Cầu nối giữa dân với Đảng

Cập nhật, 12:55, Thứ Năm, 13/10/2016 (GMT+7)

Thời gian qua, trưởng ban công tác mặt trận (CTMT) ấp- khóm luôn là lực lượng tiên phong trong việc vận động người dân hưởng ứng các phong trào thi đua yêu nước.

Rất nhiều mô hình hay từ cuộc vận động này được phát huy và nhân rộng, trong đó các trưởng ban CTMT được xem là cầu nối giữa dân với Đảng.

Trưởng ban CTMT ấp- khóm đóng vai trò quan trọng trong việc vận động người dân tham gia xây dựng nông thôn mới.
Trưởng ban CTMT ấp- khóm đóng vai trò quan trọng trong việc vận động người dân tham gia xây dựng nông thôn mới.

Phát huy dân chủ trong mọi việc

Trong những năm qua, phát huy vai trò nòng cốt trong tập hợp, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc ở khu dân cư, các trưởng ban CTMT luôn đổi mới, nội dung, nâng cao chất lượng hoạt động.

Tuyên truyền, vận động là những giải pháp đơn giản nhưng rất hiệu quả được các trưởng ban CTMT áp dụng để kêu gọi người dân tham gia các phong trào thi đua ở địa phương.

Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” gắn với xây dựng nông thôn mới- đô thị văn minh là nhiệm vụ trọng tâm được trưởng ban CTMT phối hợp tổ chức thực hiện ở địa phương hàng năm.

Từ cuộc vận động này, có nhiều cách làm hay được nhân rộng, đặc biệt, trưởng ban CTMT đã phối hợp với các thành viên phát huy được sức mạnh của các tầng lớp nhân dân.

Ông Nguyễn Trung Cảnh- Trưởng ban CTMT Ấp 10 (Mỹ Lộc, Tam Bình) cho biết, thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” với phương châm “mưa dầm thấm lâu”, anh thường xuyên nhắc nhở, hướng dẫn người dân từ cách chấm điểm, cách ghi sổ và họp tổ bình nghị hàng quý.

Cách làm này góp phần nâng dần ý thức người dân trong việc xây dựng gia đình văn hóa cũng như xây dựng nông thôn mới.

Theo ông, để người dân tích cực hưởng ứng việc trước tiên là phải phát huy dân chủ, nghĩa là những vấn đề liên quan trực tiếp đến quyền lợi người dân phải tổ chức lấy ý kiến và công khai minh bạch.

Từ cách làm trên, Ấp 10 đã được công nhận đạt danh hiệu văn hóa theo tiêu chí mới từ năm 2013, trong đó có 166/172 hộ gia đình đạt văn hóa 3 năm liền.

Bà Bùi Thị Hồng Thư- Trưởng ban CTMT Khóm 5 (Phường 4- TP Vĩnh Long) chia sẻ, Khóm 5 đã xây dựng lực lượng đoàn viên, hội viên làm nòng cốt trong các cuộc vận động.

Trong 3 năm qua, khóm vận động xây dựng được 2 con hẻm tổng kinh phí trên 138 triệu đồng; cất 5 căn nhà đại đoàn kết cho hộ nghèo, trong đó có 1 căn cho một đối tượng lầm lỗi sau khi mãn hạn tù về đã chí thú làm ăn.

Để giúp hộ nghèo thoát nghèo bền vững, mặt trận khóm đề xuất cho 63 hộ nghèo buôn bán nhỏ lẻ vay vốn quỹ CEP trên 500 triệu đồng để làm ăn.

Tính đến nay, khóm chỉ còn 9 hộ nghèo (chiếm 1,1%) và 8 hộ cận nghèo (1%). Kinh nghiệm cho thấy, những việc làm liên quan đến đời sống, thu nhập, dân sinh hay công trình phúc lợi… đa số đều được người dân nhiệt tình hưởng ứng- bà Bùi Thị Hồng Thư cho biết.

Theo UBMTTQ Việt Nam tỉnh, qua phúc tra hàng năm, hộ gia đình văn hóa và khu dân cư đạt văn hóa đều tăng.

Đến nay, toàn tỉnh 244.062/261.398 hộ gia đình đạt chuẩn văn hóa (đạt 93,36%); có 526/847 ấp- khóm- khu đạt chuẩn văn hóa theo Quyết định 17/2012/QĐ-UBND (đạt 62,1%), trong đó có 496/847 ấp- khóm- khu đạt chuẩn văn hóa 5 năm liên tục (chiếm 58,56%).

Cán bộ mặt trận phải nhiệt tình

Vai trò của trưởng ban CTMT ấp- khóm được xem như làm cầu nối quan trọng giữa nhân dân với Đảng, chính quyền.

Trong mọi thời điểm, trưởng ban CTMT luôn thể hiện tinh thần, trách nhiệm, vận động nhân dân thực hiện các phong trào thi đua yêu nước, góp phần xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc ngày càng vững chắc.

