Thưởng thức chè lam, chạm hồn quê Bắc Bộ

Cập nhật, 05:58, Chủ Nhật, 24/03/2019 (GMT+7)

Người dân làng Mông Phụ (Sơn Tây- Hà Nội) khi nói về món chè lam quê hương mình, chỉ gói gọn trong cụm từ “thưởng thức một lần là đủ để nhớ, để thương”.

Chè lam làng Mông Phụ (Sơn Tây- Hà Nội)
Chè lam làng Mông Phụ (Sơn Tây- Hà Nội)

Hà Nội những ngày này bỗng chuyển lạnh, rải rác mưa phùn, được cho là phù hợp thưởng thức miếng chè lam cùng ly trà nóng. Chúng tôi về làng Mông Phụ, cách trung tâm Hà Nội chừng 45km.

Đây là ngôi làng cổ nhất Việt Nam, với những ngôi nhà kiểu Bắc Bộ có hàng trăm năm tuổi. Dừng chân tại quán chè của bà cụ trước cổng làng, uống cốc trà ăn miếng chè lam, thật yên bình.

Chè lam- tên gọi đã khiến nhiều người lầm hiểu đó là một món chè, nhưng kỳ thực lại là món bánh. Không biết vì sao người ta gọi là chè!

Thử gõ “chè lam” trên google chỉ tích tắc đã cho hàng loạt kết quả. Trang Bách khoa toàn thư mở Wikipedia, giới thiệu chè lam là đặc sản của huyện Vĩnh Lộc (Thanh Hóa). Nhưng ở làng cổ Đường Lâm thì chè lam cũng bày bán khắp trong làng, ngoài ngõ.

Bên bờ sông Hồng hiền hòa này, cùng với những kẹo lạc, bánh tẻ,... chè lam đã trở thành thứ quà quê, gắn với những con người và vùng quê Bắc Bộ này từ bao đời.

Cách làm chè lam mỗi nơi khác nhau nhưng nguyên liệu hầu như ở đâu cũng vậy. Đó là đường, mạch nha, gừng tươi, bột gạo nếp. Nguyên liệu xem ra rất gần gũi, khi kết hợp với nhau lại tạo nên một món ăn chứa đựng biết bao nhiêu tình cảm, mà “hễ đi xa là thấy nhớ, thấy thèm”.

Bà cụ bán chè lam, bảo muốn ngon, gạo nếp phải là nếp cái hoa vàng hay nếp thơm, khi rang và nghiền thành bột sẽ dậy mùi. Gừng tươi cũng được chọn kỹ từ nhánh già sẽ cho vị cay nồng.

Nhưng quan trọng hơn hết, là người nấu phải biết cân đong đo đếm từng nguyên liệu sao cho vừa vặn để thành phẩm tạo thành miếng chè mềm mềm, dẻo dẻo.

Một miếng chè lam đạt yêu cầu là dẻo vừa phải, không mắc răng; độ ngọt thanh; có vị cay và thơm nồng của gừng lại có vị béo ngậy của những hạt đậu phộng rang.

Chè lam thành phẩm được đổ lên mâm, áo bột thật dày giúp những miếng chè không dính lại với nhau. Khi ăn cắt thành những miếng nhỏ vừa tay cầm.

Cô bạn ở Hà Nội thì bảo, thưởng thức chè lam chỉ ngon khi vào những ngày gió heo may. Còn tôi, lần đầu được thưởng thức món này trong không gian của những ngôi làng nhà cổ, được hiểu thêm những câu chuyện từ thời khai hoang, lập thôn, lập làng.

Cắn một miếng chè lam nâu nhạt, nhấp một ngụm trà, cảm nhận được vị ngọt tinh tế của miếng chè hòa quyện cùng vị chát của trà vương vấn mãi nơi đầu lưỡi, vô cùng lý thú.

Càng hiểu vì sao mà người dân làng Mông Phụ khi thưởng thức chè lam lại chạm hồn quê Bắc Bộ và khi một lần thưởng thức là đủ để nhớ, để thương!

Bài, ảnh: HOÀNG MINH