Bún sắn trộn nhộng tằm xứ Quảng

Cập nhật, 16:34, Thứ Ba, 18/12/2018 (GMT+7)

 

Nguyên liệu chế biến món bún sắn trộn nhộng tằm.
Nguyên liệu chế biến món bún sắn trộn nhộng tằm.

Chiều, bạn cùng quê ghé chơi, bảo sao mà nhớ bữa cơm quê nhà đến thế. Bỗng nghe lòng buồn ngẩn ngơ. Bữa cơm quê tôi không có bóng dáng sơn hào hải vị, nhưng chẳng hiểu sao vẫn thơm ngon lạ lùng, ngày nắng không thiếu tô canh rau, chén mắm cà; trời mưa có mẻ cá đồng kho bên cạnh thau cơm nóng… đặc biệt 2- 3 hôm lại được đổi vị bởi món bún sắn.

Từ lâu đời, cây sắn đã gắn bó và trở thành một loại lương thực không thể thiếu của người dân Quảng Nam. Cây sắn được trồng quanh năm, vụ nối vụ, mùa tiếp mùa.

Thời lúa gạo thiếu thốn, người dân phải ăn củ sắn thay cơm quanh năm với nhiều món khoái khẩu như bánh đập, bánh trôi, bánh tráng,… và cả  bún sắn.

Bún sắn thơm ngon, rất khó lẫn với bất cứ thứ quà quê nào bởi nguyên liệu được chắt lọc từ sự tinh túy nhất của cây sắn và quá trình chế biến được tích tụ tất cả cái khéo léo, đức tính chịu thương chịu khó của con người nơi không nhận được nhiều sự ưu đãi của thiên nhiên.

Từ khi còn chập chững biết đi, tôi đã được thưởng thức bún sắn với nước nhưn cá tràu, rồi bún sắn xào với giá hoặc thịt nạc, tôm tươi... Nhưng tôi thích nhất vẫn là bún sắn trộn nhộng tằm.

Quảng Nam vốn được mệnh danh là xứ sở trồng dâu, nuôi tằm. Nghề trồng dâu nuôi tằm tuy cực nhọc nhưng đến khi bẻ miếng bánh tráng xúc những con nhộng xào bún hoặc ngồi nhâm nhi những chiếc bánh xèo nhộng… là niềm vui không phải ai cũng có. Chọn những con nhộng màu vàng óng, thân căng tròn, không xẹp, rửa sạch.

Phi dầu cùng hành tỏi thơm phức rồi đổ nhộng vào xào đến khi bốc khói làm nức cả mũi, nêm gia vị vừa ăn sau đó thêm chuối cây cắt lát mỏng, nhanh tay đảo đều trước khi tắt bếp. Riêng bún sắn khô đem bẻ thành miếng nhỏ vừa ăn, ngâm nước ấm khoảng năm phút cho vừa mềm rồi vớt ra rổ để cho ráo nước.

Tiếp tục trộn đều bún sắn với nhộng tằm. Chất “xúc tác” quan trọng phối vị cho bún sắn trộn nhộng là một ít nước mắm và nước cốt chanh được pha chế theo tỷ lệ vừa ăn, có vị chua, mặn và ngọt hòa quyện cùng với đường, tỏi, ớt...

Khi bày biện món ăn, thêm rau răm, hành, ngò, tiêu và đậu phụng lên trên để tăng thêm phần quyến rũ. Bạn nhớ nhé, đi cùng bún sắn trộn nhộng thì không thể thiếu bánh tráng nướng và ớt xanh.

Bún sắn trộn nhộng Quảng Nam quê tôi tuy đơn giản là vậy mà lại thân thương quá đỗi .Vị dai dai, bùi bùi của sợi bún và chuối cây; vị béo ngậy của nhộng tằm; giòn giòn, ngọt ngọt của rau chuối cây non; mùi thơm của rau húng, quế, tía tô; vị cay cay của ớt xanh và béo béo của đậu phụng... Tất cả hòa quyện vào nhau cứ vấn vương bước chân những đứa con xa quê.

Bài, ảnh: THANH LY