Nhận diện bệnh "tự diễn biến", "tự chuyển hóa"

Cập nhật, 06:03, Thứ Năm, 15/12/2016 (GMT+7)

Có thể nói, “Tự diễn biến” và “tự chuyển hóa” là hai khái niệm có nội hàm khác nhau nhưng lại gắn kết với nhau trong một quá trình vận động, biến đổi của con người, tổ chức. Quá trình diễn ra “tự diễn biến” cũng là quá trình diễn ra “tự chuyển hóa”, nhưng đang ở trong những giới hạn nhất định.

Nhưng đến một lúc nào đó thì từ “tự diễn biến” sẽ dẫn tới “tự chuyển hóa” toàn bộ; lúc đó con người, tổ chức sẽ thay đổi hoàn toàn về bản chất. “Tự chuyển hóa” bắt đầu bằng “tự diễn biến” và “tự diễn biến” sẽ dẫn tới “tự chuyển hóa” trong những điều kiện nhất định.

Như vậy, trong nhận thức cũng như trong hoạt động thực tiễn, chúng ta phải thực sự coi trọng đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi cả “tự diễn biến” và cả “tự chuyển hóa”.

Tuy nhiên, xét ở khía cạnh sự thay đổi về chất thì hai quá trình “tự diễn biến” và “tự chuyển hóa” vẫn có tính độc lập tương đối của nó.

Theo đó, khi đề ra giải pháp đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi có thể và cần phải đề ra cả giải pháp chung và giải pháp riêng trong đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.

Để góp phần đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ hiện nay, cần thực hiện tốt một số nội dung, giải pháp đồng bộ sau:

Trước hết, cần thường xuyên tăng cường giáo dục Chủ nghĩa Mác- Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; về mục tiêu, lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, về tính ưu việt của chủ nghĩa xã hội… cho đội ngũ cán bộ, đảng viên và nhân dân.

Để việc tuyên truyền, giáo dục Chủ nghĩa Mác- Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh hiệu quả, có cơ sở khoa học, thuyết phục…, cần đặc biệt quan tâm đến việc tăng cường nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn, góp phần phát triển sáng tạo Chủ nghĩa Mác- Lê-nin; đặc biệt là những luận điểm cần được bổ sung, phát triển, mà Chủ nghĩa Mác- Lê-nin chưa đề cập đầy đủ, toàn diện, phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh lịch sử mới và những luận điểm hoàn toàn mới, mà Chủ nghĩa Mác- Lê-nin chưa từng đề cập đến.

Hai là, giáo dục nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên về những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử của công cuộc đổi mới đất nước do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo; đồng thời, nhận thức rõ những hạn chế, bất cập không thể tránh khỏi trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội trong thời kỳ quá độ, thực hiện cơ chế thị trường, mở cửa, hội nhập quốc tế.

Phải từng bước thông qua đường lối, chủ trương, chính sách và công tác lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực tiễn của hệ thống chính trị, của đội ngũ cán bộ, đảng viên để từng bước hiện thực hóa mục tiêu, lý tưởng, tính ưu việt của chủ nghĩa xã hội trên đất nước ta.

Từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nơi căn cứ địa cách mạng trước đây và các gia đình, đối tượng chính sách, người có công với cách mạng.

(Còn tiếp)

PV (theo QĐND)