát đìa, giăng lưới bắt cá sặt bướm về làm sạch vảy, ruột, sau đó đem phơi cho cá ráo nước; muối cá bằng muối hột đâm nhuyễn, rồi cho cá vào một cái lu hoặc khạp bằng sành và dùng mo cau, bẹ chuối khô, sóng dừa cài thật chặt, sau đó nấu nước muối đổ lên bề mặt, giữ cho con mắm không thấm nước.

Bí quyết làm nên hương vị mắm đồng nổi tiếng xứ U Minh nằm ở khâu thính mắm. Theo kinh nghiệm của gia đình anh Hon cũng như nhiều gia đình khác, cá muối khoảng 2 tháng đem ra thính một lần bằng gạo rang và cháo nếp, đường mía (1 năm 2 lần), để đến mùa sau mới đem ra chế biến. Ngoài món lẩu mắm, có thể chế biến nhiều món khác như: mắm chiên, mắm chưng với hột vịt, mắm sống ăn kèm chuối chát...

Vùng đất U Minh rau đồng cỏ nội chẳng thiếu thứ gì, nên ăn lẩu mắm phải có rổ rau to với các loại: bông súng, đọt nhãn lồng, bông điên điển, so đũa, rau muống, đậu rồng, kèo nèo, càng cua, bắp chuối, ớt hiểm..., đặc biệt là đọt choại, loại rau rừng chỉ có ở rừng tràm U Minh Hạ. Kèm theo là cà phổi, nấm rơm bỏ vào khi lẩu vừa sôi với lươn rừng, cá rô, cá bổi, cá dầy, cá lóc…

Lần đầu tiên đặt chân đến rừng U Minh, chị Bùi Kiều Hương, du khách đến từ huyện Hà Ðông (Hà Nội) chia sẻ: “Tôi rất thích con người và vùng đất nơi đây. Người dân địa phương chất phác, thật thà, mến khách; cảnh quan thiên nhiên còn rất hoang sơ. Thảm thực vật rừng U Minh vô cùng phong phú và đặc biệt có rất nhiều đặc sản cá đồng, rau rừng ăn với lẩu mắm. Lần đầu tôi được thưởng thức món lẩu mắm U Minh, món ngon dân dã nhưng chứa đựng cả hồn quê trong đó”.

Thật tuyệt vời khi lẩu mắm U Minh được vào top 100 món ăn đặc sản Việt Nam (năm 2020-2021) do Tổ chức Kỷ lục Việt Nam (Hội Kỷ lục gia Việt Nam) công nhận./.

Theo CMO