Giỗ Tổ Hùng Vương- hướng về nguồn cội

Cập nhật, 15:50, Thứ Tư, 06/05/2015 (GMT+7)

Ngày Giỗ Tổ hàng năm tại Vĩnh Long luôn được tổ chức trang nghiêm, long trọng. Đồng thời, sau mỗi năm vào dịp này, các hoạt động văn hóa, thể thao, nghệ thuật ngày càng thêm nhiều hình thức phong phú, thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia…

Thi đấu cờ người giữa 2 đội: Phú Đức (Long Hồ) và Phường 4 (TP Vĩnh Long).
Thi đấu cờ người giữa 2 đội: Phú Đức (Long Hồ) và Phường 4 (TP Vĩnh Long).

Điểm đến Đền Hùng

Giỗ Tổ Hùng Vương- Lễ hội Đền Hùng Ất Mùi 2015 được tỉnh Phú Thọ tổ chức trong 5 ngày, từ 23- 28/4/2015 (nhằm mùng 5- 10/3 âl). Năm nay, có 5 tỉnh cùng góp giỗ gồm: Đăk Nông, Phú Yên, Bạc Liêu, Sơn La, Tiền Giang.

Khu Di tích đền Hùng là một quần thể kiến trúc thâm nghiêm trên núi Nghĩa Lĩnh (xã Huy Cương, TP Việt Trì- Phú Thọ), được xây dựng vào thế kỷ XV.

Khu Di tích lịch sử đền Hùng gồm có đền Hạ và chùa, đền Giếng, đền Trung, đền Thượng, lăng Vua Hùng. Trong đó, lăng Vua Hùng với tương truyền là mộ Hùng Vương thứ 6. Sau khi Thánh Gióng đánh giặc Ân bay lên trời, Vua Hùng đã “hóa” ở đây.

Từ chân núi, leo 225 bậc thang xây bằng gạch mới lên đến đền Hạ. Ðền cũng được xây vào thế kỷ XV, tương truyền nơi đây bà Âu Cơ sinh bọc trăm trứng, nở thành trăm người con. Âu Cơ dẫn 50 người con lên núi, Lạc Long Quân dẫn 49 người con xuống biển, để lại người con trưởng làm vua hiệu là Hùng Vương, đóng đô ở Phong Châu, đặt tên nước là Văn Lang.

Từ đền Hạ leo thêm 168 bậc đá nữa là tới đền Trung. Tương truyền nơi đây các Vua Hùng lập quán xá để nghỉ ngơi và bàn việc với các lạc hầu. Cũng ở nơi đây, Hoàng tử Lang Liêu đã dâng bánh chưng, bánh giày lên cho vua cha nhân dịp tết.

Từ đền Trung đi tiếp 102 bậc đá là đến đền Thượng- nơi các Vua Hùng làm lễ tế Trời Đất, thần Núi và thần Lúa. Ðây cũng là nơi Thục Phán sau khi được Vua Hùng thứ 18 truyền ngôi, dựng cột đá thề sẽ trông nom ngôi đền và giữ gìn cơ nghiệp nhà Hùng. Từ lăng Vua Hùng đi xuống, dưới chân núi (phía Ðông Nam) là đền Giếng. Trong đền có giếng Ngọc, bốn mùa đầy nước, trong vắt soi mặt được. Ðền thờ Ngọc Hoa và Tiên Dung là con gái yêu của Vua Hùng thứ 18 thường hay chải tóc và soi mặt ở giếng này. Ngoài ra, quần thể di tích còn có đền Tổ Mẫu Âu Cơ trên đỉnh núi Vặn, đền thờ Quốc Tổ Lạc Long Quân trên núi Sim.

Ngày nay, du lịch được coi là một trong những phương tiện hàng đầu để trao đổi văn hóa. Phát triển du lịch về nguồn tại đền Hùng không chỉ đáp ứng nhu cầu vui chơi giải trí, tham quan, khám phá mà còn mang ý nghĩa giáo dục truyền thống. Về nguồn chính là về với những bản sắc tinh túy của dân tộc, để con người có thể lắng đọng, cảm nhận, rút ra những bài học, những giá trị từ lịch sử.

Hướng về nguồn cội

Vĩnh Long là một trong số ít tỉnh của ĐBSCL có lập bàn thờ Quốc Tổ. Từ năm 2007, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Vĩnh Long đã cung thỉnh “đất- nước” tại đền Thượng về an vị tại bàn thờ Quốc Tổ Hùng Vương trong khuôn viên Bảo tàng tỉnh. Kể từ năm 2008 đến nay, vào dịp mùng 10/3 âl hàng năm, lễ Giỗ Tổ luôn được tổ chức trang trọng. Ngày Giỗ Tổ đã trở thành dịp hành hương về nguồn cội của người dân Vĩnh Long.

Lễ Giỗ Tổ năm nay, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức rất nhiều hoạt động phong phú như: gói bánh tét, thi đấu cờ người, biểu diễn võ thuật của thanh thiếu niên, biểu diễn của các CLB dưỡng sinh người cao tuổi... Những hoạt động văn hóa nghệ thuật này giúp cho lễ hội thêm phần phong phú, hấp dẫn, thu hút nhiều tầng lớp người dân về tham dự.

Sáng 9/3 âl, tại Bảo tàng tỉnh, Tỉnh ủy- HĐND- UBND- UBMTTQ Việt Nam tỉnh đã long trọng tổ chức Giỗ Tổ. Các đồng chí lãnh đạo tỉnh qua các thời kỳ, lãnh đạo các sở ban ngành, lãnh đạo các địa phương, các cơ quan, đơn vị, tổ chức và hàng ngàn người dân về tham dự.

Với vai trò chủ lễ, ông Trần Văn Rón- Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đã nhắc lại công lao của các vị Vua Hùng dựng nước, truyền thống yêu nước quý báu của dân tộc; bày tỏ lòng tri ân của các thế hệ ngày nay. Ông khẳng định: Đó là nền tảng để toàn Đảng, toàn quân và dân Vĩnh Long tiếp tục xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp…

Có thể nói, thời đại Hùng Vương là thời đại mở đầu rực rỡ của lịch sử dân tộc Việt Nam. Cách đây hàng ngàn năm, cha ông ta đã kiên cường, dũng cảm khai sơn, phá thạch, cùng nhau gây dựng nên bờ cõi, non sông đất nước, lập nên một quốc gia độc lập, có chủ quyền đầu tiên của người Việt. Theo ông Trần Văn Rón, cả nước có chung một điểm xuất phát cội nguồn, tôn thờ một vị Quốc Tổ- đó là một mỹ tục độc đáo, là nếp sống đầy bản sắc và bản lĩnh mà mọi người dân Việt Nam, nòi giống “Con Rồng cháu Tiên” phải tận tâm, tận lực giữ gìn.

Thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”, trong năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Vĩnh Long đã đạt được nhiều thành quả quan trọng về kinh tế- xã hội, quốc phòng- an ninh. Phát huy truyền thống yêu nước cách mạng và sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân, toàn Đảng, toàn quân và dân Vĩnh Long quyết tâm xây dựng tỉnh nhà tiến nhanh hơn nữa trong công cuộc xây dựng, kiến thiết một vùng đất giàu tiềm năng nổi tiếng “Địa linh nhân kiệt” ở khu vực ĐBSCL trong những năm tới.

Bài, ảnh: QUANG THUẦN – KHÁNH DUY