Thay đổi quy định về chế độ thôi việc đối với viên chức

Cập nhật, 07:07, Thứ Tư, 19/02/2020 (GMT+7)

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức đã được thông qua và chính thức có hiệu lực kể từ ngày 1/7/2020.

Theo đó, sẽ có nhiều chính sách mới tác động trực tiếp đến mọi cán bộ, công chức, viên chức (CC, VC) từ năm 2020.

* Thêm trường hợp VC bị cắt hợp đồng làm việc

Luật Cán bộ CC và Luật VC sửa đổi 2019 đã bổ sung thêm một trường hợp đơn vị sự nghiệp công lập được đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc với VC, là: “VC không đạt yêu cầu sau thời gian tập sự”.

Hiện nay, quy định này cũng đã được đề cập tại Nghị định 29/2012/NĐ-CP về việc chấm dứt hợp đồng làm việc đối với người tập sự, tuy nhiên chưa được chính thức quy định trong luật.

Như vậy, từ 1/7/2020 sẽ có 6 trường hợp VC bị cắt hợp đồng làm việc.

* Thay đổi quy định về chế độ thôi việc đối với VC

Cụ thể, theo khoản 6 Điều 2 Luật Cán bộ, CC và Luật VC sửa đổi 2019 sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 45 Luật VC 2010 thì VC được hưởng trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm hoặc chế độ bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật về lao động và pháp luật về BHXH khi đơn vị sự nghiệp công lập đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc đối với VC, hết thời hạn của hợp đồng nhưng người sử dụng lao động không ký kết tiếp hợp đồng làm việc, VC đơn phương chấm dứt hợp đồng do ốm đau, bị tai nạn theo quy định tại khoản 4 Điều 29 Luật VC 2010 hoặc đơn phương chấm dứt hợp đồng theo quy định tại khoản 5 Điều 29 Luật VC 2010 trừ các trường hợp sau đây:

- Bị buộc thôi việc;

- Đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc mà vi phạm quy định tại các khoản 4, 5 và 6 Điều 29 của Luật VC 2010;

- Chấm dứt hợp đồng làm việc theo quy định tại khoản 5 Điều 28 của Luật VC 2010 .

Như vậy, luật này đã quy định rõ chế độ thôi việc đối với VC khi bị đơn vị sự nghiệp công lập đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc chứ không quy định chung chung là chế độ đối với VC khi chấm dứt hợp đồng làm việc như hiện nay.

* Nghỉ việc, nghỉ hưu vẫn có thể bị xử lý kỷ luật

Cụ thể, theo khoản 18 Điều 1 Luật Cán bộ, CC và Luật VC sửa đổi 2019 sửa đổi, bổ sung Điều 84 Luật Cán bộ, CC 2008 thì mọi hành vi vi phạm trong thời gian công tác của cán bộ, CC đã nghỉ việc, nghỉ hưu đều bị xử lý theo quy định của pháp luật. Căn cứ vào tính chất, mức độ nghiêm trọng, người có hành vi vi phạm có thể bị xử lý hình sự, hành chính hoặc xử lý kỷ luật. Cán bộ, CC sau khi nghỉ việc hoặc nghỉ hưu mới phát hiện có hành vi vi phạm trong thời gian công tác thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm phải chịu một trong những hình thức kỷ luật khiển trách, cảnh cáo, xóa tư cách chức vụ đã đảm nhiệm gắn với hệ quả pháp lý tương ứng với hình thức xử lý kỷ luật.

Như vậy, kể từ ngày 1/7/2020, cán bộ, công chức mặc dù đã nghỉ hưu nhưng nếu có hành vi vi phạm trước đó vẫn sẽ bị xử lý kỷ luật theo một trong 3 hình thức nêu trên.

HP (nguồn NLĐO)