Một trong những công tác xây dựng khối đại đoàn kết là việc trưởng ban CTMT ấp- khóm tham gia hòa giải cơ sở.

Toàn tỉnh có 847 ban CTMT với 8.208 thành viên; trong 847 trưởng ban CTMT, có 636 phó bí thư và chi ủy viên làm trưởng ban; 93 đảng viên làm trưởng ban và 118 người ngoài Đảng có uy tín làm trưởng ban. Hàng năm, Ban CTMT ấp- khóm được kiểm tra đánh giá xếp loại mạnh chiếm trên 90,2%, còn lại hoạt động khá và trung bình, không có hoạt động yếu.

Có thể nói, hòa giải cơ sở là công tác được trưởng ban CTMT thường xuyên tham gia và kết quả đã giữ gìn được tình làng nghĩa xóm và hàn gắn hạnh phúc của nhiều gia đình.

Bà Trương Thị Mây- Trưởng ban CTMT ấp An Lương B (xã Long An- Long Hồ) cho biết, hòa giải là biện pháp để giải quyết các tranh chấp trong đời sống xã hội còn nhiều vấn đề chưa thống nhất với nhau.

Trong 3 năm qua, bà đã tham gia hòa giải 24 vụ việc (3 vụ hôn nhân gia đình, 9 vụ mâu thuẫn tranh chấp ranh đất, vay mượn, uống rượu bia say làm mất trật tự…) và đã hòa giải thành 17 vụ.

Chị Mây chia sẻ: “Kinh nghiệm qua 3 năm công tác cho thấy để thực hiện có hiệu quả công tác hòa giải, cần kết hợp hài hòa giữa yếu tố pháp luật với phong tục tập quán và đạo đức của địa phương.

Và sau mỗi vụ hòa giải thành, tôi cảm thấy rất vui vì đã góp phần giải quyết kịp thời những tranh chấp nhỏ trong nội bộ nhân dân không để mâu thuẫn, tranh chấp đơn giản thành phức tạp, không để việc nhỏ phát sinh thành việc lớn dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng”.

Ông Nguyễn Văn Út- Trưởng ban CTMT ấp Quang Thạnh (xã Hiếu Phụng- Vũng Liêm) chia sẻ: Để làm tốt công tác hòa giải cơ sở, cán bộ phải uy tín, nói dân nghe.

Ngoài ra, để hạn chế những mâu thuẫn, cần phải tăng cường tuyên truyền bằng nhiều hình thức, phải nhiệt tình, hiểu được tâm tư, nguyện vọng của người dân.

Từ nhiều năm qua, ấp đã tiếp nhận đơn yêu cầu của nhân dân và hòa giải thành tại ấp trên 80% đơn mỗi năm.

Theo UBMTTQ Việt Nam tỉnh, trong 3 năm, các trưởng ban CTMT phối hợp cùng ban nhân dân ấp- khóm tổ chức hòa giải những mâu thuẫn trong nhân dân, hòa giải thành 3.217/3.532 vụ (trên 91%), qua đó đã góp phần cho tình làng nghĩa xóm ngày càng gắn bó tốt đẹp hơn.

Ông Lê Quang Đạo- Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam tỉnh cho rằng, trong những năm qua, các trưởng ban CTMT ấp- khóm- khu đã phối hợp thực hiện hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân thực hiện tốt các phong trào thi đua yêu nước.

Đó là thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, vận động các tầng lớp nhân dân đóng góp ủng hộ quỹ Vì người nghèo hàng năm đều đạt chỉ tiêu, hỗ trợ xây dựng nhà ở cho hộ nghèo kịp thời, tham gia vận động thực hiện tốt chương trình an sinh xã hội, tổ chức thực hiện tốt dân chủ ở cơ sở, phát huy quyền làm chủ của nhân dân; tham gia hòa giải những mâu thuẫn trong nhân dân…

Những việc làm trên đã góp phần xây dựng, tập hợp củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc và đáng được biểu dương.

Tính từ năm 2013 đến nay, các khu dân cư đã vận động quỹ Vì người nghèo được 23,737 tỷ đồng, hàng năm đều đạt và vượt chỉ tiêu của MTTQ xã- phường- thị trấn giao. Đồng thời, trưởng ban CTMT đã phối hợp đề nghị MTTQ cấp xã xem xét xây dựng và sửa chữa nhà cho hộ nghèo khó khăn về nhà ở được 1.854 căn, bằng nhiều nguồn với 45,716 tỷ đồng; hỗ trợ điều trị bệnh cho hộ nghèo, hỗ trợ học bổng cho học sinh nghèo hiếu học, thực hiện an sinh xã hội với trên 100 tỷ đồng.

Bài, ảnh: BÙI THANH