Trước khi lên Sài Gòn, kiểu gì cũng phải ăn món mắm mẹ làm 'ngon không thể cưỡng'

Cập nhật, 19:39, Thứ Sáu, 19/02/2021 (GMT+7)

Tô mắm kho được đem ra trông bắt mắt và bay mùi thơm khắp gian bếp. Mắm chưng được múc ra dĩa, cho thêm một ít nước chanh và ăn kèm với những trái chuối xiêm còn xanh. Món ăn hết sảy của ngày Tết.

 

Vậy là những ngày về quê ăn Tết cùng với ba má cũng đã qua. Kỳ nghỉ Tết năm nay cũng đã khép lại. Từ miền Tây, tôi cũng chuẩn bị đồ đạc để trở lại Sài Gòn bắt đầu với công việc quen thuộc nhiều năm nay.

Những ngày về nghỉ Tết, má tôi làm biết bao nhiêu đồ ăn thức uống. Má còn làm vài món để tôi mang theo lên Sài Gòn. Còn tôi thì trước khi trở lại Sài Gòn nhất định phải ăn các món từ mắm như mắm kho, mắm chưng do má làm. Bởi lẽ, tôi muốn thưởng thức hương vị quê nhà trước khi đi xa.

Gia đình tôi ở vùng nông thôn và sinh sống nhờ vào cây lúa. Quanh nhà có nhiều mương, liếp - một cảnh quen thuộc ở vùng quê. Cuộc sống nơi thôn quê cũng vô cùng đơn giản như rau tự trồng, cá thì nuôi dưới mương. Cá ăn không hết thì dùng để làm khô, làm mắm.

Năm nào cũng vậy, cứ vào mùa nước nổi thì má lại mua cá của những người ở xóm và cá ở nhà kiếm được để làm mắm. Nhà tôi lúc nào cũng có khạp mắm cá đồng. Ba má tôi và anh em trong nhà cũng rất ưa các món ăn từ mắm.

Hồi nhỏ, tôi rất sợ mùi mắm. Khi đến lớn thì dần dần tôi cũng ăn được, nhưng phải là những con mắm nhà làm. Thường thì, má chỉ làm mắm cá rô và cá sặc. Má tôi làm mắm rất kỹ. Những con cá đồng được mua về, má làm cá sạch sẽ rồi mới bắt đầu những công đoạn làm mắm. Sau thời gian, má chao đường, thêm thính.

Để có được những con mắm thơm ngon thì má rất vất vả bởi chỉ có một mình má làm từ lúc làm con cá cho đến lúc thành phẩm. Má hay nói: mắm mình tự làm ăn cho mạnh miệng.

Năm nào má cũng để dành những con mắm ngon ăn để nấu các món ăn như mắm kho, lẩu mắm, mắm chưng dùng ăn trong ngày Tết cho bớt ngán. Và dù những ngày Tết, đồ ăn thức uống ê hề nhưng trong nhà vẫn không thể thiếu hương vị của món ăn từ mắm.

Trước một ngày khi tôi bắt đầu trở lại Sài Gòn, má hỏi: Muốn ăn gì má làm cho? Cá lóc nướng, vịt nấu cà ri hay là gà xé phay? Tôi thì: mai mình làm mắm kho hay mắm chưng ăn đi má!

Vậy là hôm sau, má thức từ sáng sớm để làm món mắm chưng và món mắm kho. Hai món mà tôi và anh chị trong nhà đều thích và không thể cưỡng lại hương vị của nó.

Đối với món mắm chưng, nguyên liệu má dùng cũng rất đơn giản như trứng vịt, thịt ba rọi, hành, tiêu và không thể thiếu con mắm. Má gắp những con mắm sặc, mắm rô đem ra bằm cho xương thật nhuyễn. Thịt ba rọi, hành cũng được xắt nhỏ. Sau đó, bỏ các nguyên liệu vào tô và trộn đều, nêm vào ít bột ngọt. Tiếp theo, má đem đi chưng. Khi mắm gần chín, má sẽ cho lên bề mặt một lớp trứng vịt, bỏ thêm ít tiêu và vài lát ớt.

Tô mắm được đem ra trông bắt mắt và bay mùi thơm khắp gian bếp. Mắm chưng được múc ra dĩa, cho thêm vào một ít nước chanh và ăn kèm với những trái chuối xiêm còn xanh. Món ăn hết sảy của ngày Tết.

Tiếp đến, má sẽ làm món mắm kho. Mắm kho được má làm theo hương vị của nhà chứ không quá cầu kỳ. Nguyên liệu gồm mắm, khổ qua, cà phổi, thịt ba rọi, ớt, sả...

Trước hết, má sẽ cho mắm vào chảo nấu cho rã thịt để lược lấy nước. Trong khi chờ mắm rã thì má sẽ phi tỏi, sả cho thơm xào thịt trước rồi một chút sẽ cho nước mắm vào. Kế đến má sẽ cho khổ qua, rồi cà vào và nêm nếm cho vừa ăn.

Tô mắm kho được múc ra thơm lừng mùi mắm và mùi của sả. Chỉ ngửi mùi thơm thôi là đã muốn ăn rồi. Tô mắm kho được ăn kèm với rau cần, rau nhúc.

Mâm cơm ngày Tết được dọn ra với hai món mắm và những loại rau ăn kèm trông thật dân dã và giản dị. Chỉ thế thôi, tôi cũng đã thấy mùa xuân ngập tràn hương vị của yêu thương.

Theo TTO