Ban hành thông tư mới đánh giá học sinh tiểu học

Cập nhật, 04:59, Thứ Tư, 05/10/2016 (GMT+7)

Bộ GD- ĐT vừa ban hành Thông tư 22 (thông tư 30 sửa đổi) về đánh giá học sinh tiểu học. Theo đó, quy định đánh giá học sinh có những điều chỉnh so với dự thảo trước đây.

Tăng thêm mức đánh giá

Thông tư 22 có hiệu lực từ ngày 6/11/2016. Việc đánh giá thường xuyên quy định trong Thông tư 22 vẫn là “nhận xét”, bao gồm nhận xét của giáo viên với học sinh, học sinh với học sinh, phụ huynh với học sinh.

Các hình thức nhận xét linh hoạt, không khuôn cứng. Giáo viên có thể nhận xét bằng lời hoặc ghi vào vở. Tùy theo tình huống học tập, học sinh có thể nhận xét các sản phẩm học tập của bạn trong nhóm, trong lớp. Phụ huynh nhận xét về con và trao đổi với thầy, cô giáo biện pháp hỗ trợ.

Việc đánh giá định kỳ được Thông tư 22 quy định vào 4 thời điểm giữa 2 học kỳ, cuối học kỳ I và cuối năm. Giáo viên căn cứ vào quá trình đánh giá thường xuyên, căn cứ vào chuẩn kiến thức kỹ năng để đánh giá theo 3 mức: hoàn thành tốt, hoàn thành và chưa hoàn thành.

Học sinh sẽ có bài kiểm tra cuối học kỳ 1 và cuối năm đối với các môn tiếng Việt, Toán, Khoa học, Lịch sử và Địa lý, Ngoại ngữ, Tin học, tiếng dân tộc.

Riêng lớp 4, 5, ngoài các bài kiểm tra cuối kỳ có thêm bài kiểm tra giữa kỳ đối với môn tiếng Việt, Toán.

Các bài kiểm tra cho điểm theo thang điểm 10, không cho điểm 0 và điểm có số thập phân. Việc ra đề kiểm tra định kỳ được giao trách nhiệm cho hiệu trưởng trường.

Việc đánh giá năng lực, phẩm chất của học sinh căn cứ vào các biểu hiện kỹ năng, nhận thức, thái độ trong đánh giá thường xuyên được chia theo 3 mức: tốt, đạt, cần cố gắng.

Điều chỉnh quy định sổ sách và quy định khen thưởng

Theo Thông tư 22, sổ theo dõi chất lượng giáo dục sẽ được thay bằng bảng tổng hợp kết quả đánh giá giáo dục, đồng thời không quy định cứng nhắc bất kỳ loại sổ nào sử dụng trong quá trình đánh giá học sinh.

Giáo viên được trao quyền tự chủ theo dõi sự tiến bộ của học sinh, ghi chép những lưu ý với học sinh có nội dung chưa hoàn thành hoặc có khả năng vượt trội nhằm tự mình nắm bắt thông tin và sử dụng khi cần.

Việc khen thưởng học sinh do hiệu trưởng các trường quyết định vào cuối các năm học bao gồm khen học sinh hoàn thành xuất sắc các nội dung học tập và rèn luyện (kết quả đánh giá các môn học đạt hoàn thành tốt, các năng lực, phẩm chất đạt tốt; bài kiểm tra định kỳ cuối năm học các môn học đạt 9 điểm trở lên).

Học sinh có thành tích vượt trội hay tiến bộ vượt bậc về ít nhất một môn học hoặc ít nhất một năng lực, phẩm chất được giáo viên giới thiệu và tập thể lớp công nhận.

Ngoài ra, có khen thưởng đột xuất đối với học sinh có thành tích đột xuất trong năm học. Học sinh có thành tích đặc biệt được nhà trường xem xét, đề nghị cấp trên khen thưởng.

HP (nguồn TTO)